Tổng thống Đức Christian Wulff thừa nhận, cú điện thoại đầy tức giận mà ông gọi cho tổng biên tập tờ Bild khi báo chuẩn bị xuất bản câu chuyện về khoản vay từ một doanh nhân là "sai lầm nghiêm trọng".
Tổng thống Đức Christian Wulff. Ảnh: AP |
Tuy nhiên, ông Christian Wulff khẳng định ông không có ý định từ chức. Ông Wulff là một đồng minh của Thủ tướng Đức Angela Merkel, đã xuất hiện công khai trên truyền hình để bảo vệ mình trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều tin đồn là ông sẽ phải ra đi vì vụ bê bối. "Tôi vui vẻ nhận trách nhiệm của mình (ở cương vị Tổng thống). Tôi thực hiện nó trong 5 năm và mong muốn thể hiện sau 5 năm ấy, tôi là một tổng thống tốt và thành công", ông Wulff nói với truyền hình ARD và ZDF.
Khi được hỏi liệu ông có xem xét khả năng từ chức, ông trả lời "không". Ông nói: "Tôi không vi phạm luật pháp, dù hiện tại là tổng thống hay trước đây".
Nhật báo Bild của Đức lần đầu tiên đăng tải vụ việc này vào ngày 13/12. Báo cho biết, ông Wulff đã nhận 500.000 euro khoản vay cá nhân từ vợ của một doanh nhân giàu có với mức lãi suất thấp hơn thị trường vào năm 2008. Ông đã dùng số tiền này để mua nhà. Khi ấy, ông là Thống đốc bang Hạ Saxony. Nhiều tháng trước khi Wulff trở thành tổng thống năm 2010, các nghị sĩ đối lập trong bang đã hỏi ông về mối quan hệ với người bạn lâu năm - nhà đầu tư, doanh nhân giàu có. Ông đã phủ nhận và cũng không đề cập tới khoản vay từ vợ của Geerkens.
Các công tố viên cho biết, họ không thấy bằng chứng phạm tội liên quan tới khoản vay và sẽ không điều tra. Nhưng tổng thống nặng về nghi thức của Đức được cho là người đại diện cho uy tín, đạo đức và giới phê bình đã đặt ra những câu hỏi về sự chính trực của ông Wulff.
Ngay trước dịp Giáng sinh, ông Wulff đã xin lỗi vì không công bố khoản vay trong năm 2010. Vấn đề tưởng như lắng dịu nhưng lại trở nên nóng hổi hơn bao giờ hết từ hôm thứ hai với thông tin rằng, Tổng thống Wulff đã gọi cho tổng biên tập báo Bild là Kai Diekmann trong một nỗ lực ngăn chặn những thông tin ban đầu về khoản vay.
Tin nhắn giận dữ cho tổng biên tập
Tờ Bild cho rằng, ông Wulff đã cố gắng liên lạc với Diekmann nhưng không thành công vì ông này đang đi công tác. Tổng thống Đức sau đó đã để lại tin nhắn trong hộp thư trên điện thoại di động của Tổng biên tập tờ Bild. Tin nhắn khá tức giận và ông Wulff đe dọa sẽ có “hậu quả” nếu tờ báo tung ra bài viết về khoản vay của ông.
Ông Wulff còn liên lạc với Chủ tịch hãng xuất bản tờ Bild Matthias Doepfner để thúc giục ông gây sức ép khiến Bild rút lại bài báo. Nhưng ông Doepfner từ chối. Ba ngày sau đó, ông Wulff đã gọi cho Diekmann lần nữa để xin lỗi vì “giọng điệu và nội dung” của tin thoại. Tờ Bild không nói chi tiết nội dung và giọng điệu đó như thế nào.
Vụ việc đã khiến giới truyền thông và các chính trị gia đối lập ở Đức chỉ trích nặng nề ông Wulff. Sau hai ngày im lặng từ vị Tổng thống, một người phát ngôn cho bà Merkel hôm thứ tư đã nói rõ ràng về việc Thủ tướng mong muốn ông Wulff sẽ tự giải thích kỹ càng hơn.
"Cuộc gọi cho tổng biên tập của Bild là một sai lầm nghiêm trọng và tôi lấy làm tiếc cũng như xin lỗi vì điều đó", ông Wulff nói. Ông thừa nhận cần "sắp xếp lại" mối quan hệ của ông với truyền thông. Tuy nhiên, Tổng thống Đức khẳng định không cố ngăn chặn các báo cáo. "Tôi chỉ yêu cầu hoãn một ngày để chúng tôi có thể nói về nó, để nó có thể chính xác hơn", ông nói. "Có những quyền con người cho dù cả với tổng thống, bạn bè hay người thân của ông ấy, và tôi sẽ không muốn làm tổng thống ở một đất nước mà mọi người không thể mượn tiền từ bạn bè nữa".
Trước khi trở thành Tổng thống, ông Wulff là phó phụ trách đảng bảo thủ của bà Merkel.
Theo giới phân tích, nếu ông Wulff từ chức sẽ gây ra sự lúng túng và mất tập trung cho bà Merkel khi bà cố gắng chế ngự cuộc khủng hoảng nợ châu Âu. Vị tổng thống mới sẽ được một hội đồng đặc biệt của quốc hội bầu trong vòng 30 ngày, và hiện chưa thấy "bóng dáng" ứng viên nào.
Hermann Groehe, Tổng thư ký đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo của bà Merkel nói, là phù hợp khi ông Wulff đối mặt với những chỉ trích: "Tôi chắc chắn rằng với điều này, Christian Wulff sẽ thành công để giành lại niềm tin của người dân".
Người phát ngôn của Hội Nhà báo Đức đã chỉ trích hành động của ông Wulff. Tờ Thời báo Tài chính Đức ngày 3/1 lên tiếng kêu gọi Tổng thống từ chức vì ông đã không cư xử thích hợp: “Uy tín của ông ấy đã bị tổn thương bởi hàng loạt sai lầm. Một người kéo theo gánh nặng như vậy không thể tiếp tục là Tổng thống”.
Tờ nhật báo rất có ảnh hưởng Sueddeutsche Zeitung cũng nói rằng ông nên ra đi: “Vị trí này là quá lớn với ông Wulff”. Phó Chủ tịch Đảng SPD đối lập Hubertus Heil tuyên bố, ông Wulff cần làm rõ mọi việc càng sớm càng tốt và lẽ ra ông không nên ngăn cản đưa tin về một việc nghiêm trọng như vậy.
Thái An (theo Skynews,
Reuters)