- Quan chức cấp cao ASEAN và Trung Quốc đã bắt đầu cuộc họp 3 ngày, thảo luận về việc thực hiện bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, nhằm giải quyết căng thẳng do bất đồng tuyên bố chủ quyền.


Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Philippines một lần nữa cáo buộc Trung Quốc xâm phạm vùng lãnh hải của họ giữa lúc hai bên tiếp tục bất đồng về việc Manila gọi Biển Đông là Biển Tây Philippines và Bắc Kinh bác bỏ điều này (Trung Quốc gọi là Biển Nam Trung Hoa).

Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với bốn nước Đông Nam Á, trong đó Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền lớn nhất, bao trùm hầu hết vùng biển. Theo báo cáo của Trung tâm an ninh Mỹ mới, Biển Đông ước tính có trữ lượng dầu khoảng 7 tỉ thùng cùng 900 nghìn tỉ mét khối khí tự nhiên.

“Các quan chức cấp cao sẽ xem xét tiến độ thực thi và tập trung vào việc thúc đẩy hợp tác thực tế dưới khuôn khổ của DOC”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vị Dân nói trong một cuộc họp báo.

Ảnh minh họa: Getty images

Nhật báo Trung Quốc hôm thứ sáu dẫn lời ông Lưu nói rằng, Bắc Kinh hy vọng các hướng dẫn của tài liệu đã có cả một thập niên sẽ được thực hiện đầy đủ. Cuộc gặp kéo dài ba ngày được cho là sẽ dẫn tới bước đi tích cực để thực hiện các hướng dẫn mà ASEAN và Trung Quốc đã ký kết trong tháng 7.

"Trung Quốc sẽ nắm bắt cơ hội này để cùng nỗ lực với các quốc gia ASEAN trong việc duy trì hoà bình và ổn định ở Biển Đông, đem lại lợi ích cho người dân trong khu vực”, người phát ngôn họ Lưu nói.

Về phần mình, Ngoại trưởng Philippines Albert F. del Rosario cho hay, nước ông mong muốn làm rõ các vụ xâm nhập của tàu thuyền Trung Quốc vào lãnh hải Philippines. “Chúng tôi nhìn nhận tình hữu nghị giá trị và lâu dài của chúng tôi với Trung Quốc là điều dựa trên sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau”, ông khẳng định.

“Để đảm bảo hòa bình và giải quyết tranh chấp ở Biển Tây Philippines (Biển Đông), các xung đột chủ quyền cần được giải quyết dựa theo những quy định của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS). Vì thế, Philippines đã sẵn sàng chuẩn bị để hợp lệ các tuyên bố chủ quyền của chúng tôi theo UNCLOS, và chúng tôi chân thành mới Trung Quốc tham gia trong nỗ lực xác nhận các tuyên bố riêng của mình”, Ngoại trưởng Philippines nhấn mạnh.

Giới phân tích và chuyên gia ở châu Á cũng như Mỹ có phản ứng khác nhau về vấn đề này, mặc dù hầu hết nhất trí rằng, việc thực thi DOC là bước tiến quan trọng để giải quyết căng thẳng. “Ở đây có những vấn đề trong nước và các lợi ích. Một giải pháp vì thế cần được áp dụng”, Trác Đào Hùng, giáo sư trường Nghiên cứu quốc tế, Đại học Bắc Kinh nói.

Còn M. Taylor Fravel, phó giáo sư khoa học chính trị, thành viên Chương trình Nghiên cứu an ninh tại Viện công nghệ Massachusetts thì cho rằng: “…Mặc dù cạnh tranh liên tục, nhưng xung đột vũ trang ở Biển Đông khó có thể xảy ra. Các quốc gia trong khu vực cạnh tranh về những quyền hàng hải hơn là các vấn đề an ninh khác, đặc biệt là tuyên bố chủ quyền với các đảo, vỉa đá ngầm…”.

Theo ông, các bên liên quan cần phải có ý chí chính trị để giải quyết tranh chấp: “Thỏa thuận tháng 7/2011 giữa ASEAN và Trung Quốc về các hướng dẫn thực thi Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông ký kết năm 2002 đã tạo ra không gian ngoại giao để có thể khai thác nhằm giảm bớt căng thẳng. Những sáng kiến hợp tác có thể làm giảm cạnh tranh trong tương lai về các quyền hàng hải nhưng đòi hỏi ý chí chính trị và sáng tạo ngoại giao để thúc đẩy nó”.

Thái An (theo Bworldonline)