Bí thư đã trở thành một dạng người đứng đầu đặc biệt - tư cách đứng đầu không được xác lập cả trong luật pháp và Điều lệ Đảng, có quyền hạn rộng nhưng lại không chịu trách nhiệm về pháp lý.
LTS: Trong diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa XI (ngày 26/12/2011), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu một trong ba vấn đề cấp bách, cần làm ngay trong xây dựng Đảng là “xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị”. VietNamNet giới thiệu bài viết của ông Bùi Đức Lại, nguyên chuyên gia cao cấp Ban Tổ chức Trung ương, được đăng trên Tạp chí Xây dựng Đảng điện tử ngày 31/12/2011.
Trong mọi thể chế chính trị, các chính đảng đều là những tổ chức chính trị - xã hội, đa số tổ chức theo nguyên tắc tập thể, làm việc theo chế độ hội nghị, quyết định theo đa số. Đảng Cộng sản Việt Nam có hệ thống tổ chức trong các cơ quan nhà nước, chính trị xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, hội đoàn… các cấp. Tổ chức đảng ở đó có vai trò hạt nhân lãnh đạo, đều theo chế độ tập thể, kể cả khi cơ quan, đơn vị theo chế độ một người đứng đầu.
Qua nhiều năm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, hiện nay đã có những cải tiến quan trọng, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cơ quan đảng làm thay cơ quan nhà nước, làm thay các tổ chức chính trị - xã hội. Điều này thể hiện khá rõ trong công tác cán bộ ở các tổ chức đảng theo vùng lãnh thổ từ địa phương đến Trung ương (cấp xã, huyện, tỉnh và toàn quốc). Đây là loại hình tổ chức đảng được giao quyền quyết định trong công tác cán bộ của cả hệ thống chính trị trong phạm vi địa phương.
Người đứng đầu đặc biệt
Bỏ phiếu tại ĐH đại biểu đảng bộ phường Dịch Vọng, Hà Nội tháng 1/2010. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Tổ chức đảng các cấp từ cơ sở đến trung ương không theo chế độ một người đứng đầu (Các cơ quan tham mưu, hành chính, sự nghiệp của Đảng: các ban tham mưu, trường đào tạo, viện nghiên cứu… vẫn theo chế độ một người đứng đầu). Vì vậy, bí thư cấp ủy về nguyên tắc không thể và không phải là người đứng đầu, hoặc chỉ có thể là một dạng “người đứng đầu không đầy đủ”..
Trong toàn bộ 48 điều của Điều lệ Đảng hiện hành không có điểm nào thừa nhận hoặc hàm ý thừa nhận vai trò người đứng đầu của bí thư (thậm chí hầu như không có ý nào đề cập đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của chức danh này). Vậy mà trong thực tế, không ít bí thư cấp ủy địa phương được coi như người đứng đầu cao nhất, không chỉ trong quan hệ đối với cấp ủy và đảng bộ, mà cả đối với cơ quan chính quyền, tư pháp, các tổ chức chính trị - xã hội… và toàn thể địa phương nói chung. Không ít bí thư hành xử với tư cách đó trong hoạt động của mình. Các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong địa phương dường như cũng mặc nhiên thừa nhận như vậy.
Như vậy là trên thực tế bí thư đã trở thành một dạng người đứng đầu đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ tư cách đứng đầu không được xác lập cả trong luật pháp và Điều lệ Đảng, nhưng lại có thể làm “người đứng đầu của những người đứng đầu”; có quyền hạn rộng, vượt ra ngoài phạm vi tổ chức đảng; có quyền nhưng lại không chịu trách nhiệm về pháp lý.
Điều này không phù hợp với luật pháp, Điều lệ, Cương lĩnh của Đảng, nhưng vẫn tồn tại trong thực tế. Thậm chí có người còn cho rằng đó chính là thể hiện vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng.
Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ nguyên nhân quan trọng nhất bắt nguồn từ nhận thức và thực hành không đúng quan điểm “Đảng thống nhất quản lý đội ngũ cán bộ”.
Hiểu và thực hành không đúng quan điểm này dẫn đến một thực tế phổ biến là cấp ủy trở thành chủ thể toàn quyền ra quyết định về cán bộ của cả hệ thống chính trị và các tổ chức hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước... Cấp ủy khó có thể thực sự làm đúng vai trò quyết định tập thể về cán bộ. Kết quả là bí thư và một vài người gần gũi bí thư trong bộ máy là chủ thể nắm thực quyền quyết định nhân sự lãnh đạo của mọi tổ chức. Thông qua cơ chế này, bí thư nghiễm nhiên trở thành nhân vật số một, nắm quyền lực cao nhất.
Nắm trong tay một quyền hạn lớn, nếu bí thư cấp uỷ là người có đức độ, đầy đủ ý thức trách nhiệm trước nhân dân và Đảng, tự giác tôn trọng nguyên tắc tổ chức, có văn hóa lãnh đạo thì những mặt tiêu cực ít phát sinh. Nhưng không phải ai cũng có những phẩm chất đó. Hiện tượng lạm dụng quyền lực, thao túng tổ chức vì lợi ích và địa vị cá nhân xảy ra ngày một phổ biến hơn, có chỗ thì công nhiên, thô bạo, có chỗ thì khéo léo, tinh vi. Quyền lực không bị kiểm soát thì sớm muộn cũng sẽ tha hóa, nảy sinh tiêu cực.
Cần khẳng định rằng, tình trạng quyền lực tập trung quá mức vào một cá nhân, dù mang danh nghĩa nào cũng không có gì chung với tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. Ngược lại, nó làm biến dạng và suy yếu vai trò lãnh đạo, đặt toàn bộ thể chế và xã hội vào tình thế không an toàn. Đảng luôn luôn chủ trương ngăn ngừa và chống lại một sự tập trung như vậy.
Làm rõ vai trò, thẩm quyền trách nhiệm của cấp ủy và bí thư cấp ủy trong công tác cán bộ trở thành một trong những khâu quan trọng then chốt trong xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam và xây dựng Đảng.
Bí thư và công tác cán bộ
Là chính đảng duy nhất lãnh đạo và cầm quyền, sự lãnh đạo của Đảng đương nhiên có tính thống nhất trên mọi lĩnh vực, trong đó có công tác cán bộ. Nhưng lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ là hai phạm trù khác nhau. Những yếu tố mới xuất hiện khiến cho việc Đảng thống nhất quản lý đội ngũ cán bộ trở thành tình huống “có vấn đề”.
Một là, trong xã hội ngày càng xuất hiện “đội ngũ” ngoài “biên chế”, không ăn lương nhà nước, bao gồm ngày càng đông đảo các nhà trí thức, khoa học, chuyên môn, văn, nghệ sĩ, nhà quản lý, doanh nhân… Họ đã thoát khỏi thân phận bé mọn, bị chèn ép trong cơ chế cũ, có vị trí ngày càng quan trọng hơn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, cấu thành bộ phận không thể thiếu trong giới tinh hoa của xã hội. Không thể gạt họ ra ngoài “đội ngũ cán bộ”. Họ chỉ chịu sự “quản lý nhà nước” trong tư cách công dân và trên lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp, chuyên môn của mình. Đặt vấn đề Đảng thống nhất quản lý họ là chưa phù hợp, chưa có nội dung cụ thể.
Hai là, quyền quản lý cán bộ cơ quan nhà nước là quyền pháp định đối với các chủ thể trong tổ chức đó. Đi kèm với thẩm quyền pháp định là trách nhiệm pháp định. Đảng lãnh đạo Nhà nước, trung thành với nguyên tắc hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, không thể không lãnh đạo đề cao và thực hiện nghiêm các thể chế này. Các quy định, quy chế của Đảng phải đáp ứng yêu cầu đó. Những điều gì không phù hợp cần sửa đổi. Nói cách khác, nhận thức và tổ chức thực hiện vấn đề thống nhất quản lý đội ngũ cán bộ trước đây, đến nay không còn phù hợp.
Đội ngũ cán bộ của đất nước ngày càng phát triển mạnh, bao gồm nhiều bộ phận. Chỉ có một bộ phận trong đó là đối tượng “thống nhất quản lý” của tổ chức đảng. Đó là những cán bộ trong bộ máy đảng, những đảng viên hoạt động trong bộ máy nhà nước, trong các đoàn thể, các tổ chức kinh tế, xã hội…
Trong Điều lệ Đảng cần bổ sung một điều hoặc một khoản đề cập những điểm chính về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bí thư, tương thích với vai trò của chức danh này trong tổ chức. Cần tổng kết thực tiễn và yêu cầu đặt ra đối với chức danh bí thư để đề ra những nội dung này. Chắc chắn bí thư phải được giao những quyền hạn và trách nhiệm cao hơn so với các thành viên khác trong tập thể cấp ủy.
Với những quy định bổ sung đó, bí thư vẫn chỉ có vị trí người đứng đầu không đầy đủ trong cấp ủy.
Bí thư không phải là người đứng đầu đảng bộ. Đảng bộ chỉ có một tập thể đứng đầu là đại hội đảng và ban chấp hành đảng bộ (giữa hai kỳ đại hội). Vì vậy bí thư không có thẩm quyền ra “chỉ thị”, “quyết định” cho đảng bộ cấp dưới, cho cán bộ, đảng viên nói chung, lại càng không được vi phạm quyền của tổ chức đảng cấp dưới quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của nó, không trái với nguyên tắc, đường lối của Đảng và pháp luật nhà nước.
Bí thư không phải là người đứng đầu hệ thống chính trị địa phương, càng không phải là người đứng đầu địa phương. Trong Nhà nước ta không tồn tại chức danh người đứng đầu cao nhất mỗi địa phương (như kiểu “quan phụ mẫu” trong chính quyền cũ).
Nếu bí thư được bầu hoặc cử vào cơ quan công quyền địa phương thì đương nhiên có thẩm quyền và chịu trách nhiệm pháp lý gắn với vị trí đó.
Có ý kiến đề nghị bí thư cấp ủy nên đồng thời là người đứng đầu chính quyền địa phương cùng cấp. Nhưng nếu chỉ “kết nối” các chức danh lãnh đạo Đảng và Nhà nước một cách hành chính, như cách làm từng phổ biến trong các nước XHCN theo mô hình trước đây, thì không thể mong chờ kết quả tốt hơn cái họ đã có. Vấn đề chủ yếu là ở chỗ xây dựng và thực hiện được một cơ chế dân chủ có thể huy động động lực của các chủ thể trong đảng cầm quyền, trong xã hội và trong nhân dân để định ra con người đảm nhận chức danh đó.
Ngăn chặn trục lợi, mua bán chức quyền, gian dối
Trên cơ sở đổi mới phương thức Đảng lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, cần đổi mới vai trò của cấp ủy và bí thư trong công tác cán bộ. Phải chăng nên hướng vào một số điểm sau đây:
Một là, mở rộng đối tượng cán bộ cần quan tâm lãnh đạo, không chỉ bó hẹp trong diện quản lý, trong những người hưởng lương nhà nước, mà cả trong giới tinh hoa như đã nói trên. Tháo gỡ những cản trở hạn chế sự luân chuyển tự nhiên giữa hai khu vực trong và ngoài biên chế nhà nước. Lãnh đạo đội ngũ cán bộ nói trên không thể chỉ gắn với quyền lực quản lý như trước mà phải trên cơ sở luật pháp, bằng uy tín chính trị của Đảng, trên tinh thần dân chủ, công bằng, bình đẳng, vì lợi ích chung.
Hai là, điều chỉnh lại đối tượng và nội dung quản lý cán bộ. Đảng lãnh đạo công tác cán bộ nhưng không thay các cơ quan nhà nước, đoàn thể quản lý cán bộ theo luật pháp, điều lệ của tổ chức.
Kiên quyết đi theo hướng quản lý cán bộ theo luật, điều lệ của mỗi tổ chức.
Đảng làm thật tốt việc giới thiệu đảng viên ưu tú vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị, nhưng không áp đặt bằng biện pháp hành chính.
Coi trọng việc kiểm tra đảng viên hoạt động trong các cơ quan đó trong việc thực hiện chức trách, công vụ. Kịp thời xử lý kỷ luật, rút ý kiến giới thiệu của Đảng khi thấy cần.
Ba là, lãnh đạo, kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới, cơ quan đảng, cán bộ đảng, đảng viên là cán bộ, công chức bộ máy nhà nước và đoàn thể thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật nhà nước trong công tác cán bộ.
Tập trung trước mắt vào việc ngăn chặn tệ trục lợi, mua bán chức quyền, gian dối trước hết trong lãnh đạo đảng và bộ máy tham mưu.
Bốn là, lãnh đạo thực hành dân chủ trong công tác cán bộ. Thực tế đã chứng minh rằng, dân chủ là xương sống của toàn bộ thể chế cán bộ. Để thực sự có dân chủ trong công tác cán bộ, còn rất nhiều việc phải làm. Tuy luật pháp, thể chế, quy định hiện nay còn nhiều vấn đề cần đổi mới theo hướng này, nhưng trong khuôn khổ hiện tại, vẫn có nhiều việc cấp ủy, bí thư có thể làm để thực hành dân chủ. Vấn đề là có ý tưởng và quyết tâm đấu tranh từ bỏ những lợi ích cục bộ và thói quen làm việc theo nếp cũ hay không.
Bùi Đức Lại
(Tiêu đề phụ do VietNamNet đặt)