- Xuất hiện đều đặn trong những buổi tiếp
xúc cử tri của đoàn ĐBQH Hà Nội trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội là một nhà trí
thức đầu bạc với những câu hỏi ngắn, sắc và luôn "trúng" những chuyện nóng
nhất.
Vị cử tri "chuyên nghiệp" này là người từng được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực nông nghiệp. Câu chuyện đầu năm mới của ông xoay quanh những trăn trở về việc xây dựng một Quốc hội dân chủ cũng như về quyền của người nông dân trên mảnh đất của mình.
"Cứ ông Hốt đi là yên tâm"
Cơ duyên đưa GS Võ Trọng Hốt thành một cử tri chuyên nghiệp của phường Trúc Bạch là bởi mỗi lần đại diện cho bà con tham gia các buổi tiếp xúc, ông Hốt luôn biết chọn vấn đề thời sự nhất để "chất vấn". Cách chọn vấn đề, đặt câu hỏi luôn ngắn gọn và hấp dẫn.
"Thế là Mặt trận và chi bộ nói cứ cử ông Hốt đi là yên tâm", ông Hốt vui chuyện.
GS Võ Trọng Hốt trong một buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Lê Nhung |
"Thấy tôi đi một hai lần và dám nói nên mọi người tín nhiệm cử tôi. Tôi nghĩ mình cứ nói ra những điều tâm huyết, những nguyện vọng chung của nhiều người, vì lợi ích chung thế là sẽ đến được với các đại biểu Quốc hội, nên việc gì mà ngại", ông Hốt chia sẻ.
Còn nhớ, trước thềm ĐH Đảng XI, nhân buổi
gặp ông Nguyễn Phú Trọng khi đó là Chủ tịch QH, GS Võ Trọng Hốt mạnh dạn đề nghị, tiến hành
chất vấn và trả lời chất vấn trong Đảng, đồng thời truyền hình trực tiếp các
phiên này: "Không lẽ các bộ trưởng phải trả lời chất vấn mỗi khi họp Quốc hội,
riêng Bộ Chính trị lại không?". Theo ông Hốt, làm được điều này sẽ "nâng cao hẳn
vị thế của Đảng, tiến một bước về dân chủ".
Ngay sau kỳ họp thứ 8, khi mọi người dân đều hoan hỉ trước quyết định sáng suốt
của Quốc hội là chưa thông qua dự án xây đường sắt cao tốc, thì ông Hốt đã đưa
ra những quan ngại: "Rất mừng là Quốc hội đã sáng suốt đưa ra quyết định chưa
vội thông qua ngay kỳ này. Nhưng, đến kỳ họp sau liệu Quốc hội có chịu sức ép
nào phải thông qua hay không?". Đáp lời, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng khẳng
định, không có sức ép nào và không có chuyện ép ai đó phải thông qua khi chưa
chín muồi.
Nhiều phen khi ông Hốt đang nêu câu hỏi, thì các vị lãnh đạo thành phố cũng phải quay hết xuống để nhìn cho rõ gương mặt của "lão cử tri" không ngại đụng chạm. Và rồi vài lần sau đó, tuy đăng ký phát biểu sớm nhưng cuối cùng ông Hốt lại được chỉ định nói cuối cùng...
Nhưng riêng với Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, lần nào cũng đi xuống bắt tay GS Hốt, khoác vai và còn tranh thủ trao đổi thêm một vài thắc mắc khác không tiện nói trên diễn đàn.
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng giờ đã ở cương vị mới, vậy nên vào những phút giải lao ít ỏi, ông Hốt còn tranh thủ đề đạt thêm những chuyện khác về dân chủ trong Đảng, xây dựng Đảng.
"Tất cả đều là quá trình quan sát, tích lũy và theo dõi của tôi, với các vấn đề nổi cộm và với vấn đề quan trọng. Chứ không phải hôm nay đi họp thì hôm qua mới đọc tài liệu để xem xét sẽ đề đạt gì", ông Hốt tâm sự.
Nhiều người nói, cử tri chuyên nghiệp như ông Hốt không đến hội nghị cho đủ mặt, cho vui mà đến để được nói.
Luôn để trí óc hoạt động
Dáng người cao đậm, mái tóc bạc trắng với nước da hồng hào và đôi chân mày đen rậm nghiêm ngắn, GS Võ Trọng Hốt thu hút người nghe bởi lối nói chuyện nhẹ nhàng. Trong giọng nói ấm áp của ông vẫn còn pha "chất Quảng Ngãi".
GS Võ Trọng Hốt chia sẻ những câu chuyện về đất đai. Ảnh: Lê Nhung |
Câu chuyện trong ngôi nhà xanh mướt cây trái nằm kề mấy vườn đào Nhật Tân đang rộ sắc hồng lại xoay quanh đất đai, nông nghiệp, quyền của dân.
Ông Hốt nói, không khí sinh hoạt dân chủ của Quốc hội những khóa gần đây đã thổi luồng gió khích lệ đến với nhiều người dân. Nhưng sẽ trọn vẹn hơn nếu Quốc hội tích cực tập trung vào việc sửa Luật đất đai, để ngăn ngừa những xung đột và bất ổn đang nảy sinh mấy năm gần đây. Quốc hội nhiều khóa trước đây đã từng thảo luận rất sôi nổi về một số quy định liên quan đến đất đai. Trong không khí những năm đầu đổi mới, nhiều người rất hào hứng, đề cập việc đổi mới tư duy về đất đai, có sở hữu toàn dân. Luật đất đai rậm rịch sửa đổi mấy năm gần đây, nhưng rồi đến nay vẫn án binh bất động.
"Những vướng mắc và bất cập này chưa được sửa đổi dù QH đã nhiều lần bàn chuyện sửa luật. Đó là nguyên nhân gây ra tình trạng mất dân chủ, dân mất đất, thất nghiệp phải ly hương. Xung đột giữa dân và chính quyền cũng nóng bỏng vì đất. Quốc hội phải có tiếng nói mạnh mẽ trong chuyện này, phải công nhận quyền sở hữu của dân. Bức xúc này là những điều mà cử tri xung quanh tôi đều gửi gắm mỗi lần tôi đi gặp các đại biểu", ông Hốt nói.
Chỉ tay về phía chiếc xe bốn chỗ
đậu sát hàng cam canh, bưởi Diễn, quất trĩu quả, GS Võ Trọng Hốt nói, ông và bà
lão của ông vẫn rong ruổi trên chiếc xe này đi khắp nơi, miễn trong bán kính cho
phép. Đi cũng để cho trí óc luôn được hoạt động. Và cũng là để có thêm "tư liệu"
sinh động cho mỗi dịp làm "cử tri chuyên nghiệp".
Lê Nhung