Trung Quốc đang cân nhắc tham gia sâu hơn vào các quỹ giải cứu khu vực đồng euro, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho biết. Theo giới phân tích, đây là dấu hiệu công khai mạnh mẽ nhất cho thấy Bắc Kinh có thể sắp xếp kho dự trữ ngoại hối khổng lồ của mình để giúp châu Âu giảm bớt gánh nặng nợ nần.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo trong buổi lễ chào đón tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, ông Ôn không đề cập nhiều tới những cam kết mạnh mẽ về việc gia tăng đầu tư Trung Quốc tại các quỹ để giải cứu những quốc gia khu vực đồng euro. Đồng thời ông nhấn mạnh, châu Âu cần giải quyết những vấn đề của chính họ.

Nhiều phương tiện truyền thông dẫn lời ông Ôn nói rằng, Trung Quốc đang xem xét "tham gia sâu hơn" vào các nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng thông qua các kênh như Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) và Quỹ cứu trợ châu Âu (ESM). Bình luận của Thủ tướng Trung Quốc được đưa ra trong chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Đồng thời, báo chí cũng đề cập tới phát biểu của ông Ôn khẳng định: "Các nỗ lực của chính châu Âu mới là căn bản và chìa khóa giải quyết cuộc khủng hoảng". Ông nhấn mạnh, Trung Quốc tin tưởng vào nền kinh tế châu Âu và đồng euro, và nỗ lực ủng hộ để ổn định đồng tiền này.

Trung Quốc cũng ủng hộ Quỹ Tiền tệ quốc tế và các tổ chức tài chính quốc tế khác đóng vai trò chính trong giải quyết cuộc khủng hoảng, ông Ôn nói. Theo đài truyền hình Trung Quốc, bà Merkel đã cảm ơn ông Ôn vì sự "hỗ trợ giá trị" của Trung Quốc và Đức chào đón các công ty Trung Quốc đầu tư hơn nữa.

Trung Quốc từ lâu là một người mua trái phiếu do EFSF phát hành, dù số lượng chính xác không được công bố. Tuy nhiên, khi các quan chức châu Âu trong tháng 10 đưa ra đề xuất tăng cường năng lực của quỹ bằng cách thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài, thì các quan chức Trung Quốc đã phản ứng khá thận trọng. Họ nói cần chi tiết hơn trong bản đề xuất trước lúc đưa ra cam kết. Vào thời điểm đó, Trung Quốc còn bày tỏ xu hướng muốn đóng góp thông qua các kênh quốc tế như IMF.

Trong phát biểu hôm thứ năm, ông Ôn nhấn mạnh: "Trung Quốc đang trong con đường nghiên cứu và đánh giá tỉ mỉ, thông qua IMF, để tham gia nhiều hơn vào việc giải quyết vấn đề nợ nần châu Âu thông qua các kênh ESM/EFSF". Điều đó không chắc là liệu Trung Quốc có từ chối mua thêm trái phiếu EFSF bên ngoài kênh IMF hay không.

Một số nhà phân tích đoán rằng, Trung Quốc có thể yêu cầu các nhượng bộ từ châu Âu trong vấn đề chính trị hoặc thương mại để đổi lấy cam kết giải cứu, nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy về một lời hứa hẹn như vậy từ bà Merkel trong chuyến công du tới Trung Quốc.

Hôm thứ năm, trong bài phát biểu trước một nhóm cố vấn cấp cao Trung Quốc, bà Merkel đề cập tới hai vấn đề chính gây ra bất đồng giữa Trung Quốc và các quốc gia phương Tây: Iran và Syria. Về Iran, Thủ tướng Đức cho rằng: "Chúng ta cần cấm vận như là một khả năng để cố gắng khiến Iran thay đổi lịch trình". Bà cáo buộc Iran "không hành động minh bạch".

Trung Quốc cùng với Ấn Độ đã bất chấp áp lực do Mỹ dẫn đầu trong việc hạn chế mua dầu từ Iran và áp dụng các biện pháp khác trừng phạt quốc gia Hồi giáo do lo ngại họ đang phát triển vũ khí hạt nhân. Iran bác bỏ cáo buộc với khẳng định rằng, chương trình hạt nhân của họ phục vụ các mục đích hòa bình.

Bà Merkel còn ám chỉ tới quan điểm của Trung Quốc về các biện pháp trừng phạt Syria của Hội đồng Bảo an. "Trong chuyến thăm tại đây, tôi sẽ trao đổi với các lãnh đạo Trung Quốc để có thể đạt được sự đồng thuận hơn trong vấn đề này. Liên đoàn Ảrập đã đóng vai trò nổi bật và tôi nghĩ Hội đồng Bảo an cần phải tìm ra tiếng nói rõ ràng hơn".

Thái An (theo Wall Street Journal)