- Phát biểu khai mạc Hội nghị TƯ 4, Tổng bí thư một lần nữa nhấn mạnh tệ tham nhũng lãng phí, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, kể cả ở cấp cao và đòi hỏi Đảng phải chỉnh đốn.


Tham nhũng là một trong 4 nguy cơ Đảng ta đã nhấn mạnh ngay từ Đại hội VII. Các đại hội sau đó tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế tổ chức để phòng chống. Đảng đã tổ chức ra hệ thống cơ quan chống tham nhũng từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, công sức bỏ ra khá nhiều nhưng kết quả đạt được còn rất khiêm tốn, nói như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, "chưa bị đẩy lùi mà thậm chí ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn, làm xói mòn lòng tin đối với Đảng". Tham nhũng, suy thoái đạo đức lối sống hiện nay khá phổ biến ở hầu hết các ngành, các cấp, từ cơ sở đến Trung ương dính dáng đến những cá nhân có chức có quyền.

Chúng ta đã có rất nhiều đề án, phương án, nhiều đợt tham quan học hỏi hợp tác với nước ngoài… nghĩa là đã thừa quyết tâm chính trị. Không thể nói chúng ta thờ ơ, nhưng nếu không chống một cách rốt ráo, quyết liệt thì đến một lúc nào đó, như dòng lũ, những nguy cơ trên sẽ cuốn luôn chúng ta, nói như Tổng bí thư, "đe dọa đến sự tồn vong của chế độ".

Có quyết tâm chính trị chưa đủ, quan trọng là biện pháp. Quyết tâm một, biện pháp phải mười.

Đại biểu dự Đại hội Đảng XI, tháng 1/2011. Ảnh: Minh Thăng
Thời phong kiến, luật đề ra rất cụ thể, rõ ràng, tội thường đi kèm với hình phạt. Quan niệm cả thiên hạ là của vua nhưng vua không bao giờ lạm dụng. Làm việc gì, đi đâu đều hỏi ý kiến triều thần. Các chế độ phong kiến thịnh trị đều nghiêm khắc với mình, nghiêm khắc với quần thần. Thuế là mồ hôi là xương máu của dân, thuế là của chung, không phải của riêng nhà vua.

Ngay từ thời Lê Thánh Tông, ông đã quyết liệt chống tham nhũng. Sau này chính vua Minh Mệnh quan niệm "tham nhũng là giặc" và phải chống như chống giặc, và "phải chống tham nhũng từ nóc" chính là điều kiện tiên quyết để xây dựng một nhà nước thịnh trị.

Quần chúng thường nhìn lên. Mỗi việc làm của người đứng đầu đều có tác động đến quần chúng. Lòng tin hay mất lòng tin phụ thuộc vào điều này. Đừng giáo huấn quần chúng một khi anh không gương mẫu.

Những vụ án liên quan đến các quan chức tham nhũng chúng ta đem ra xét xử là một phép thử đối với lòng tin của quần chúng.

Một dự án chúng ta làm ở đâu, đền bù công bằng đến đâu, chúng ta đứng về phía dân hay về phía nhà đầu tư có sức thuyết phục hơn ngàn lời giáo huấn.

Là cán bộ chỉ một khóa mà giàu lên rất nhanh cũng là "tấm gương" thúc giục quần chúng "vươn lên", từ đó sinh ra chạy chức, chạy quyền.

Làm cán bộ không có những chuyến "vi hành" đúng nghĩa như ngày xưa mà luôn "tiền hô hậu ủng", khẩu hiệu tung hô thì làm sao có thực tế.

Phòng chống tham nhũng, thoái hóa biến chất là công việc đầy khó khăn, đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể đồng bộ và cả hệ thống chính trị vào cuộc. Tuy nhiên phải bắt đầu từ người đứng đầu. “Phải bắt đầu từ nóc” như ngày xưa ông cha ta đã từng quan niệm. Người đứng đầu đã nghiêm thì cấp dưới không thể lộng hành, tự tung tự tác. Người đứng đầu không có tật sẽ không giật mình.

Biện pháp mạnh là không có một vùng cấm nào. Ngày xưa, con cái, họ hàng của quan chức nếu sai phạm đều bị hình phạt như quần chúng để làm gương. Luật Hồng Đức lý giải: "Mọi sự rối loạn đều bắt đầu từ sự rối loạn về kỷ cương. Giữ nghiêm kỷ cương là phải giữ gìn từ những kỷ cương hàng ngày, từ những điều tưởng chừng như là nhỏ nhặt nhất. Kỷ cương nhỏ nhặt nhất không giữ được thì làm sao giữ nổi kỷ cương phép nước".

Trong hệ thống của chúng ta, kỷ cương thường bị xem nhẹ, ai nói cứ nói, ai làm cứ làm hay chỉ nói mà không làm, có luật pháp nhưng không tuân thủ, xem nhẹ lợi ích tập thể, chú trọng lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm… Chính đây là sức ỳ của hệ thống, là lực cản đối với sự phát triển. Chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tế này. Biện pháp như Tổng bí thư nhấn mạnh, "có cơ chế giám sát chặt chẽ và kịp thời thay thế những người không hoàn thành nhiệm vụ".

Cơ chế như thế nào để có thể kịp thời thay thế được người không hoàn thành nhiệm vụ, cơ chế nào để trừng trị những kẻ bao che lẫn nhau là điều còn bất cập. Quần chúng có đủ nhận thức để biết ai làm được gì cho dân cho nước, ai bao che cho ai nhưng vấn đề là làm thế nào để người dân có quyền và tổ chức nghe dân như thế nào? Vai trò của người dân trong việc bãi miễn những người không đủ tín nhiệm ra sao.

Như ông Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, "những việc cần và có thể làm ngay phải chăng là từng cán bộ, đảng viên, trước hết là từng ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự giác, gương mẫu tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình, tự điều chỉnh mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình".

Nguyễn Đăng Tấn