- Theo giới phân tích, cuộc gặp ngày 14/2 giữa phó Chủ tịch Tập Cận Bình - người được cho là nhà lãnh đạo kế cận Trung Quốc - với Tổng thống Mỹ Obama tại Nhà Trắng có thể định hình được quan hệ của hai cường quốc thế giới trong thập niên tới.

Tại cuộc gặp, Tổng thống Obama cho biết Mỹ hoan nghênh sự phát triển của Trung Quốc, bày tỏ tin tưởng điều này sẽ góp phần mang lại ổn định và thịnh vượng cho khu vực và trên toàn thế giới. Mỹ mong muốn tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác đã được thiết lập giữa hai nước trong những năm qua.

Tuy nhiên, ông Obama nhấn mạnh giữa hai nước vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần tiếp tục phải thảo luận và giải quyết. Trước đó, Washington đã nhiều lần hối thúc Bắc Kinh phải hành động nhiều hơn để giảm thâm hụt thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc hiện đã lên tới 295 tỷ USD.

Theo Mỹ, Trung Quốc hiện định giá quá thấp đồng nhân dân tệ so với đồng USD và thực thi nhiều chính sách khác đặt các doanh nghiệp Mỹ vào thế bất lợi.

Về phần mình, phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc muốn xây dựng mối quan hệ hợp tác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. Theo ông Tập Cận Bình, mục đích chính của chuyến thăm lần này là thực thi hiệp định quan trọng mà hai nước đã ký kết trong chuyến thăm trước đó của Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, đồng thời góp phần tăng cường quan hệ Trung - Mỹ.

Ảnh: politico

Lịch trình của ông Tập còn bao gồm các cuộc gặp tại Phòng Thương mại Mỹ ở Washington và ở Iowa cũng như California cuối tuần này. Quan chức chính quyền Obama và các chuyên gia chính sách đối ngoại nói rằng, chuyến đi có thể là động thái quan trọng nhất để phát triển quan hệ giữa ông Tập với các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị của Washington.

“Ở châu Á nói chung và đặc biệt là Trung Quốc nói riêng, vấn đề là các mối quan hệ và mối quan hệ cấp cao đặc biệt quan trọng”, Daniel Russel, giám đốc cấp cao phụ trách châu Á tại Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng cho biết. “Xây dựng mối quan hệ với quan chức Trung Quốc - người hầu như sẽ là nhân vật trung tâm trong hệ thống chính trị sắp tới rõ ràng là quan trọng”.

Chuyến đi của ông Tập tới Mỹ diễn ra sau các động thái của ông Obama nhằm tái khẳng định sức mạnh và ảnh hưởng Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương cũng như chuyện Trung Quốc nổi lên là một trong những vấn đề thuộc chính sách đối ngoại tại chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ.

Các ứng viên Cộng hoà đã đẩy mạnh chỉ trích Trung Quốc về tỉ giá tiền tệ, bảo vệ sở hữu trí tuệ và các rào caản nhà nước thiết lập với những doanh nghiệp Mỹ. Họ cáo buộc Obama không đủ sức đối phó với sự trỗi dậy trong sức mạnh quân sự và kinh tế Trung Quốc.

Quan hệ thương mại

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang được dẫn dắt bởi sự gia tăng trong nhập khẩu từ Mỹ. Nền kinh tế Trung Quốc tăng 8,9% trong ba tháng cuối 2011 so với cùng kỳ năm trước, trong khi tăng trưởng của Mỹ là 1,6%.

Hàng hoá Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 13% đạt 104 tỉ USD năm ngoái so với mức 91,9 tỉ USD một năm trước đó. Nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 9,4% và thâm hụt thương mại Mỹ - Trung vẫn còn khá nặng nề, ở mức 295 tỉ USD năm ngoái (tăng 23 tỉ USD so với năm trước đó). Đây là lý do chính dẫn tới những bất đồng hai nước.

Ông Tập, 58 tuổi, được cho là sẽ trở thành Tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc trong năm nay và trở thành Chủ tịch tháng 3 năm sau. Chuyến thăm Mỹ của ông là một tiền lệ thường thấy. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã từng gặp gỡ Tổng thống Mỹ George W. Bush năm 2002 trước khi trở thành nhà lãnh đạo đất nước.

Ông Tập Cận Bình đã tới Mỹ từ hôm thứ hai và gặp gỡ với các cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger, Madeleine Albright; cựu Bộ trưởng Ngân khố Henry Paulson...

Ông bày tỏ hy vọng chuyến thăm của ông có thể tăng cường lòng tin cậy chiến lược, mở rộng hợp tác và làm sâu sắc thêm mối quan hệ Trung - Mỹ.

Daniel Blumenthal, nhà nghiên cứu Viện Doanh nghiệp Mỹ và là cựu cố vấn Bộ Quốc phòng về vấn đề Trung Quốc thời Bush tuần trước viết trên tạp chí Chính sách Đối ngoại rằng, chính quyền Obama đã gửi đi các tín hiệu lẫn lộn về việc Mỹ nên “thích nghi hay đối đầu với Trung Quốc”.

Theo ông, ông Tập sẽ sử dụng chuyến đi để thể hiện với người Trung Quốc rằng, ông đủ cứng rắn về vấn đề Mỹ trong khi vẫn đảm bảo được sự cân bằng với các cải cách kinh tế.

Những vấn đề chiến lược

Trong khi quan hệ kinh tế là vấn đề nổi bật nhất ở các cuộc tranh luận chính trị tại Mỹ, thì những lo ngại khác của Obama còn là vai trò Trung Quốc khi gia tăng áp lực với những chính quyền Iran, Triều Tiên và Syria.

Obama đã dùng chuyến công du châu Á - Thái Bình Dương tháng 11 năm ngoái để lặp đi lặp lại các tín hiệu rằng, Mỹ đang tăng cường thế trận quân sự và ngoại giao ở sân sau của Trung Quốc và giúp những quốc gia châu Á khác đối phó với sự trỗi dậy từ Trung Quốc.

Thái An (Businessweek, Vietnam+)