Ở Trung Quốc, chính sách ngoại giao không giống như tài chính, công nghiệp hay khai khoáng...

LTS: Đây là những đánh giá của riêng tác giả Francesco Sisci đăng trên Asia Times Online, chúng tôi xin giới thiệu với độc giả.

Chỉ ít ngày nữa, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào sẽ gặp nhau tại Washington cho một cuộc họp thượng đỉnh được coi là “lịch sử”.

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Mỹ Barack Obama sắp gặp nhau tại Washington. Ảnh: THX
Cả hai sẽ nỗ lực hàn gắn những bất đồng sau một năm quan hệ “bão gió”. Họ là những người đưa ra quyết định cuối cùng, có vai trò quyết định trong chính sách ngoại giao mỗi bên.

Nhưng ở Trung Quốc, chính sách ngoại giao không giống như tài chính, công nghiệp hay khai khoáng, khi trách nhiệm và quyết định không phụ thuộc vào một người cuối cùng.

Bộ Ngoại giao liên quan tới quyết định trong chính sách đối ngoại, nhưng bất kỳ ai cũng thấy rằng, quân đội Trung Quốc (PLA) có sự hiện diện ở đây. PLA không đơn thuần là một bộ nào đó, và họ có lợi ích ở cả trong nước cũng như nước ngoài. 

Nhiều bộ, cơ quan ban ngành Trung Quốc trước đây từng ít liên quan tới đối ngoại, nhưng xu thế toàn cầu hóa đã mang lại những lợi ích của các bộ chủ yếu hướng nội gắn liền với ngoại giao. Đó là Bộ Thương mại, với lợi ích khổng lồ từ các quyết sách trong nước. Đó còn là Ngân hàng Trung ương, với nỗ lực đổ hàng tỉ USD để trở thành người chơi lớn hơn trong các quyết định chính sách. Rồi Bộ Tài chính và cả Bộ Môi trường cũng thu hút sự chú ý toàn cầu khi Trung Quốc “xuất khẩu” ô nhiễm nhiều như hàng hóa.

Tiếp theo lợi ích của các thể chế trên, còn là sự liên quan của hàng chục công ty lớn nhỏ đầu tư ở nước ngoài. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, thông tin và tuyên truyền cũng là một phần không thể thiếu của chính sách ngoại giao và xây dựng hình ảnh của Trung Quốc ở nước ngoài.

Dưới một cơ cấu như vậy, Trung Quốc khong tránh khỏi ngày càng có nhiều tiếng nói khác nhau - người cứng rắn, người ôn hòa - thúc đẩy con thuyền Trung Quốc đi theo một hướng hay sang hẳn hướng khác.

Trên thực tế, quy mô kinh tế, dân số và tốc độ thay đổi của Trung Quốc cho thấy một điều rằng, các quyết định nội địa của họ giờ đây có ảnh hưởng toàn cầu. Vấn đề nội địa không còn chỉ là mối quan tâm trong nước.

Năm ngoái tại Mexico, Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng, đóng góp to lớn của Trung Quốc với thế giới được xem xét thận trọng để những quyết định đưa ra với 1/5 dân số thế giới không làm nảy sinh vấn đề lan ra nước ngoài. Tuyên bố này đã đề cập tới một khía cạnh khác: bất kỳ quyết định nào của lượng dân số ấy - nhiều hay ít nhà, nhiều hay ít ô tô, nhiều hay ít lương thực - đều có một ảnh hưởng toàn cầu mà thế giới không thể làm ngơ.

Vì vậy, với các chính sách trong nước, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào là người điều phối và người quan trọng nhất, nhưng trong đặc trưng chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm của Trung Quốc, ông không phải là người ra quyết định duy nhất. Ông cần trao đổi mọi quyết định với “những người chơi” lớn khác.

Những chính sách dài hạn do chủ tịch quyết định nhưng không phải là đối tượng thường xuyên chịu áp lực và thách thức hàng ngày với những đòi hỏi đa dạng từ mọi nơi trên thế giới. Nhưng mọi thứ đã thay đổi khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế số hai toàn cầu, và nhiều người nước ngoài cũng như Trung Quốc còn thích thú với ý tưởng G2 (gồm cả Mỹ).

Và rồi, mọi thứ ở Trung Quốc được theo dõi sát sao hơn, đất nước này giành được sức hút đặt biệt trong thế giới. Những tranh cãi về Internet (không chỉ với Google), thái độ trong hội nghị thượng đỉnh LHQ về môi trường, vai trò trên bán đảo Triều Tiên… là minh chứng rõ rệt.

Với vị thế và quy mô mới của Trung Quốc, cùng với thực tế toàn cầu giảm bớt sự chú ý vào những cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan, đã khiến cho một số cách hành xử của Trung Quốc, trong quá khứ hầu như được coi là bình thường, thì giờ đây lại khó được chấp nhận. Trung Quốc trong tương lai không thể hành xử theo kiểu quốc gia “hạng hai”.

Có nhiều khó khăn với vị thế của Trung Quốc hiện tại.

Ở những nước lớn khác như Mỹ, quyết định chính thức và quan điểm công chúng là khác nhau. Các quyết định chính thức rất thận trọng còn tiếng nói chung có thể ồn ào, phóng đại. Trong hệ thống của Trung Quốc, có rất ít khác biệt giữa quan điểm của chính phủ trung ương với tuyên ngôn của các tờ báo chính thống.

Có sự phức tạp trong những công việc ngoại giao tồn tại ở hệ thống Trung Quốc: Quá nhiều quan điểm và quá nhiều người liên quan tới tiến trình ra quyết sách đối ngoại và quá nhiều khu vực bầu cử được cân nhắc trong khi bên ngoài chỉ là một tiếng nói.

Tuy nhiên, Trung Quốc có thể không còn đơn giản là phản ứng với các hành động nước ngoài. Họ cần phải chủ động. Vì vai trò và vị thế toàn cầu mới đòi hỏi họ có một hình ảnh mới, tích cực, sáng kiến nhưng hệ thống lại chưa thể đáp ứng.

Không ai có thể bất ngờ ra quyết định hay phản ứng nhanh với mọi thách thức đến từ khắp nơi trên thế giới. Một số điều cần chờ đợi, nhưng một số điều lại cần phản ứng lập tức, và những thách thức tiềm ẩn cần được xử lý trước khi chúng có thời gian để trở thành vấn đề quá lớn có thể đối phó. Hệ thống “cồng kềnh” của Trung Quốc làm cho họ khó có thể có một quá trình ra quyết định chủ động.

Và câu hỏi đặt ra là những cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Hồ Cẩm Đào với Tổng thống Obama sẽ thế nào?

Giải pháp ngắn hạn cho tình thế hiện tại trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Washington là sự chuẩn bị chu đáo. Bắc Kinh có thể sẽ nỗ lực chuẩn bị tốt và toàn diện để đảm bảo cuộc gặp thành công. Sự thay đổi cơ cấu trong chính sách Trung Quốc sẽ cần thời gian chờ đợi, và nó có thể trở thành một phần trong yêu cầu cải tổ chính trị sâu rộng hơn ở nước này vài năm tới.

  • Thái An (Theo Atimes)