Tổng thống Mỹ Barack Obama lần đầu tiên đặt dấu ấn của mình vào một chính sách quân sự mới. Theo những gì ông mô tả, đó mà một đội quân Mỹ nhỏ hơn, nhanh hơn ở khắp châu Á, Thái Bình Dương và Trung Đông.


Xuất hiện bất ngờ tại phòng họp báo của Lầu Năm Góc hôm 5/1, ông Obama đã phác thảo ra chiến lược quốc phòng mới xuất phát từ ba thực tế: con đường quanh co của một thập niên chiến tranh tại Iraq và Afghanistan, khủng hoảng tài chính yêu cầu cắt giảm hàng trăm tỉ USD trong ngân sách quốc phòng và mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Trung Quốc, Iran.

Tổng thống Obama sau khi công bố chiến lược quân sự mới tại Lầu Năm Góc. Ảnh: Nytimes
Một thực tế thứ tư không được đề cập đến trong phòng họp báo, là chiến dịch tái tranh cử của ông Obama và cả “dàn hợp xướng” các ứng viên Cộng hòa đang cố xây dựng chân dung ông là “kẻ tàn sát” ngân sách Lầu Năm Góc cũng như phản ứng yếu ớt về vấn đề Iran.
Ông Obama - người phát biểu giữa đám đông các tướng lĩnh quân đội, ngực lấp lánh huân chương - đã nhấn mạnh về sự thành công trong việc đảm bảo an ninh quốc gia của chính quyền ông như: chấm dứt chiến tranh tại Iraq, tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden và lật đổ Muammar el-Qaddafi của Libya. Ông tuyên bố, Mỹ sẽ có lực lượng mặt đất quy mô nhỏ hơn, để thoát khỏi “các hệ thống đã lỗi thời từ kỷ nguyên chiến tranh Lạnh”, và tăng cường đầu tư vào công tác thu thập tình báo cũng như chiến tranh mạng.
Ông còn nhấn mạnh, dường như để nhằm tới các thành viên Cộng hòa và quan chức quốc phòng trong phòng họp báo, rằng “quân đội của chúng ta sẽ gọn gàng hơn, nhưng thế giới phải biết Mỹ sẽ duy trì ưu thế quân sự của mình”.
Mặc dù khá hào nhoáng, nhưng nhiều yếu tố trong chiến lược mới “hướng tới tương lai” nhấn mạnh đến chất lượng và mục tiêu tinh giản hơn nhưng công nghệ tiên tiến hơn đã từng được cựu Bộ trưởng Quốc phòng Donald H. Rumsfeld đề cập trước khi xảy ra vụ khủng bố 11/9.
Các quan chức Lầu Năm Góc thừa nhận rằng, có rủi ro trong một chiến lược tuyên bố các lực lượng mặt đất của Mỹ sẽ không còn đủ lớn để tiến hành chiến dịch chống nổi dậy kéo dài, quy mô lớn như kiểu ở Iraq và Afghanistan. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon E.Panetta cho biết, bộ binh phải giảm xuống còn 490.000 lính trong thập niên tới từ con số 570.000 người, đồng thời khẳng định đã sẵn sàng thay đổi tiến trình nếu cần thiết.
Trong cuộc họp báo sau phát biểu của ông Obama, Đô đốc James A. Winnefeld Jr., phó chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân nói, chiến lược mới cho phép bộ quốc phòng xây dựng lực lượng bộ binh thu gọn và ngược lại, trong trường hợp khẩn cấp có thể tiến hành tổng động viên lớn với lực lượng phòng vệ quốc gia và lực lượng dự bị.
Một số nhà phân tích khác cho rằng, chiến lược nói chung là tốt nhưng không đề cập tới chi tiết. “Đó là kiểu chưa hoàn thành”, Andrew F. Krepinevich Jr., một chuyên gia quân sự tại Trung tâm Đánh giá Ngân sách và Chiến lược cho biết. “Giống như bạn nhảy khỏi máy bay với một chiếc dù, trong năm giây đầu tiên là ‘tới thời điểm này thì tốt’, nhưng bạn vẫn phải chờ tới lúc dù mở”.
Quan chức Nhà Trắng và Lầu Năm Góc nói rằng, ông Obama dành khối lượng thời gian đáng kể để làm việc với quan chức quân sự về chiến lược mới. Họ xác định là khoảng sáu cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ với các nhà lãnh đạo quân sự và chỉ huy khu vực từ tháng 9 tới cuối tháng 12. Với Obama, động thái này thể hiện mối quan tâm đáng kể của ông trong một chính sách được coi là “sự sang trang” từ các cuộc chiến của cựu Tổng thống George W. Bush. “Rõ ràng nó thể hiện mức độ quan tâm của Tổng thống hơn hẳn những gì chúng ta thấy từ ông trước đây”, ông Krepinevich nói.
Tài liệu về chiến lược mới cuối cùng đã đưa ra định nghĩa khác xa so với lịch sử yêu cầu của Bộ Quốc phòng là phải có khả năng chiến đấu và chiến thắng hai cuộc chiến tranh cùng một lúc. Chiến lược đưa ra năm 2010 nhấn mạnh, quân đội Mỹ chịu trách nhiệm “duy trì khả năng thắng thế với hai kẻ có khả năng xâm lược đất nước”.
Ngược lại, chiến lược mới đưa ra yêu cầu, quân đội phải có khả năng chống lại một cuộc chiến tranh nhưng chỉ chịu trách nhiệm “ngăn chặn mục tiêu hoặc áp đặt những cái giá không thể chấp nhận được với một kẻ xâm lược cơ hội ở khu vực thứ hai”.
Theo các quan chức cấp cao Lầu Năm Góc, yêu cầu đặt ra với quân đội kiểu như mô hình hai cuộc chiến đã lỗi thời. Và sứ mệnh đặt ra là liệu Lầu Năm Góc có thể có khả năng thực hiện hàng loạt hành động quân sự để bảo vệ các lợi ích quốc gia hay không.  
Như vậy, quan chức quốc phòng Mỹ nhấn mạnh rằng, những ưu tiên trong thời gian tới sẽ là đầu tư tài chính cho phòng thủ và tấn công trong lĩnh vực không gian mạng, cho các lực lượng đặc nhiệm và cho công tác tình báo, giám sát và trinh sát.
Thái An (theo Nytimes)