Quyền lực chính trị của bà Angela Merkel vừa bị một cú đánh lớn: Tổng thống Christian Wulff buộc phải ra đi sau khi bị các công tố viên yêu cầu tước bỏ quyền miễn trừ, phục vụ điều tra tham nhũng.

TIN LIÊN QUAN:

Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: wordpress

Tuyên bố từ chức hôm thứ sáu của ông Christian Wulff diễn ra sau hàng loạt bê bối.

“Những diễn biến trong ít ngày qua và các tuần qua cho thấy, lòng tin và cả hiệu quả của tôi đã bị tổn hại nghiêm trọng”, ông Wulff nói. Ông nhấn mạnh, người Đức cần “một tổng thống giành được sự tin tưởng không chỉ của đa số, mà còn của đại đai số người dân. Vì lý do này, tôi không thể ở lâu trong văn phòng tổng thống hơn nữa. Tôi phạm những sai lầm nhưng tôi đã luôn trung thực”.

Sau vụ từ chức của ông Wulff, Thủ tướng Merkel đã phải huỷ kế hoạch tới Rome để gặp gỡ Mario Monti, Thủ tướng Italia trước một cuộc họp bàn quan trọng của khu vực đồng euro diễn ra vào thứ hai để thống nhất gói giải cứu thứ hai cho Hy Lạp vốn đang gây tranh cãi lớn ở Đức.

Thay thế ông Wulff, tổng thống Đức thứ hai từ chức giữa những tranh cãi trong thời gian bà Merkel tại nhiệm, sẽ đặt ra một thách thức mới với chính quyền của bà trước cuộc bầu cử liên bang năm tới.

Thủ tướng Merkel đang có uy tín lớn với việc giải quyết khủng hoảng tại châu Âu, nhưng quyết định từ chức của ông Wulff nêu nghi vấn với khả năng phán đoán của bà, bởi bà đã cố sức đề cử ông năm 2010. Ông Wulff là tổng thống Đức thứ hai từ chức trong vòng 2 năm. Giáo sư chính trị Gerd Langguth của trường đại học Bonn nhận xét: "Danh tiếng của bà Merkel bị tổn hại với biến chuyển này". Nhưng theo nhà kinh tế học Carsten Brzeski tại ING, các thương luợng về cứu nguy Hy Lạp không chắc bị ảnh hưởng.

Với mong muốn tránh một cuộc khủng hoảng chính trị, Thủ tướng Đức sẽ tiếp cận với các nghị sĩ đối lập để chọn ra một ứng viên đồng thuận - điều bà bị chỉ trích vì không làm trước đây. “Chúng tôi muốn tổ chức các cuộc đối thoại để có thể đề xuất một ứng viên chung cho tổng thống tiếp theo của Cộng hoà Liên bang Đức”, bà tuyên bố.

Các công tố viên tại Hanover trước đó đã yêu cầu các nghị sĩ quốc hội Đức tước bỏ quyền miễn trừ của ông Wulff để cho phép họ điều tra những cáo buộc về việc ông lạm dụng quyền lực và vị trí bằng cách tiếp nhận những lợi ích khi ông là thống đốc bang Hạ Saxony. Công tố viên cũng tuyên bố “nghi ngờ ban đầu” chống lại David Groenewold , nhà sản xuất phim và là bạn của ông Wulff - người bị cáo buộc đã chi trả ngân phiếu cho vợ chồng ông Wulff nghỉ ở khách sạn sang trọng trong hai dịp nghỉ lễ. Luật sư của ông Wulff nói rằng, ông đã trả tiền mặt cho một trong hai dịp nghỉ.

Tổng thống Đức dù chỉ nắm vai trò chủ yếu là nghi thức, nhưng lại mang trọng trách như một biểu tượng chuẩn mực đạo đức, và đây là lần đầu tiên trong lịch sử của Đức khi quốc hội nhận được yêu cầu tước bỏ quyền miễn trừ của tổng thống.

Trong việc chọn lựa ông Wulff năm 2010, bà Merkel đã hy vọng rằng, khi chọn lựa một ứng viên “vô hại” bà có thể giành được sự ủng hộ cho chính phủ của mình sau khi bị phản ứng mạnh mẽ trước việc Đức đóng góp hơn 170 tỉ USD để giải cứu Hy Lạp và cuộc khủng hoảng nợ ngày một lan rộng tại khu vực đồng euro.

Nhưng sự ve vãn các nhân vật nổi tiếng, người giàu có và quyền lực trong giới kinh doanh của tổng thống đã bị báo chí truyền thông để mắt. Ông đã bỏ người vợ lâu năm Christiane năm 2006 để đến với một người phụ trách quan hệ công chúng, Bettina Koerner, kém ông 14 tuổi. Họ kết hôn năm 2008 và có cậu con trai nhỏ (ngoài một cô con gái con của vợ trước). Ông Wulff đã cố gắng nuôi dưỡng ấn tượng tốt với truyền thông bằng cách tạo ra mối quan hệ với Bild, tờ báo bán chạy nhất nước Đức để khôi phục hình ảnh của mình như một người đàn ông của gia đình lành mạnh.

Tuy nhiên, hàng loạt bê bối đã xảy ra sau khi xuất hiện các doanh nhân làm “mạnh thường quân” cho những kỳ nghỉ của Wulff và sẵn sàng giang tay giúp ông những dịp quan trọng bao gồm một khoản vay mua nhà từ vợ một người bạn giàu có - cũng là chuyện khởi nguồn dẫn tới việc ông mất chức.

Mối quan hệ ấm cúng của Wulff với tập đoàn xuất bản tờ báo, Springer, đã trở nên căng thẳng khi có tin ông đã đe dọa các phóng viên ở hai dịp khác nhau quanh việc họ đưa tin về những vụ bê bối.

Năm ngoái, Wulff  đã phá vỡ một điều cấm kị chính trị bằng cách chỉ trích Ngân hàng trung ương châu Âu - dường như được xem là bất khả xâm phạm tại Đức. Ông  cho rằng hành động mua trái phiếu chính phủ của ngân hàng này là phạm luật. Những bình luận này đã không giúp ích cho Thủ tướng Đức khi bà phải vật lộn để thuyết phục đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo rằng, Đức nên ủng hộ khu vực đồng euro.

Một tổng thống mới của Đức thay thế ông Wulff sẽ được chọn lựa vào tháng 3.

Thái An(theo Telegraph)