Mỹ nên xem những mục tiêu
chiến lược của Trung Quốc theo một cách khách quan và đảm bảo rằng, các bất đồng
sẽ không ảnh hưởng tới quan hệ hai nước, Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
nói trước chuyến công du tới Mỹ.
Thừa nhận các khác biệt trong lịch sử và văn hóa, ông Tập cho rằng, có các tranh cãi hay va chạm là điều bình thường với hai nước. "Chúng tôi hy vọng Mỹ có thể nhìn nhận các mục tiêu chiến lược, con đường phát triển của Trung Quốc theo cách hợp lý, khách quan, và cam kết phát triển quan hệ đối tác hợp tác", ông Tập nhấn mạnh.
Ông Tập Cận Bình trong cuộc họp mặt kỷ niệm 40 năm ngày Tổng thống Mỹ Richard Nixon có chuyến thăm lịch sử đến Trung Quốc. Ảnh: China Daily |
"Dù tình hình quốc tế thay đổi, cam kết phát triển quan hệ hợp tác Trung - Mỹ của chúng ta không bao giờ nên dao động", ông Tập phát biểu trong một cuộc họp kỷ niệm 40 năm ngày Tổng thống Mỹ Richard Nixon có chuyến thăm lịch sử đến Trung Quốc.
Chuyến thăm năm 1972 đã thay đổi cảnh quan chính trị thế giới.
Phát biểu trước các học giả, quan chức và nhà ngoại giao cấp cao từng có mặt trong chuyến công du 1972, ông Tập xác nhận sẽ sớm thăm Mỹ theo lời mời của Phó tổng thống Joe Biden. "Tôi hy vọng chuyến công du của tôi có thể đóng một vai trò tích cực trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác Trung - Mỹ".
Phó chủ tịch Trung Quốc không đề cập chi tiết cụ thể ngày giờ chuyến thăm, nhưng nhiều người dự đoán kế hoạch sẽ diễn ra vào tháng 2. Bài phát biểu dài 20 phút của ông Tập đề cập tới mọi khía cạnh trong quan hệ Trung - Mỹ từ hợp tác song phương tới đa phương, từ chính trị tới thương mại.
Thương mại hai nước đã vượt quá 400 tỉ USD trong năm 2011 so với 2,5 tỉ USD những năm 1980. Ông Tập Cận Bình còn nhấn mạnh rằng, Trung Quốc và Mỹ nên hợp tác chặt chẽ hơn để tháo gỡ các cuộc khủng hoảng quốc tế và tăng cường phối hợp giải quyết về các điểm nóng trong khu vực. Cả hai cũng nên nỗ lực khuyến khích sự ổn định và thịnh vượng ở châu Á - Thái Bình Dương.
Quan hệ Trung - Mỹ, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã trở thành nhân tố chính ảnh hưởng tới các vấn đề toàn cầu, nhưng đôi khi vẫn có trắc trở. Mỹ nhiều lần phàn nàn về thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Rất nhiều chính khách Mỹ cho rằng, Trung Quốc giữ giá trị thấp đồng nhân dân tệ để có lợi cho xuất khẩu.
Trung Quốc thì có phản ứng rõ ràng về việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Căng thẳng gia tăng hơn thời gian gần đây khi Mỹ công bố chiến lược trở lại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và có quan tâm lớn tới vấn đề Biển Đông - vùng biển diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á.
Theo giới phân tích, căng thẳng thậm chí có thể leo thang hơn nữa bởi cuộc đua vào Nhà Trắng khi các ứng viên có ý dùng con bài Trung Quốc để thuyết phục cử tri. Ví dụ, Mitt Romney, ứng viên sáng giá của đảng Cộng hòa, đã nhiều lần đề cập tới Trung Quốc trong các bình luận công khai và nói ông sẽ lập tức hành động nếu đắc cử.
Henry Kissinger, cố vấn an ninh quốc gia của Nixon năm 1972, người cũng tham dự cuộc họp diễn ra hôm thứ hai, nói rằng, dù chiến dịch bầu cử sẽ có nhiều tuyên bố khác nhau, nhưng nó sẽ không làm thay đổi xu thế chung trong quan hệ Trung - Mỹ.
Các nhà phân tích cho rằng, chuyến thăm Mỹ sắp tới của ông Tập sẽ có ảnh hưởng lớn tới quan hệ song phương. Chuyến đi của ông diễn ra vào lúc lòng tin chung giữa hai bên đang dao động, Ngưu Tân Xuân, một nhà nghiên cứu Mỹ tại Viện Quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc nói: "Từ nửa sau năm 2011, Mỹ đã hành động để tái khẳng định ảnh hưởng của họ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương làm dấy lên những nghi ngờ của Trung Quốc về các ý đồ của Mỹ. Cùng lúc đó, Mỹ lại hoài nghi về các mục tiêu của Trung Quốc trước sự trỗi dậy nhanh chóng. Đó là lý do vì sao ông Tập nói Mỹ nên đánh giá mục tiêu chiến lược của Trung Quốc một cách khách quan".
Theo ông Ngưu, cuộc gặp lãnh đạo Trung - Mỹ sẽ vượt qua mức độ song phương để thảo luận các vấn đề như hạt nhân Iran, bán đảo Triều Tiên.
Thái An (theo Chinadaily)