- Bộ Nội vụ đang phối hợp với các cơ quan hoàn thành Đề án cải cách tiền lương, báo cáo Hội nghị Trung ương 5 vào tháng 4 tới.
Toàn cảnh: Công chức muốn sống bằng lương
Toàn cảnh: Công chức muốn sống bằng lương
Bộ Nội vụ tổ chức họp báo chiều 9/2. Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ |
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho Cổng TTĐT Chính phủ hay, Đề án này sẽ quan tâm lớn đến đổi mới cơ chế tạo nguồn thu đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp, nâng cao hiệu quả và đời sống cho người lao động.
Thay đổi suy nghĩ mới cải cách được lương
Yêu cầu đối mới cơ chế tạo nguồn chính là nội dung được Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ Đoàn Cường lưu ý như một điểm mới trong cải cách tiền lương, tại cuộc họp báo chiều nay (9/2).
"Cơ chế về tài chính và chi phí hoạt động dịch vụ của khu vực hành chính sự nghiệp có thể được cho phép thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho họ tự phát triển. Nhưng khu vực này lại có nhiều vấn đề liên quan nhiều đến cuộc sống hàng ngày của người dân như viện phí, học phí..., nếu suy nghĩ và nhìn nhận của xã hội đối với các vấn đề này không thay đổi, rất khó tăng lương, đơn vị sự nghiệp cũng khó phát triển".
Giảm được chi ngân sách cho lương khu vực sự nghiệp sẽ tạo thêm nguồn cải cách tiền lương cho khu vực hành chính vốn vẫn trông vào ngân sách nhà nước, ông Cường nhấn mạnh.
"Tiến tới Nhà nước sẽ khoán quỹ lương cho đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, không thực hiện hình thức ngân sách cấp như trước đây nữa", ông Cường nói.
Với yêu cầu đối với cơ chế tạo nguồn này, Bộ Tài chính sẽ xây dựng một đề án riêng. Các bộ, ngành liên quan như giáo dục, y tế, văn hóa... sẽ tham gia tính toán lộ trình đối với các đơn vị sự nghiệp của mình.
Bộ Nội vụ cũng cho biết Ban chỉ đạo cải cách tiền lương nhà nước sẽ phải báo cáo trước Hội nghị trung ương V vào tháng Tư tới về các phương án cải cách lương.
Nhiều hội thảo, hội nghị đã được tổ chức để nghe ý kiến các chuyên gia. Đa số ý kiến thống nhất rằng lương công chức hiện nay quá thấp, qua nhiều lần điều chỉnh vẫn chưa đảm bảo mức sống tối thiểu cho công chức.
Tại hội thảo định hướng cải cách chính sách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2013 - 2020 tổ chức ngày 20/12 ở TP.HCM, có 3 phương án lương tối thiểu được đưa ra: bằng mức tối thiểu khu vực doanh nghiệp thành thị (2 triệu đồng); bằng mức bình quân của các mức lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp (1,680 triệu đồng); và căn cứ nhu cầu của bản thân người lao động, bằng mức chi tiêu đầu người bình quân của cả nước cộng thêm nhu cầu nuôi dưỡng cha mẹ, con cái (3,150 triệu đồng).
Ban chỉ đạo sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp ý kiến của các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học để xác định phương án cụ thể, xây dựng đề án chung, với mục tiêu đến năm 2020, công chức sống được bằng lương, đảm bảo nhu cầu của họ và phù hợp với tình hình kinh tế đất nước, xây dựng đội ngũ công chức toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân.
Chung Hoàng
Kết quả khảo sát lần trước: