Ảnh: Guardian |
Ông Sarkozy đã bắt đầu cuộc tranh cử nhiệm kỳ hai tại Marseille với cờ quạt, khẩu hiệu và cả phu nhân Carla Bruni bên cạnh cổ vũ. Trong cuộc mít tinh lớn đầu tiên, ông khẳng định đã cứu nước Pháp khỏi "thảm hoạ" trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính và cách duy nhất để cứu nước này khỏi suy thoái kinh tế là bầu cho ông ở nhiệm kỳ hai.
Sự kiện thu hút 7.000 người tại Marseille đánh dấu sự trở lại của phong cách tranh cử Sarkozy - với biển cờ quạt, âm nhạc và khẩu hiệu tranh cử mới "một nước Pháp mạnh mẽ" và sự cổ vũ của Carla Bruni trong cuộc mít tinh chính trị đầu tiên của bà.
Mặc dù sở hữu 4 năm tỉ lệ tín nhiệm thấp kỷ lục, sự thất vọng và thực tế hầu hết người Pháp đánh giá nhiệm kỳ của ông là tiêu cực, nhưng Sarkozy vẫn cố gắng đặt mình vào vị trí là "người bảo vệ" của quốc gia trong khi tung ra hàng loạt cuộc tấn công cá nhân đối với ứng viên sáng giá đến từ đảng Xã hội François Hollande, người mà ông cáo buộc là cố giảm nhẹ mức độ khủng hoảng.
Cuộc bầu cử tổng thống ở Pháp chắc chắn sẽ tập trung vào các vấn đề kinh tế. Tỉ lệ thất nghiệp tăng tới gần 10%, có khoảng 1 triệu người mất việc làm so với thời điểm Sarkozy nhậm chức. Nợ công khổng lồ, Pháp đã để mất hạng tín nhiệm AAA và chính phủ hiện tại đang tập trung vào việc cắt giảm chi tiêu, gia tăng thuế.
Tuy nhiên, trước đám đông, ông Sarkozy nói với những người ủng hộ rằng, nhờ sự lãnh đạo của ông mà Pháp trở nên tốt hơn so với các láng giềng.
"Một nước Pháp yếu không thể bảo vệ được người dân Pháp”, ông tuyên bố. “Người Pháp đã kháng cự, người Pháp không chịu đầu hàng”. Ông không tỏ ra hối lỗi về hồ sơ tháng ngày cầm quyền của mình nhưng nói rằng: “Tôi không nói chúng ta đã thành công trong mọi thứ. Nhưng tôi muốn nói chúng ta đã tránh được một thảm họa”. Ông cáo buộc phe đối lập “che giấu” khủng hoảng và điều đó trở nên “nguy hiểm” với nước Pháp.
Khi ông Sarkozy phải vật lộn để lật đổ thế dẫn đầu của Hollande trong các cuộc thăm dò, thì báo chí Pháp đồn đoán rằng, các cố vấn của ông có thể nắm bắt cảm hứng từ chiến dịch tái tranh cử 2004 của George W Bush. Tổng thống Mỹ đã ở mức điểm rất thấp trong các cuộc thăm dò nhưng đã thực thi một chiến dịch tranh cử khó khăn, tập trung vào vấn đề dân túy, xoáy sâu vào nỗi sợ hãi từ sự kiện 11/9. Sarkozy có thể làm điều tương tự từ việc tập trung vào nỗi quan ngại về bối cảnh kinh tế ngày một trở nên tồi tệ hơn.
Cả ông Sarkozy và Hollande đều khẳng định ưu tiên là khôi phục tài chính công. Ai chiến thắng cũng sẽ đối mặt với các biện pháp thắt lưng buộc bụng và nỗ lực làm giảm thâm hụt ngân sách.
Ông Hollande đề xuất tăng thuế với ngân hàng, các hãng lớn và giới nhà giàu, để làm giảm thâm hụt và tăng ngân sách cho giáo dục cũng như tạo công ăn việc làm. Hollande đã nói về Sarkozy: "Ông ấy là tổng thống của khủng hoảng, còn tôi nếu làm tổng thống sẽ đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng”.
Về phần mình, ông Sarkozy đã sử dụng cuộc mít tinh ở Marseille để tiếp tục có những cáo buộc nhằm vào ông Hollande. Những người ủng hộ còn chứng kiến việc ông Sarkozy lần nữa tái tạo hình ảnh mình là một “ứng viên của nhân dân”.
Trong 5 năm qua, hồ sơ tạo nên sự mất tín nhiệm kỷ lục của vị tổng thống Pháp là chuyện hình ảnh ông được biết tới như một “tổng thống của người giàu” - giảm thuế cho tầng lớp giàu có, có cuộc sống xa hoa phung phí khi kêu gọi cả nước tiết kiệm, và kết hôn với Bruni - cựu siêu mẫu… trong khi tự tách mình khỏi tầng lớp lao động. Tại Marseille, ông Sarkozy nói: “Tôi sẽ không là ứng viên cho số ít tinh hoa chống lại người dân”.
Ông Hollande đã tự gọi mình là “Ông Bình thường” và giờ đây, Tổng thống Pháp đang cố gắng đi trên cùng con đường ấy.
Tuyên bố tái tranh cử vào dịp cuối tuần, ông Sarkozy mang trang phục giản dị, cố gắng củng cố hình ảnh “người đàn ông của nhân dân” khi trong văn phòng chỉ trang trí đơn giản vài chiếc CD của ca sĩ rock nổi tiếng Johnny Hallyday trên giá. Tuy nhiên, báo chí Pháp đã chỉ ra sự hiện diện của chiếc hộp xì gà “thương hiệu” Sarkozy.
Thái An (theo Guardian)