- "Kết nối với Việt Nam" là câu chuyện về một nữ tiến sĩ người Việt ở Úc, người sáng lập diễn đàn chuyên nghiên cứu sâu về Việt Nam quy tụ các nhà khoa học uy tín hàng đầu khắp thế giới.

Đối diện TS Phan Lê Hà, khó có thể bắt chị tự nói nhiều về bản thân, ngay cả khi gõ tên chị trên trang giới thiệu tiểu sử giảng viên của khoa giáo dục - Đại học Monash (Australia), nơi chị đang công tác, cũng chỉ là những dòng tự giới thiệu ngắn về học hàm và những chuyên ngành nghiên cứu đang theo đuổi.

Nhưng nói về "Kết nối với Việt Nam" với sức lan tỏa nhanh chóng, TS Hà sẽ tạo cho người đối diện cảm giác "khó dứt" với thế giới khoa học và trí thức của chị.

Bản sắc Việt

Tốt nghiệp Học viện Quan hệ quốc tế và Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 1999, Phan Lê Hà bắt đầu đến Australia theo học cao học về khoa học xã hội.

Tiến sĩ Phan Lê Hà tại Hà Nội. Ảnh: XLinh
Hành trang du học là sự tự tin về khả năng của bản thân nhưng cô sinh viên trẻ đã bị "sốc". Đó là cảm giác "một chút tủi thân" khi đối diện những đồng môn quốc tế nhìn nhận giới sinh viên châu Á, Việt Nam với con mắt "nhìn xuống", cho rằng những đặc tính "thụ động", "khép kín", "rập khuôn" trong nghiên cứu khó có thể khiến những sinh viên Việt Nam hay châu Á khác nổi bật.

Vậy thì phải chứng minh không thể "cá mè một lứa" - TS Hà cười khi nhớ lại những ngày đầu đặt chân đến xứ sở chuột túi. Chị lao vào nghiên cứu, học tập và tìm kiếm đề tài nghiên cứu về khoa học xã hội, văn hóa với hai tiêu chí: phải thật bản sắc Việt Nam và có tính đối thoại.

Ngoài chuyện chứng minh "giá trị Việt Nam", chị muốn yếu tố thúc đẩy "đối thoại" hiện diện trong đề tài nghiên cứu của mình để qua đó mở cửa đón nhận tri thức phản biện, bất kể đó là góc nhìn phản biện nào. Đó cũng là cách Phan Lê Hà muốn để tri thức khoa học của mình đi nhanh, hòa nhập với tri thức khoa học của thế giới.

12 năm học tập, nghiên cứu tại Australia, giờ chị trở thành tiến sĩ, làm giảng viên cao cấp về văn hóa, sư phạm tại khoa giáo dục thuộc trường Đại học Monash ở Australia. Phan Lê Hà có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực giảng dạy, chị cũng tham gia thỉnh giảng tại nhiều trường đại học ở Mỹ, Anh, Tây Ban Nha và Việt Nam. Nắm giữ nhiều vị trí danh dự trong các trường đại học ở Việt Nam, tháng 11 vừa qua, TS Hà được phong là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Reading (Anh).

Song câu chuyện đặc biệt nhất của nữ tiến sĩ chưa tròn 40 tuổi này là "Kết nối với Việt Nam", một ý tưởng chị thai nghén từ những ngày đầu học tập, nghiên cứu tại Australia và mới có cơ hội hiện thức hóa và phát triển trong 2-3 năm trở lại đây. Đây là một diễn đàn khoa học nghiên cứu về một Việt Nam hiện đại, đang phát triển trên các lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn như văn hóa, giáo dục, địa lý, lịch sử...

Đối thoại hai chiều

TS Hà mong muốn giới khoa học quốc tế có cách nhìn đa dạng, tiếp cận Việt Nam trên các lĩnh vực khác nhau, không bó hẹp trong cách nhìn về một Việt Nam cũ kỹ của chiến tranh, để hiểu hơn những giá trị, bản sắc tồn tại cũng như những chuyển biến đa dạng trên mọi mặt của một Việt Nam mới, hiện đại và năng động.

Chị cũng mong muốn tạo một diễn đàn dành cho những tiếng nói, quan điểm mới ở góc độ nghiên cứu chuyên sâu trong từng lĩnh vực, dành cho bất cứ ai trên thế giới nghiên cứu về Việt Nam. Và điểm quan trọng nhất, phải có sự tham gia của các nhà khoa học Việt Nam.

Theo chị, ở Australia có không ít học giả quan tâm đến Việt Nam, đã có nhiều đề công trình nghiên cứu nhưng chủ yếu tập trung vào những đề tài cũ như chiến tranh và ít nhiều mang màu sắc chính trị, lịch sử. Điều đáng nói, họ ít có cơ hội tham khảo, sử dụng nguồn nghiên cứu của chính các nhà khoa học Việt Nam trong cùng lĩnh vực quan tâm.

Quan điểm của TS Hà là, sẽ rất thiếu sót nếu họ không tiếp cận để có cách nhìn nhận về Việt Nam toàn diện, sâu rộng, đầy đủ, chính xác hơn. Ngược lại, việc các nhà khoa học Việt Nam có cơ hội đối thoại với các học giả nước ngoài cũng là cách trao đổi, giao lưu và hội nhập khoa học, tri thức quốc tế, giới thiệu các công trình nghiên cứu của mình. Điều này cũng để thay đổi sự nhìn nhận về giới khoa học quốc tế đối với giới học giả, khoa học Việt Nam.

"Những tri thức nghiên cứu luôn có giá trị sử dụng như những công cụ lý luận, làm cơ sở cho các nghiên cứu khác. Các học giả nước ngoài sẽ có cách tiếp cận về Việt Nam khác với chính bản thân các học giả Việt Nam - người bản địa am hiểu toàn diện hơn, sâu rộng hơn về mỗi vấn đề nghiên cứu ở Việt Nam. Đối thoại tạo sự hiểu biết hai chiều và tôi cũng muốn cho thấy không phải những phương pháp luận, cách tiếp cận khoa học thuần túy của phương Tây đều có thể áp dụng giải mã những hiện tượng xã hội của phương Đông”.

Theo TS Phan Lê Hà, "Kết nối với Việt Nam" là một ý tưởng rộng lớn, mà diễn đàn học thuật trao đổi mới là hoạt động đầu tiên. Chị kỳ vọng những nghiên cứu khoa học phải tính đến sự ảnh hưởng đối với chính sách, có mối liên hệ với các nhà hoạch định chính sách. Đó là lý do vì sao "Kết nối với Việt Nam" đã mở rộng sự tham gia ngoài giới học giả là các nhà hoạch định chính sách, quan chức ngoại giao...

Năm nay, "Kết nối với Việt Nam" lần thứ 4 sẽ diễn ra tại Trung tâm Đông - Tây ở Hawaii, Mỹ. TS Hà kỳ vọng, hội thảo lần này sẽ quy tụ được giới học giả người Mỹ gốc Việt, những sinh viên, nghiên cứu sinh người Việt ở Mỹ. Bởi, họ là một kênh giúp tri thức, khoa học Việt Nam gõ cửa thế giới.

Xuân Linh