Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Quyền sở hữu đất đai
Một trong những vấn đề được nêu là chuyện quản lý, bảo đảm sử dụng hiệu quả đất đai thuộc sở hữu toàn dân.
Lâu nay, Nhà nước thực hiện quyền định đoạt với đất đai, quyền điều tiết các nguồn lợi từ đất. Tại các cuộc thảo luận về sửa Luật Đất đai, không ít người đã đề cập đến chuyện xem xét lại những bất cập trong cơ chế sở hữu toàn dân về đất đai và đề nghị nên công nhận sở hữu tư nhân về đất đai bên cạnh các hình thức sở hữu khác. Tuy nhiên, việc có sửa Luật Đất đai theo hướng công nhận sở hữu tư nhân về đất đai hay không lại phải chờ sửa Hiến pháp.
Tại hội thảo lần này, một vị lãnh đạo đại diện cho thành phố Đà Nẵng cho hay, trong quá trình tổng kết Hiến pháp 1992, Đà Nẵng cũng đang có ba loại ý kiến khác nhau.
Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, hình thức sở hữu toàn dân như quy định hiện nay là hoàn toàn phù hợp, không nên tính tới chuyện thay đổi sang hình thức sở hữu khác vì sẽ làm phức tạp tình hình.
Nhóm ý kiến khác lại tán thành phải quy định nên công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai vì đất đai là một loại tài nguyên, hàng hóa đặc biệt cần được phát huy. Quy định như vậy cũng sẽ góp phần hạn chế được các khiếu nại, tranh chấp hiện nay.
Nhóm ý kiến thứ ba đề xuất nên đa dạng hóa các hình thức sở hữu.
Theo vị lãnh đạo trên, sở dĩ có nhiều ý kiến đề xuất thêm các hình thức sở hữu khác về đất đai cũng một phần do hiện nay tuy đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện nhưng vẫn đang để cho một số ít cá nhân lợi dụng làm giàu bất chính.
Đảm bảo quyền phúc quyết của dân
Ngoài chuyện đất đai, một trong các nội dung khác được tập trung thảo luận tại hội thảo là vấn đề hoàn thiện quy định về quyền làm chủ của nhân dân với nhà nước, trong đó có việc công nhận quyền phúc quyết của người dân.
Theo báo cáo tóm tắt do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đọc tại hội thảo, Ban chỉ đạo sửa đổi Hiến pháp đề xuất Chính phủ bổ sung quyền của nhân dân quyết định việc ban hành, sửa đổi Hiến pháp và quyết định các vấn đề quan trọng liên quan đến vận mệnh quốc gia vì đó là những quyền tối cao của quyền lực nhà nước cần phải do nhân dân trực tiếp thực hiện. Việc sửa đổi, bổ sung hiến pháp lần này cần hoàn thiện quy định về quyền làm chủ của nhân dân đối với Nhà nước được xác định trên nguyên tắc “tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”.
Một số phương án sửa đổi được đưa ra để thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của người dân. Đó là cần bổ sung trong Hiến pháp mới điều khoản về “quyền phúc quyết của nhân dân” đối với hiến pháp và các việc trọng đại của đất nước. Đồng thời, xác lập nguyên tắc các vấn đề trọng đại nhất thiết phải đưa ra cho nhân dân phúc quyết để làm cơ sở xây dựng một đạo luật quy định cụ thể cách thức, trình tự, thủ tục thực hiện quyền phúc quyết của toàn dân.
Ngoài quyền phúc quyết còn có phương án thứ hai là tách từ điều 53 Hiến pháp 1992 thành điều khoản riêng quy định về “quyền biểu quyết của nhân dân khi Nhà nước trưng cầu ý dân” về việc sửa đổi hiến pháp và các vấn đề trọng đại quốc gia. Quy định về phạm vi các vấn đề phải trưng cầu dân ý, nguyên tắc thực hiện trưng cầu dân ý làm cơ sở để tiến tới xây dựng một đạo luật cụ thể hóa cách thức, trình tự, thủ tục thực hiện quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu dân ý.
Ông Hoàng Thế Liên cho hay, tại hội thảo khu vực phía Nam diễn ra ở TP.HCM ngày 31/1 trước đó, rất nhiều ý kiến tán thành việc tăng cường hơn nữa các hình thức dân chủ trực tiếp.
Còn tại Hà Nội, sau một ngày thảo luận, lãnh đạo hầu hết các bộ ngành Trung ương và đại diện các tỉnh thành khu vực từ Đà Nẵng trở ra phía Bắc đều tán thành với 19 kiến nghị mà Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 của Chính phủ đưa ra. Trưởng ban chỉ đạo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, các ý kiến sẽ được tổng hợp để hoàn chỉnh dự thảo. Dự thảo sẽ được trình bày tại phiên họp Chính phủ tháng 1 tổ chức cuối tuần này. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để giúp Chính phủ có những đề xuất về lý luận và thực tiễn cho việc sửa Hiến pháp thời gian tới.
Lê Nhung