- Có thực hiện được hay không nguyên tắc công khai, minh bạch trong quản lý nền tài chính, điều đó sẽ làm nên tên tuổi một Bộ trưởng Vương Đình Huệ nói hay hành động.

Vì lợi ích của dân

Câu nói “Tôi vì lợi ích của hơn 80 triệu người dân…” của ông Vương Đình Huệ tại một cuộc hội thảo đã làm ấm lòng dư luận. Trong hội thảo ấy ông tỏ ra là người vững vàng, một người “trên cơ” khi quan chức Bộ Công thương bóng gió về chuyện dùng tay chân thay cho cái đầu…

Nói như Khổng Tử: “Một người quân tử nói bằng hành động”, nhưng trên đời cái “sự nói” cũng khó khăn lắm. Lời nói mà ngay thẳng, rõ ràng, khúc chiết thì lí trí ắt sáng suốt.

Trong nhiệm kỳ này, người dân có nhiều lý do để kỳ vọng vào các ông quan “Thượng thư” của Chính phủ. Thật ra trong hàng ngũ những vị bộ trưởng kể từ thời Đổi mới đến nay cũng có các vị đã để lại dấu ấn trong lòng dân. Ông Lê Huy Ngọ là người vừa dám nói, vừa dám làm, vừa dám nhận khuyết điểm. Có lẽ ông cũng là người duy nhất trong hàng bộ trưởng cho đến hiện nay có văn hóa từ chức. Hay như ông Trương Đình Tuyển là con người của khí phách, có tâm, có tầm, dám nêu chính kiến…

Bộ trưởng Vương Đình Huệ được tin sẽ tạo bước đột phá

Ông Huệ mà mọi người kỳ vọng là người vừa có kiến thức vừa có thực tế. Có người lập luận, ở ta những năm gần đây cũng nhiều lắm những vị giáo sư, tiến sĩ làm lãnh đạo đấy chứ. Nhưng sao lại ít đột phá thế?

Thật ra không phải cứ giáo sư, tiến sĩ làm lãnh đạo là đột phá. Công tác quản lý với chuyên môn sâu là hai việc khác nhau, tuy có mối quan hệ biện chứng. Làm lãnh đạo phải có tư chất và khi có tri thức thì hai cái đó như tựa vào nhau.

Lĩnh vực tài chính ngân hàng chính là huyết mạch của nền kinh tế. Trong hội thảo, ông Huệ tự tin nói: “Tôi có 5 năm làm Phó Tổng kiểm toán, 5 năm làm Tổng kiểm toán Nhà nước. Tôi không chỉ đủ sức quản lý hàng trăm doanh nghiệp mà tôi đủ năng lực quản lý toàn bộ nền kinh tế đất nước”.

Cá nhân tiên phong

Điều mà người dân chờ đợi Bộ trưởng hành động đã thể hiện phần nào ở những gì ông đã làm với Petrolimex và ở trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp vừa qua. Trước rất nhiều vấn đề đại biểu đặt ra, ông đã trả lời rõ ràng và thể hiện bản lĩnh khi khái quát những sự kiện, vụ việc cụ thể ở tầm vĩ mô.

Và mọi người có lẽ đều tâm đắc với giải pháp mà ông đưa ra trong điều hành, quản lý giá của Bộ Tài chính thời gian tới. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Theo tôi, giải pháp của mọi giải pháp trong lĩnh vực này là minh bạch, công khai. Nhà nước phải minh bạch về cơ chế, chính sách, chính sách nào chưa phù hợp nhà nước sẽ xem xét lại. Cán bộ, công chức trong thực thi công vụ phải minh bạch về trách nhiệm. Doanh nghiệp phải minh bạch về số liệu và công khai theo quy định của pháp luật. Nếu chúng ta không đảm bảo minh bạch, công khai thì khó mà thành công, nhìn rộng ra vấn đề tái cấu trúc khó lòng mà hoàn thành sớm”…

Giải pháp minh bạch, công khai đã được nhiều người nói, tuy nhiên làm như thế nào mới quan trọng.

Ông Huệ là người chuyên sâu trong lĩnh vực tài chính, hơn nữa ông có thâm niêm trong lĩnh vực kiểm toán nên biết rất rõ mọi ngõ ngách đường đi của đồng tiền. Mà đồng tiền không minh bạch chỉ có thể núp bóng những khoảng tối. Nếu công khai tài chính thì còn đâu chỗ dựa cho những kẻ tham nhũng.

Nói và làm, minh bạch, công khai, người dân kỳ vọng ở một bộ nắm “hầu bao” của đất nước. Một nền tài chính minh bạch, công khai chắc chắn sẽ không có chỗ cho sự dối trá, cho thói móc ngoặc, chạy chọt... Một nền tài chính công khai, minh bạch là điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội như nhau, cho mọi vùng, mọi ngành đều phát triển theo đúng tiềm năng, không chạy theo những giá trị ảo …

Kỳ vọng vào bộ máy, nhưng quan trọng phải có những cá nhân đi tiên phong. Hy vọng nguồn ánh sáng ấy sẽ sáng cả nhiệm kỳ, làm động lực cho đất nước phát triển.

Nguyễn Đăng Tấn