- Kết luận của Thủ tướng về vụ việc sai phạm ở Tiên Lãng đã có nhưng quan trọng là phải chấp hành triệt để. Sự việc này cần được giải quyết rốt ráo, tìm ra căn nguyên của vấn đề. Muốn làm được như vậy, vai trò giám sát của các cơ quan dân cử hết sức quan trọng. Ghi nhận của VietNamNet.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp
QH Nguyễn Đình Quyền:
Dân chưa thỏa mãn
Cuối tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có kết luận về vụ việc cưỡng chế thu hồi đất tại Tiên Lãng, Hải Phòng, ông đánh giá thế nào về kết luận trên?
- Theo các kết luận của Thủ tướng về vụ việc ở Tiên Lãng, Hải Phòng, có thể thấy chính quyền ở đây đã sai ở tất cả các khâu. Sai từ quyết định thu hồi đất cho đến quyết định cưỡng chế và việc phá nhà dân. Đây là một hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng. Hành vi này chiếu theo luật có thể sẽ phải xử lý hình sự chứ không đơn giản chỉ là kiểm điểm hay đinh chỉ chức vụ một số quan chức địa phương.
Ông Nguyễn Đình Quyền: UB Tư pháp QH có thể lập đoàn giám sát nếu kết quả tòa xử chưa chính xác và người dân có đơn thư kêu oan. Ảnh: Lê Nhung |
Thứ nhất, sai do thiếu hiểu biết, trường hợp này những người làm sai nên bị cách chức hoặc xin từ chức.
Sai thứ hai là do cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Thứ ba là do tiêu cực, biểu hiện ở vấn đề lợi ích nhóm.
Theo ông, những quan chức liên quan đến vụ cưỡng chế phải bị xử lý như thế nào ngoài việc nhận kiểm điểm?
- Việc Hải Phòng kiểm điểm và tạm đình chỉ chức vụ một số quan chức liên quan tôi thấy chưa làm người dân thỏa mãn. Bởi vì đây là hành vi cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý đất đai.
Lãnh đạo Hải Phòng phải làm rõ có tiêu cực bên trong hay không. Chắc chắn phải có những vấn đề lợi ích ở phía sau và cần được làm sáng tỏ.
Người dân đồng tình với kết luận kịp thời của Thủ tướng nhưng cũng lo ngại tình trạng địa phương triển khai thực hiện một cách đối phó. Theo ông, nên làm gì để vụ việc được sáng tỏ và sai phạm được xử lý nghiêm minh?
- Sau kết luận của Thủ tướng, Hải Phòng sẽ phải làm nghiêm túc. Các cơ quan chức năng phải giám sát việc chấp hành kết luận của Thủ tướng. Chẳng hạn, các cơ quan thanh tra, kiểm tra của Chính phủ phải theo dõi để đảm bảo Hải Phòng sẽ phải thực hiện kết luận và báo cáo lên Thủ tướng đầy đủ.
Ngoài ra, một số ủy ban Quốc hội, theo đúng chức năng và lĩnh vực của mình, cũng có thể thực hiện vai trò giám sát.
Riêng đối với Ủy ban Tư pháp Quốc hội, chúng tôi có thể lập đoàn giám sát trong trường hợp khi tòa đưa vụ việc này ra xét xử, nếu kết quả chưa chính xác và người dân có đơn thư kêu oan. Hoặc, trong các trường hợp xác định có liên quan đến tham nhũng.
Cá nhân tôi rất quan tâm đến vụ việc này ngay từ đầu bởi đây là vụ việc khiến người dân sôi sùng sục.
Ngoài ra, tôi cho rằng, báo chí cũng đóng vai trò giám sát rất quan trọng. Báo chí có thể thông tin rộng rãi, công khai để gây sức ép buộc cơ quan chính quyền phải xử lý nghiêm khắc các hành vi làm trái.
Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân
chủ và pháp luật, UB TƯ MTTQ VN Lưu Văn Đạt:
Theo đến cùng
Sau khi Thủ tướng đã có kết luận thì chính quyền Hải Phòng phải xử lý nghiêm túc các sai phạm. Quá trình xử lý phải được giám sát thật chặt chẽ.
Về phía chúng tôi, có thể khẳng định rằng Mặt trận Tổ quốc vẫn phải tiếp tục giám sát vụ việc. Mặt trận Tổ quốc đã sớm vào cuộc ngay từ đầu thì bây giờ cũng phải theo đến cùng sự việc. Ngoài ra, đây là là cái đà và cũng là cơ hội để Mặt trận Tổ quốc tiếp tục theo dõi, giám sát những vụ việc sai phạm khác diễn ra thời gian qua.
Lê Nhung