- "Về mùa khô, mỗi người được phát 3 - 5 lít nước ngọt/ngày, quy định chỉ được tắm một lần duy nhất, khẩu phần nước chỉ có bằng đấy, ai tắm khéo thì đủ, thiếu thì ráng chịu".
Phát 5 lít thu 3 lít
Tàu thả neo. Con xuồng nhỏ chòng chành vượt sóng bạc đầu, như muốn hất tung xuống biển. Vất vả lắm tôi mới leo lên bậc sàn nhà giàn Phúc Tần.
Vừa leo lên hết hơn 20 bậc cầu thang bằng sắt, một hình ảnh hiện ra khiến bất cứ ai lần đầu chứng kiến đều thấy ngộ nghĩnh, đó là những anh lính hải quân tắm ngồi lọt thỏm trong chậu thau, chẳng khác gì em bé tắm.
Thiếu tá Trang Hải Âu, trưởng nhà giàn dường như "bắt" trúng nỗi ngạc nhiên mang dấu hỏi lớn của tôi, liền giải thích ngay: “Anh thấy lính nhà giàn lạ lắm phải không? Anh em đang biểu diễn “tắm nghệ thuật" đấy. Nếu ngày mai anh còn ở đây, mời anh thưởng thức xem tắm lính khổ hay sướng".
Quả thực, nhìn lính nhà giàn DK1 tắm trông họ thật tội nghiệp. Người thì to đùng, hơn 50 - 60 kg, nhưng ngồi “lọt thỏm” trong chiếc chậu thau nhôm. Chủ yếu dùng khăn thấm nước, xong lau qua cơ thể, không dám dội nước nhiều.
Anh Thát, gần 40 tuổi, kể rằng, lính nhà giàn có rất nhiều công nghệ tắm, như tắm “khan”, tắm gió, chờ tắm mưa…
Nước ngọt khan hiếm, lính nhà giàn phải tắm theo quy trình khép kín kiểu "em bé tắm thau" |
Nước thải dồn vào một thùng để tưới rau, những lúc hạn hán kéo dài, nước ngọt chỉ để ưu tiên dùng cho ăn uống và tưới rau là chính. Để sử dụng lượng nước cho khoa học, anh em phải tắm theo quy trình khép kín kiểu "em bé tắm thau".
Hai lon đầu khoảng 2 lít để làm ướt người sau khi đã “tắm khô”, số nước này sau đó được đem đổ vào thùng lớn dành để tưới rau. Còn nước gội đầu, xà bông cũng được hứng lại trong thau để giặt quần áo. Nhiều hôm biển động không tắm được, anh em dùng khăn lau qua cơ thể, coi như đã hoàn thành xong nhiệm vụ tắm trong ngày.
Anh Thát nói thêm, biết được lượng nước ngọt “khan hiếm” quý như vàng, nhiều cán bộ, chiến sỹ đã cắt trọc đầu để tiết kiệm nước, nhiều người áp dụng chiêu bài “rửa mặt thì lâu, gội đầu thì chóng”. Cách này xem ra rất hiệu quả, và được phổ biến rộng rãi, áp dụng cho lính nhà giàn.
Không chỉ cắt tóc trọc, hoặc để đầu đinh, mà còn chủ yếu mặc quần đùi áo lót, để tiết kiệm nước. Anh Thát bảo, ở nhà giàn mỗi khi có khách đất liền ra thăm, hoặc huấn luyện, những việc “đại sự” thì anh em mặc quần áo dài, bảo đảm đúng lễ tiết tác phong người lính, còn nếu không thì cán bộ, chiến sỹ mặc quần đùi, áo ba lỗ để thoáng mát, bớt phải giặt giũ quần áo, đỡ tốn nước.
Tắm mưa, tắm khan, tắm gió…
Trung tá Nguyễn Thế Dĩnh, chính trị viên tiểu đoàn cho biết, do đặc điểm nhà giàn chốt giữ trên vùng biển phía Nam, xa cách đất liền hàng trăm hải lý, đi lại cực kỳ khó khăn, khí hậu lại rất khắc nghiệt nên lượng nước ngọt rất khan hiếm, quý như “vàng”.
Trên mỗi nhà giàn chỉ có một két nước ngọt, chứa được vài chục khối, dự trữ 6 tháng mùa khô, nước ngọt được bơm từ tàu lên nhà giàn theo hệ thống ống nước. Nước do quân nhu cấp, phải có “kế hoạch” tiêu dùng, nếu hoang phí nước là “đói”.
Hàng năm, khi ăn Tết xong, thời tiết ở vùng biển phía Nam “vô cùng khắc nghiệt”. Để sử dụng lượng nước ngọt khoa học và hợp lý thì cấp ủy, chỉ huy nhà giàn phải lên "kế hoạch tắm”.
Về mùa mưa, anh em phán đoán thời tiết, khi nào trời mưa là hô hoán nhau ra tắm mưa, thậm chí có những anh rủ nhau lên đỉnh nhà giàn tắm gió.
Nói đến chuyện tiết kiệm nước ngọt, không có ai “qua mặt” được thiếu tá Trang Hải Âu, người con xứ Nghệ. Anh là người có bề dày kinh nghiệm trong việc sử dụng nước ngọt ở nhà giàn, cấp cho anh 5 lít anh chỉ dùng 2 lít.
Nhiều người khen "anh tài thế"! Anh chỉ cười: “Ở nơi đầu sóng ngọn gió, cái gì cũng khó khăn, mình biết tiết kiệm, như thế là đã sống học tập, và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh rồi".
Chia tay cán bộ chiến sỹ nhà giàn DK1, tôi thầm cảm phục ý chí, nghị lực của người lính biển, tinh thần chịu đựng vất vả, vượt qua gian khó ở nơi đầu sóng ngọn gió này. Tuy khó khăn vất vả là thế nhưng các anh vẫn yêu đời, ngày đêm hăng say luyện tập, canh giữ để biển trời bình yên không tiếng súng.
Lan Anh