Đồng tình với kết luận chỉ đạo giải quyết vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng của Thủ tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh cũng nhấn mạnh vụ việc xảy ra là một báo hiệu không thể coi nhẹ.


Không để mất niềm tin vào Đảng

Đại tướng Lê Đức Anh: Tôi rất mừng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kịp thời có ý kiến chỉ đạo thành phố Hải Phòng xử lý nghiêm minh những cán bộ sai phạm... Ảnh: Chinhphu.vn

Ngay sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra kết luận chỉ đạo vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng, Hải Phòng, nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh cho hay:

“…Huyện Tiên Lãng đã sai về luật pháp và tôi bổ sung thêm là vụ việc ở Tiên Lãng còn sai cả về hiến pháp, bởi bản chất của nhà nước ta là nhà nước dân chủ, nhà nước phục vụ nhân dân, dân làm chủ…

Sở dĩ tôi dùng từ sai phạm nghiêm trọng ở đây bởi  các cán bộ đã biến quan hệ giữa chính quyền với người dân là quan hệ hợp tác để xây dựng cuộc sống, xã hội phát triển thành quan hệ đối kháng giữa chính quyền với người dân.

Tôi cũng rất hoan nghênh Thủ tướng đã chỉ đạo cho tất cả các Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước chủ động rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai, nhất là việc thu hồi và cưỡng chế thu hồi đất bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật nhằm phát huy những ưu điểm và khắc phục những nguyên nhân yếu kém trong quản lý đất đai.

Nếu vụ việc này không được kịp thời xử lý và nghiêm minh thì hậu quả sẽ thật khó lường. Bởi vì từ quan hệ nhà nước phục vụ dân mà với các quan chức suy thoái như thế, quan hệ phục vụ thành quan hệ đối kháng, điều đó gây mất niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Theo tôi, vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng  nếu không xử lý nghiêm minh nó sẽ lan tỏa ra cả nước, cho nên sự phản ứng ở Tiên Lãng là một báo hiệu của người dân không thể coi nhẹ.

Có thể nói vui thì rất vui trước kết luận của Thủ tướng, nhưng lo không nhỏ. Tôi  đề nghị Thủ tướng cần kiểm tra việc thực hiện của Thành phố Hải Phòng đối với kết luận này, việc tổ chức thực hiện là rất quan trọng…

Tôi vui mừng nhà nước ta đã phát triển tốt, xã hội ổn định, an ninh quốc phòng được tăng cường, đây là nỗ lực của các cơ quan nhà nước, của Chính phủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Tuy nhiên một số cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức có hành động không lành mạnh điều đó đã làm giảm niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, bản thân tôi thấy đó cũng là điều lo lắng…Tôi cho rằng trong đội ngũ của Đảng, cán bộ đảng viên mà suy thoái, làm trái nguyên tắc cơ bản của Đảng, làm sai hiến pháp và pháp luật thì cần phải xử lý nghiêm.

Trong công tác xây dựng Đảng cũng vậy, cần thực hiện đúng bản chất của Đảng đó là bản chất của giai cấp vô sản  cũng như thực hiện đúng các nguyên tắc cơ bản của Đảng có từ khi thành lập Đảng, trong đó nghiêm túc học tập và làm theo  tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đó là cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”.

Chuyện ở Tiên Lãng không chỉ của riêng Hải Phòng

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, GS Đặng Hùng Võ cho rằng ở vụ việc Tiên Lãng đã cho thấy 3 bất cập lớn nhất về pháp luật đất đai: thời hạn giao đất nông nghiệp cho nông dân chưa phù hợp; cơ chế thu hồi đất chưa hợp lý, dễ dẫn đến sai sót trong thực thi từ nhiều lý do khác nhau; việc giải quyết khiếu nại hành chính của dân về đất đai chưa hiệu quả.

GS Đặng Hùng Võ cho rằng ở vụ việc Tiên Lãng đã cho thấy 3 bất cập lớn nhất về pháp luật đất đai. Ảnh: Chinhphu.vn

Thủ tướng đã nhìn thấy tính phức tạp của hệ thống pháp luật đất đai khi bước đổi mới quá ngắn, làm cho hệ thống văn bản quá lớn, gây khó khăn trong thực thi ở địa phương. Nói như vậy có nghĩa là việc sửa đổi Luật Đất đai lần này cần có cách tiếp cận dài hơi, thảo luận cặn kẽ để có kết luận, không để lại những vấn đề chưa thể thống nhất.

Qua sự việc này, có thể thấy các cơ quan Nhà nước, các Bộ, ngành có liên quan đã thể hiện trách nhiệm rất cao. Tinh thần dân chủ cũng được đẩy lên một bước, thể hiện qua những đóng góp tích cực, những phản biện sâu sắc của các bậc lão thành cách mạng, các chuyên gia, báo chí và dư luận xã hội.

Từ đây, mối quan hệ giữa chính quyền cơ sở với dân tại nhiều địa phương sẽ được cải thiện, người dân sẽ có lòng tin và ý thức thực hiện việc sở hữu đất đai đúng theo pháp luật quy định. Và chính quyền cũng ý thức được việc tạo được sự đồng thuận trong dân.

Câu chuyện ở Tiên Lãng không chỉ là câu chuyện của riêng Hải Phòng mà còn là bài học đắt giá cho các địa phương khác. Các địa phương cần chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai, nhất là việc thu hồi và cưỡng chế thu hồi đất bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Đề cao trách nhiệm, tập trung giải quyết tốt các khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai.

Sửa luật

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão cho hay:

“Trong kết luận về vụ việc này, Thủ tướng có yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước chủ động rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai, nhất là việc thu hồi và cưỡng chế thu hồi đất bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Đề cao trách nhiệm, tập trung giải quyết tốt các khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai…

Lịch sử đất đai của chúng ta qua nhiều thời kỳ khác nhau, có thể văn bản pháp luật chưa hoàn chỉnh hết, cho nên từ thực tiễn này, tôi xin bổ sung thêm một ý rất quan trọng là Chính phủ cần chỉ đạo UBND các tỉnh thành phố phải qua thực tiễn nghiên cứu trình Chính phủ nghiên cứu, xem xét sửa đổi Luật đất đai và các văn bản pháp luật liên quan, bao gồm kể cả các vấn đề liên quan đến Hiến pháp.

Bộ Tài nguyên và Môi trường là Bộ chủ quản giúp cho Chính phủ quản lý về vấn đề này. Theo tôi trong quá trình chúng ta đang sửa đổi Hiến pháp nếu Luật đất đai có những vấn đề liên quan đến Hiến pháp thì Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần nghiên cứu đề xuất để sửa đổi Luật đất đai cho phù hợp với thực tiễn tình hình mới…

Hiện nay, chúng ta đang triển khai Nghị quyết Trung ương 4 về công tác xây dựng Đảng và tiếp tục cuộc vận động làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nên tôi xin đề xuất Chính phủ tiếp tục làm cho các cấp chính quyền nhận thức đầy đủ hơn sau vụ việc ở Tiên Lãng, coi đây là cơ hội tốt để hệ thống chính trị của chúng ta, đặc biệt là hệ thống hành pháp từ trên xuống dưới lấy ánh sáng của Nghị quyết Trung ương 4 để mà xem xét, kiểm điểm, rút kinh nghiệm đổi mới với tinh thần là công bộc của dân; các cơ quan công quyền, hệ thống hành chính các cấp cùng phấn đấu thực hiện lời dạy của Bác Hồ, thực sự là người đầy tớ của nhân dân… “

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ