Nếu Đảng không trong sạch về đạo đức, không được nhân dân ủng hộ thì không thể đủ sức lãnh đạo đưa đất nước đi lên - Tổng bí thư nói.

Ngày 11/1, tới dự và phát biểu tại hội nghị cán bộ toàn quốc về công tác xây dựng Đảng năm 2012, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ ý nghĩa quan trọng của hội nghị lần này - hội nghị đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XI, công tác tổ chức xây dựng Đảng có nhiều việc phải làm.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN
Tổng bí thư hoan nghênh hội nghị đã đánh giá đầy đủ các mặt công tác trong năm 2011, những việc đã làm được, những việc chưa làm được, đúc rút kinh nghiệm và đề ra giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2012.

Tổng bí thư nhấn mạnh, trong năm qua, mặc dù tình hình thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng toàn Đảng, toàn quân và dân đã nỗ lực phấn đấu, khẩn trương triển khai Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bằng các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực; tiến hành cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thành công tốt đẹp; từng bước kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Những kết quả đạt được trong năm qua đã tạo đà cho việc thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ trong năm 2012, đồng thời củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Trong những thành tựu chung của đất nước có sự đóng góp to lớn của ngành tổ chức xây dựng Đảng.

Bước vào năm 2012, tình hình trong nước và thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Việt Nam tiếp tục ưu tiên hàng đầu cho việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế...

Chúng ta tiếp tục cụ thể hóa một số quyết sách của Đại hội XI; tiến hành bổ sung, sửa đổi Hiến pháp 1992; đổi mới chính sách, luật pháp về đất đai, cải cách chính sách tiền lương, bảo đảm an sinh xã hội, đổi mới căn bản giáo dục đào tạo, phát triển khoa học công nghệ; triển khai các Nghị quyết của Trung ương về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay...

Tổng bí thư chỉ rõ bối cảnh tình hình hiện nay và những yêu cầu nhiệm vụ mới của cách mạng Việt Nam đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đặt ra những yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao đối với công tác xây dựng Đảng.

Nếu Đảng không thật sự vững vàng về chính trị tư tưởng, không thống nhất cao về ý chí và hành động, không trong sạch về đạo đức, không chặt chẽ về tổ chức, không được nhân dân ủng hộ thì không thể đủ sức lãnh đạo đưa đất nước đi lên.

Chính vì vậy, Hội nghị Trung ương 4 vừa qua đã bàn và quyết định tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cụ thể hóa một bước Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

Trải qua các thời kỳ, công tác xây dựng Đảng luôn được Đảng hết sức coi trọng và xác định đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng, chế độ.

Tổng bí thư nhấn mạnh trong toàn bộ hệ thống các cơ quan làm công tác tham mưu cho Đảng, Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan tổ chức các cấp có vị trí đặc biệt quan trọng, vừa là cơ quan tham mưu, vừa là cơ quan trực tiếp tác chiến về công tác tổ chức, xây dựng Đảng.

Nếu nói xây dựng Đảng là “then chốt” thì công tác tổ chức cán bộ là “then chốt” của “then chốt,” đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm hết sức nặng nề.

Xây dựng Đảng là xây dựng về tổ chức và xây dựng về con người. Nói đến tổ chức là nói đến nguyên tắc tổ chức, hệ thống tổ chức, cơ cấu tổ chức, biên chế, cơ chế vận hành, lề lối làm việc; sự phân công và phối hợp trong mỗi tổ chức cũng như giữa các tổ chức trong một hệ thống.

Nói đến cán bộ là nói đến đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, lựa chọn, bố trí, sắp xếp cán bộ, chế độ, chính sách đối với cán bộ... Đây là công tác đối với con người nên rất hệ trọng và nhạy cảm. Lâu nay vẫn nói: "Cán bộ nào thì đường lối ấy", nhưng sau khi có đường lối đúng thì cán bộ đóng vai trò quyết định việc tổ chức thực hiện đường lối.

Tổng bí thư mong muốn toàn ngành tổ chức xây dựng Đảng cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình hiện nay, thấy đầy đủ trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân; cần phát huy tinh thần chủ động, tổ chức công việc thật tốt theo hướng đổi mới, khoa học, phân công tỉ mỉ chặt chẽ.

Các cấp ủy Đảng cần tập trung làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thật tốt công tác tổ chức cán bộ, đặc biệt là phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy.

Mỗi cán bộ tổ chức cần nắm chắc nguyên tắc, quy chế, quy trình, chế độ làm việc thận trọng, với phong cách nhân văn; không ngừng học tập rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết chuyên môn, phẩm chất đạo đức lối sống, thực sự trong sáng, công tâm khách quan, dũng cảm bảo vệ chân lý, lẽ phải, dám đấu tranh, không bị cám dỗ bởi vật chất, không bị chi phối bởi tình cảm cá nhân…

Cùng với niềm tin, sự kỳ vọng và những mong muốn, gửi gắm, Tổng bí thư tin tưởng với bề dày truyền thống và kinh nghiệm, với những kết quả đạt được trong năm qua, chắc chắn ngành tổ chức xây dựng Đảng sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tạo chuyển biến thực sự trong công tác năm 2012.

Làm việc trong một ngày rưỡi, hội nghị đã thảo luận về dự thảo báo cáo tổng kết công tác năm 2011 và phương hướng nhiệm vụ năm 2012 của ngành tổ chức xây dựng Đảng do Ban Tổ chức Trung ương chuẩn bị.

Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, khách quan, không né tránh, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến, đồng thời làm rõ thêm những hạn chế yếu kém trong công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2011.

Về phương hướng, nhiệm vụ công tác và những vấn đề cần quan tâm năm 2012, các đại biểu đã đề xuất, kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực công tác tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, phương thức lãnh đạo của Đảng, về xây dựng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên, công tác bảo vệ chính trị nội bộ và góp ý vào sơ thảo Quy định của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Tổng kết hội nghị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa nêu rõ năm 2012, khối lượng công việc của ngành Tổ chức xây dựng Đảng nhiều hơn, yêu cầu cao hơn và thời gian thúc bách hơn.

Bộ Chính trị dự kiến giao Ban Tổ chức Trung ương chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các cấp ủy thực hiện 35 đề án, trong đó có những nhiệm vụ hết sức quan trọng như tham mưu xây dựng quy hoạch Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh chủ chốt của Đảng và Nhà nước; đề án Nhận xét, đánh giá các ủy viên Trung ương.

Ông Tô Huy Rứa chỉ rõ công việc mà toàn ngành cần làm ngay là tham mưu hoàn chỉnh để sớm ban hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, Chỉ thị và Kế hoạch của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết.

Ngành chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu đề ra các cơ chế, giải pháp cụ thể, khả thi, có tính đột phá nhằm tạo chuyển biến thực sự, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ như: quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng và cơ quan đơn vị; xây dựng tiêu chuẩn cán bộ theo chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ; đổi mới phương pháp đánh giá cán bộ; thực hiện thí điểm giao quyền cấp trưởng có trách nhiệm lựa chọn, giới thiệu để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó; thí điểm chế độ tiến cử, chịu trách nhiệm về tiến cử cán bộ, chế độ tập sự; tiếp tục thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh chủ chốt ở cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương; mở rộng thí điểm nhất thể hóa chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện; tiếp tục cải cách chế độ tiền lương, nhà ở cho đội ngũ cán bộ, công chức và lực lượng vũ trang gắn với tinh giản biên chế thật sự.

Các cơ quan và từng cán bộ, đảng viên làm công tác tổ chức cán bộ cần tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để đề xuất, tham mưu bổ sung cơ chế, chủ trương, giải pháp về công tác tổ chức xây dựng Đảng bảo đảm sát thực tiễn khả thi, tránh chung chung, hình thức.

Ngành nghiên cứu, tham mưu việc đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị; về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu và mối quan hệ công tác của ban cán sự đảng, đảng đoàn ở Trung ương và địa phương; quy định về chế độ tự phê bình và phê bình trong đảng, quy định cụ thể thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác tổ chức và cán bộ.

Ngành tập trung nghiên cứu đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

Theo TTXVN