Thành phố Vladivostok đang chuẩn bị cho việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh APEC dự kiến diễn ra vào tháng 9 năm nay. Nga, chính thức giữ chức Chủ tịch Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC 2012) - khẳng định nước Nga là "một phần không thể tách rời" của khu vực châu Á - Thái Bình Dương "đang vững bước tiến lên".
"Hiển nhiên rằng khu vực này hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Nga, trước hết đối với vùng Sibiri và Viễn Đông. Hợp tác với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong lĩnh vực thương maị và đầu tư, cũng như tham gia tích cực vào quá trình liên kết khu vực là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi... Nga với tư cách là Chủ tịch đương nhiệm của Diễn đàn sẽ làm tất cả những gì có thể để củng cố vị trí hàng đầu của khu vực này" - ông Medvedev cho hay.
Một trong những cam kết của Nga cho tiến trình hợp tác APEC đó là đề xuất với các đối tác nhằm giải quyết các vấn đề về năng lượng, giao thông vận tải, khoa học - công nghệ, bảo tồn thiên nhiên môi trường của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như để phát triển đối thoại đầy đủ giữa các nền văn minh và đảm bảo toàn diện sự ổn định quân sự - chính trị của khu vực, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực phản ứng trong các tình huống khẩn cấp và phấn đấu hiệu quả chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế...
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Tổng thống Nga Medvedev bên lề Cấp cao APEC 2011 tại Hawaii, Mỹ. Ảnh: Kremli.ru |
Tuy nhiên, ông cũng khẳng định phương hướng then chốt vẫn là tự do hoá thương mại đầu tư và tăng cường liên kết kinh tế khu vực.
Dấu mốc quan trọng trong tiến trình hợp tác kinh tế đó là việc Nga gia nhập Tổ chức thương mại thế giới. Ông cho hay Nga đang cùng Kazakhstan và Belarus, với tư cách Liên minh thuế quan, sẵn sàng đàm phán ký kết các Hiệp định mậu dịch tự do với các nền kinh tế APEC. Chủ trương này nhân với tiềm năng của Không gian kinh tế thống nhất, có thể mở ra một phương hướng mới về chất trong quá trình liên kết của APEC, tạo ra định hướng mở rộng thị trường châu Á - Thái Bình Dương cho cả lục địa Âu Á.
Nga cũng có ý định thúc đẩy phát triển hơn nữa sự hợp tác trong khuôn khổ APEC nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Cùng tất cả các nền kinh tế thành viên, Nga quan tâm đến việc duy trì sự tiếp cận lương thực thực phẩm về mặt sản xuất và kinh tế, đảm bảo chất lượng cao và an toàn thực phẩm.
"Trách nhiệm xã hội ngày càng phát triển của các chính phủ trong thời kỳ hậu khủng hoảng nhấn mạnh hơn nữa sự cần thiết hình thành một cấu thành bền vững của các thị trường lương thực, hạn chế sự giao động về giá cả. Ngoài ra, một điều hết sức quan trọng là tiếp tục tìm kiếm các giải pháp đảm bảo sự phát triển nông nghiệp, dựa trên cơ sở tăng cường nguồn đầu tư có đi có lại, ứng dụng công nghệ hiện đại, tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng" - Tổng thống Nga phát biểu.
Đường tắt nối châu Á với châu Âu
Đó là một ý tưởng được Tổng thống Medvedev nhấn mạnh. Theo ông, tương lai tăng cường liên kết ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương gắn kết chặt chẽ với sự cần thiết hoàn thiện hệ thống giao thông vận tải và logistics với việc đảm bảo hoà nhịp giữa các chuỗi sản xuất - kinh doanh ở khu vực.
"Nga sẵn sàng dành các hành lang vận tải của mình là con đường tắt nối châu Á với châu Âu. Chúng tôi hiểu rõ sự cần thiết hiện đại hoá các hành lang vận tải này, và điều đó đòi hỏi nguồn đầu tư to lớn... Chúng tôi đã có một số kết quả thực tế trong lĩnh vực sử dụng công nghệ hiện đại trong ngành giao thông vận tải, trong đó có cả việc tổ chức các luồng hàng hoá và xử lý hàng, theo dõi hoạt động của các phương tiện vận tải" - ông cho hay.
Chủ tịch APEC 2012 cũng nhấn mạnh nhu cầu hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và kêu gọi xúc tiến các sáng kiến chung trong các lĩnh vực này trong không gian APEC.
Bên cạnh đó, với tư cách là một trong những nhà cung cấp năng lượng hàng đầu trên thị trường thế giới, song trong khuôn khổ APEC, ông Medvedev cho hay Nga dự kiến không chỉ chú trọng đến đề tài kinh doanh nguyên liệu năng lượng.
"Ngày nay đấy là điều quan trọng tất yếu, nhưng chúng ta phải nghĩ đến ngày mai. Vì thế chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn nữa đối thoại mang tính xây dựng về mảng các vấn đề an ninh năng lượng và tăng trưởng “xanh”" - ông nói.
Châu Á - Thái Bình Dương nằm trong số khu vực có mức độ tác động của thiên tai lớn nhất thế giới. Động đất, sóng thần, tai hoạ công nghệ và dịch bệnh đòi hỏi các nền kinh tế thành viên của APEC phải tăng cường nỗ lực nhằm nâng cao năng lực sẵn sàng đối phó với tai hoạ thiên nhiên và những tình huống khẩn cấp khác.
Trong thời gian giữ chức chủ tịch, Nga sẽ tiếp tục coi trọng sự hợp tác chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia.
Việt Nam: Ưu tiên của Nga ở châu Á - Thái Bình Dương "Quan hệ Nga - Việt Nam đang phát triển trong tất cả các lĩnh vực, ngày càng có tính chất tổng hợp và toàn diện hơn. Quan hệ đối tác chiến lược của chúng ta dựa trên truyền thống vững chắc nhiều năm hữu nghị và hợp tác cùng có lợi. Trong lịch sử quan hệ giữa hai nước không có những trang tiêu cực và những vấn đề vướng mắc phức tạp, mà ngược lại - chúng ta là những đối tác vững chắc và tin cậy đối với nhau. Tôi cho rằng hiện nay về khách quan đã hình thành những điều kiện thuận lợi để vững bước tiến lên trong mọi hướng hợp tác, trước hết về lĩnh vực hợp tác kinh tế - thương mại. Dĩ nhiên nó đòi hỏi ở chúng ta những nỗ lực to lớn để duy trì xung lực đã có, tìm kiếm những phạm vi và hình thức hợp tác mới nhiều triển vọng. Tôi xin nhấn mạnh việc phát triển quan hệ với Việt Nam vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga ở châu Á và đáp ứng được lợi ích của nhân dân hai nước chúng ta, có lợi cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung". Đại sứ LB Nga tại Việt Nam Andrei Kovtun |