Triều Tiên sẽ theo đuổi chính sách đối ngoại nào thời hậu Kim Jong-il? Sẽ không hề dễ dàng để dự đoán điều này vào thời điểm vẫn chưa chắc chắn chính xác ai sẽ là người nắm quyền lực và tiến trình ấy diễn ra thế nào ở Bình Nhưỡng.
Triều Tiên sau khi Chủ tịch Kim Jong-il qua đời sẽ thực thi chính sách đối ngoại thế nào? Ảnh: latimes |
Tuy nhiên, có thể ước đoán các chọn lựa chính sách nào mà Triều Tiên sẽ áp dụng dựa trên hành xử mà chính quyền của Kim Jong-un thể hiện tới thời điểm hiện tại cũng như từ phản ứng của các nước láng giềng.
Triều Tiên đã có các cuộc hội đàm với Mỹ về việc nối lại đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân chỉ vài ngày trước khi Bình Nhưỡng công bố cái chết của cố chủ tịch Kim Jong-il ngày 19/12.
Trong các cuộc gặp tại Bắc Kinh ngày 15 và 16/12, Bình Nhưỡng dường như chấp thuận yêu cầu của Washington để đối lại đàm phán bao gồm cả việc ngừng vận hành những cơ sở làm giàu uranium tại Yongbyon và cho phép thanh sát viên Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trở lại kiểm tra. Đổi lại, Mỹ được tin là đã cam kết viện trợ 240.000 tấn các loại lương thực cho Triều Tiên. Cái chết của ông Kim làm ngừng trệ điều này, nhưng khả năng thực thi không phải là biến mất hoàn toàn.
Quan hệ đối ngoại của Triều Tiên cho tới nay tỏ ra nhất quán hơn dự kiến. Quan điểm của Trung Quốc hầu như đã thừa nhận Kim Jong-un là người kế nhiệm hợp pháp của ông Kim Jong-il và thể hiện sự ủng hộ của họ. Trong khi đó, Mỹ, Nhật Bản, Nga và Hàn Quốc thì thiên về một sự chuyển giao quyền lực ổn định. Bình Nhưỡng cũng cố gắng cho thấy rằng, họ không có ý định thay đổi chính sách đối ngoại một cách mạnh mẽ.
Và Triều Tiên sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân, mở đường cho sự phục hồi kinh tế như Hàn Quốc và Mỹ mong đợi? Một quyết định như vậy dường như quá khó khăn khi thiếu nhà lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối. Tuy vậy, Triều Tiên có vẻ có một số “không gian” để loại bỏ chính sách thù địc với Hàn Quốc và Mỹ và thực hiện cách tiếp cận linh hoạt hơn về chương trình vũ khí hạt nhân của mình.
Nếu vậy, họ sẽ cần làm gì để điều trên xảy ra? Đầu tiên, Triều Tiên cần sự hỗ trợ về chính trị, kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc hơn bao giờ hết sau cái chết của ông Kim Jong-il. Trung Quốc đang kêu gọi Triều Tiên trở lại hội đàm sáu bên; không hành động khiêu khích có thể làm gia tăng căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên; theo đuổi các cải tổ kinh tế và bình thường hoá quan hệ với Mỹ cũng như các quốc gia khác. Sẽ khó để Bình Nhưỡng bỏ qua những đề nghị như vậy.
Thứ hai, chính quyền của Kim Jong-un đang đối mặt với nhiệm vụ khẩn cấp là phục hồi nền kinh tế. Để hoàn thành sứ mệnh này, Triều Tiên phải hợp tác và trao đổi kinh tế với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời phải thể hiện sự linh hoạt hơn trong việc giải quyết chương trình hạt nhân.
Nhưng cũng có những yếu tố tiêu cực có thể cản trở nỗ lực của Triều Tiên để trỗi dậy từ sự cô lập để thiết lập quan hệ gần gũi hơn với các quốc gia khác. Kim Jong-un và những người ủng hộ ông đang bận rộn củng cố mạng lưới quyền lực và có thể không đủ khả năng ra các quyết định chiến lược nhằm thoát khỏi sự cô lập. Hơn nữa, dường như những người cứng rắn trong tầng lớp lãnh đạo chủ chốt của Triều Tiên đã gia tăng ảnh hưởng của họ với quân đội. Điều có có nghĩa là Kim Jong-un hoặc những người ủng hộ ông có thể gặp khó khăn để theo đuổi các chính sách ôn hoà.
Hơn tất cả, các quan chức hàng đầu Bình Nhưỡng có thể cảm thấy rất cần thiết phải nắm giữ các vũ khí hạt nhân sau cái chết của ông Kim, nhằm duy trì sức mạnh chế độ. Ông Kim Jong-il từng tin tưởng mạnh mẽ rằng, vũ khí hạt nhân là cần thiết để duy trì chính quyền của mình. Kim Jong-un và những người ủng hộ ông có thể cảm nhận việc từ bỏ vũ khí hạt nhân sẽ khiến họ dễ bị ảnh hưởng từ các lực lượng bên ngoài.
Nhưng Bình Nhưỡng đã sẵn sàng thể hiện sự linh hoạt nhất định vào thời điểm ngay trước lúc ông Kim qua đời. Điều này dường như đã có cơ sở trong quyết định của cố Chủ tịch và xu hướng ấy có thể được người kế nhiệm ông theo đuổi nếu nó là mong muốn cuối cùng của ông. Bắc Kinh có thể đã có đảm bảo sẽ giúp Triều Tiên chọn lựa một cách tiếp cận linh hoạt hơn.
Các quốc gia tham gia hội đàm sáu bên sẽ hoan nghênh một quyết định như vậy. Họ chia sẻ sự hiểu biết về việc cần tạo ra mối quan hệ xây dựng với chính quyền Kim Jong-un để đưa Triều Tiên đi trên con đường hoà bình, cải tổ và mở cửa thị trường. Bình Nhưỡng cũng phải hiểu rằng, đây là lúc để tiếp nhận sự thân thiện của các láng giềng và tận dụng cơ hội thoát khỏi vị thế cô lập, phục hồi kinh tế.
Thái An (theo Chosun)