Sau khi bị Bình Nhưỡng chỉ trích là "kẻ liều lĩnh, thiếu thận trọng", Tổng thống Hàn Quốc nói, một kỷ nguyên mới trong quan hệ liên Triều là có thể nếu Triều Tiên chân thành về việc cung cấp chương trình hạt nhân.

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak. Ảnh: Bloomberg

"Nếu Triều Tiên tiến về phía trước với thái độ chân thành, chúng tôi có thể làm việc cùng nhau để mở ra một kỷ nguyên mới của bán đảo Triều Tiên", ông Lee Myung Bak nói sau hai tuần Bình Nhưỡng thông báo cái chết của Chủ tịch Kim Jong-il. “Nhưng chừng nào họ còn tiếp tục hành động khiêu khích, chúng tôi sẽ duy trì tư thế phòng thủ chặt chẽ. Nếu có bất kỳ gây hấn nào, chúng tôi sẽ đáp trả mạnh mẽ".

Ngay sau khi kết thúc lễ tang ông Kim Jong-il, Quân ủy Triều Tiên tuyên bố sẽ không bao giờ thỏa thuận với Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak, một nhân vật bảo thủ đã quyết định ngừng thực thi chính sách viện trợ với Triều Tiên năm 2008, và họ sẽ đoàn kết bên cạnh lãnh đạo mới Kim Jong-un. "Chúng tôi tuyên bố long trọng và tự tin rằng, các chính khách ngu ngốc trên thế giới, trong đó có Hàn Quốc, không nên mong đợi bất kỳ sự thay đổi nào từ chúng tôi", Quân ủy Triều Tiên cho hay. "Chúng tôi sẽ không bao giờ thỏa thuận với Lee Myung-bak".

Theo Yoon Deok Min, giáo sư nghiên cứu Triều Tiên tại Viện Đối ngoại và an ninh quốc gia Hàn Quốc, “ông Lee đang cố gắng ngăn chặn một hành động khiêu khích khác bằng cách khẳng định lại với Triều Tiên về điều kiện sẵn sàng đối thoại".

Tổng thống Lee tuyên bố, Hàn Quốc sẽ sẵn sàng nối lại hội đàm sáu bên về chương trình hạt nhân Triều Tiên (bao gồm hai miền Triều Tiên, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản) chừng nào Bình Nhưỡng ngừng các hoạt động hạt nhân. Ông khẳng định, chính phủ của ông sẽ không dung thứ cho sự khiêu khích từ Triều Tiên bao gồm hai lần thử thiết bị hạt nhân hay vụ nã pháo vào một hòn đảo ở Hoàng Hải.

"Tôi mong rằng năm nay sẽ đánh dấu cột mốc cho việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên", ông Lee nói. “Chúng tôi sẵn sàng cung cấp các hỗ trợ cần thiết để nới lỏng các quan ngại an ninh của Triều Tiên và hồi sinh nền kinh tế của họ dựa trên những gì sẽ được nhất trí tại các cuộc hội đàm sáu bên".

Cuộc hội đàm sáu bên cuối cùng diễn ra vào tháng 12/2008 và các thanh sát viên LHQ bị trục xuất khỏi Triều Tiên năm 2009. Tháng trước, Mỹ tuyên bố đang trong các cuộc thảo luận với Triều Tiên về vấn đề viện trợ lương thực.

Tổng thống Lee đã thay đổi Chính sách Ánh dương thực thi bởi người tiền nhiệm Kim Dae Jung khi ông lên nhậm chức năm 2008. Trong nhiệm kỳ 5 năm của ông, Triều Tiên đã tiến hành thử hạt nhân lần hai và công bố một chương trình làm giàu uranium tiên tiến vào năm 2010.

Phe đối lập đã đổ lỗi cho ông Lee làm căng thẳng leo thang. Tỉ lệ tín nhiệm dành cho ông đã giảm từ 76% khi nhiệm kỳ tổng thống bắt đầu vào tháng 2/2008 xuống còn 26,9% (theo cuộc thăm dò với 3.750 người Hàn Quốc từ 19-23/12 vừa qua).

Trong thông điệp năm mới 2012, Triều Tiên tuyên bố sẽ bắt đầu một kỷ nguyên thịnh vượng trong năm 2012 bằng việc giải quyết thiếu lương thực và năng lượng, đồng thời kêu gọi người dân thành “những lá chắn sống” bảo vệ Kim Jong-un “cho đến chết”.

Ngày cuối cùng của năm cũ, Ban chấp hành trung ương đảng Lao động cầm quyền và Quân ủy trung ương Triều Tiên ra tuyên bố chung khẳng định, Triều Tiên cần có một “quyết định bước ngoặt để đưa đất nước trở thành người khổng lồ về kinh tế và cải thiện mức sống của người dân”. Cũng trong ngày này, Bộ Chính trị Triều Tiên đã chính thức bổ nhiệm Kim Jong-un làm tư lệnh tối cao của quân đội.

Thái An (theo Bloomberg)