Đặt vấn đề "nhà báo có được quyền miễn trừ nếu tác nghiệp vì lợi ích công?", đại biểu dự hội thảo cũng nêu thực tế 5 năm trở lại đây, các bài báo điều tra ít đi.

Hội thảo khoa học "Báo chí điều tra và lợi ích công" do Trung tâm nghiên cứu truyền thông và phát triển (RED Communication) - tổ chức khoa học phi chính phủ trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, phối hợp với Đại sứ quán Anh tổ chức diễn ra tại Hà Nội ngày 7.2.

Đặt vấn đề "lợi ích công" trong một thể loại báo chí đặc thù, nguy hiểm, các nhà quản lý báo chí, các nhà báo, chuyên gia cũng thảo luận về quyền miễn trừ trách nhiệm đối với các nhà báo trong tác nghiệp vì lợi ích công - điều từ lâu không thể thiếu ở báo chí một số quốc gia phát triển.

"Nhập vai"

Với 100 phóng sự điều tra đăng tải suốt trong 15 năm qua, trung bình từ 6-7 phóng sự điều tra/năm, mà nhiều trong số đó là những phóng sự phóng viên phải "nhập vai" để thu thập thông tin, Pháp luật TPHCM đã dần xây dựng những nguyên tắc cứng về tác nghiệp riêng của tòa soạn cho thể loại báo chí đặc thù này. Song, theo nhà báo Nguyễn Đức Hiển (Tổng thư ký tòa soạn báo Pháp luật TPHCM), khó khăn nhất của các nhà báo đó là những quy định của pháp luật cho "báo chí điều tra nhập vai" gần như là "chưa có".

Ảnh: Cao Nhật

"Chưa có quy định của pháp luật cũng như quy ước chung của báo chí về điều tra nhập vai ở Việt Nam nên rủi ro rất cao" - nhà báo Nguyễn Đức Hiển cho hay.

Không chỉ những quy định pháp luật, trình độ tác nghiệp của nhà báo, nhà báo Nguyễn Bá Kiên - báo Tiền Phong cũng đề cập đến một vấn đề quan trọng đó là quyền thu thập thông tin đầy đủ, trong đó sự xuất hiện của những dạng văn bản, thông tin lạm dụng dấu "mật" đã tạo ra vùng cấm cho báo chí, đặc biệt là báo chí điều tra. Nếu nhà báo không có kinh nghiệm "giải hóa" tài liệu mật để biến thành thông tin chính thức sẽ gặp rắc rối lớn, dù cho những thông tin đó chỉ vì "lợi ích công".

"5 năm trở lại đây, các bài báo điều tra ít đi. Thực tế tòa soạn muốn có loạt bài nhưng phóng viên ngại. Họ ngại đủ thứ. Những tác động tâm lý rất lớn dù cho bài báo mang tính chất phục vụ lợi ích công, phục vụ nhân dân đất nước" - nhà báo Nguyễn Bá Kiên cho hay.

Quyền tác nghiệp, thu thập thông tin đối với nhà báo là hết sức quan trọng, do đó việc đảm bảo quyền này cho nhà báo cũng rất quan trọng. RED, trong một nghiên cứu thực tế, cho hay, về các biện pháp mà nhà báo có thể thực hiện để thu thập thông tin, hiện chưa có văn bản pháp luật nào nêu cụ thể, song đang có hai luồng quan điểm. Thứ nhất cho rằng, nghề báo là nghề tự do nên nhà báo được phép làm những việc mà luật pháp không cấm để thu thập thông tin, miễn là việc đó không vi phạm đạo đức (đạo đức nghề nghiệp của người làm báo) và thuần phong mỹ tục nói chung.

Thứ hai cho rằng nhà báo chỉ được sử dụng các biện pháp thu thập thông tin mà luật pháp quy định (tại điều 6, điều 7, điều 8 và điều 15 Luật Báo chí); những việc mà các điều luật nói trên không quy định mà nhà báo tự tiến hành sẽ phải chịu trách nhiệm.

RED cho hay, trên thực tế hai luồng quan điểm này vẫn tồn tại song song; các phóng viên, nhà báo hàng ngày vẫn phải tự mình tìm hiểu, tự mình tổ chức các biện pháp nhằm thu thập được những thông tin chính xác để công bố, dù cho nhiều thông tin thuộc diện hẹp. Trong số các biện pháp thu thập thông tin có hình thức điều tra dạng “giả trang” hay còn gọi là “điều tra nhập vai” (nghĩa là nhà báo giả dạng như “người trong cuộc” để ghi nhận thông tin).

Theo đánh giá của nhiều nhà báo, biện pháp điều tra nhập vai là một cách làm mạo hiểm, luôn có tính hai mặt: nếu thành công sẽ đưa nhà báo lên đỉnh vinh quang, nếu thất bại sẽ vùi sự nghiệp nhà báo xuống vực sâu, mà ranh giới pháp lý phân chia chúng không rõ ràng, cả về khía cạnh pháp lý và đạo đức. Một ví dụ rất điển hình là mới đây, nhà báo Hoàng Khương của Báo Tuổi Trẻ đã bị công an bắt giam về hành vi đưa hối lộ, trong khi bản tường trình của anh này khẳng định việc anh ta can dự vào việc đưa hối lộ chỉ nhằm có được chứng cứ về đường dây “giải cứu” xe gian của CSGT để đăng báo theo chủ trương của toà soạn.

Dù kết quả điều tra vụ án liên quan đến nhà báo Hoàng Khương còn ở phía trước, nhưng ngay sau khi lệnh tạm giam được thực thi, việc “điều tra nhập vai” kiểu Hoàng Khương đã gây tranh cãi lớn trên các diễn đàn mạng.

Một số quan điểm cho rằng, dù vì bất cứ lý do gì, nhà báo vi phạm pháp luật (đưa hối lộ) cũng phải bị xử lý như người bình thường. Một số khác lại cho rằng, nếu nhà báo đã sử dụng mọi cách mà không thu thập được các bằng chứng tiêu cực, thì việc “nhập vai” là cần thiết bởi việc có thông tin để đăng báo chính là phục vụ “lợi ích công chúng” và nhà báo phải được hưởng quyền miễn trừ giống như đã tố cáo việc đưa hối lộ.

Quyền miễn trừ

Cũng theo nghiên cứu của RED, hiện chưa có một định nghĩa chi tiết hay bảng kê danh mục nào về “lợi ích công”. Xem xét nhiều văn bản chỉ có khoản 1 điều 6 Luật Báo chí ghi rằng báo chí có nhiệm vụ: “Thông tin trung thực về tình hình trong nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân”;

Trong khi đó theo quy định của Luật PCTN và Luật Tố cáo thì các thông tin chống tiêu cực trên báo chí có được từ các cuộc điều tra nhập vai có thể được tôn trọng và khuyến khích. Thậm chí nhà nước còn phải bảo vệ những người tố cáo như vậy bằng tất cả các biện pháp có thể. Như vậy bước đầu khái niệm “lợi ích công” đã sáng tỏ.

Thế nhưng khi so sánh với các vụ việc xảy ra gần đây, nhất là các vụ xử lý nhà báo điều tra lại thấy nhà báo không được loại trừ trách nhiệm cho các sai sót của mình, dù sai sót đó không lớn bằng các lợi ích (công) mà bài báo của họ đem lại. Nói tóm lại, lợi ích công vẫn là một khái niệm chưa rõ ràng, chưa đồng bộ ở tất cả các văn bản luật cũng như cách áp dụng luật ở Việt Nam, trong khi nó đã là một phần không thể thiếu ở báo chí một số quốc gia khác.

Đề cập đến quyền miễn trừ, nhà báo Đoan Trang - báo Pháp luật TP HCM dẫn những kinh nghiệm của báo chí Anh cho thấy quyền miễn trừ trách nhiệm cho nhà báo có những nguyên tắc và điều kiện áp dụng rõ ràng. Như nhà báo có quyền miễn trừ bán phần khi mà thông tin họ đăng tải có ỹ nghĩa quan trọng nhằm phục vụ lợi ích công. Chẳng hạn như đưa tin về các cuộc họp công khai, về các văn bản của chính quyền, tin liên quan tới những cơ quan công quyền như công an, cảnh sát, cứu hỏa, bệnh viện, trường học công....

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - Trưởng phòng pháp luật  - chính sách, Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, về lâu dài nên có một văn bản quy định những vấn đề lợi ích công và quyền tác nghiệp của báo chí để đảm bảo, báo chí có thể thu thập thông tin theo quy định của pháp luật trên cơ sở vì lợi ích công.

RED cũng cho rằng, khái niệm lợi ích công cần được giải thích và luật hóa; từ đó có những miễn trừ, miễn trách cho nhà báo trong trường hợp họ tác nghiệp vì lợi ích công.

L.Thư