- Chiều 12/1, các đại biểu tham dự Đại hội Đảng XI đã thảo luận tại đoàn về các dự thảo văn kiện quan trọng như dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020; báo cáo Chính trị Đại hội XI của Đảng; báo cáo một số vấn đề bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng và dự thảo Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi); báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương khóa X.
Dường như hưởng ứng tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật” mà Đảng đã kêu gọi trong diễn văn khai mạc, nên dù đa số tán thành với nội dung các dự thảo, song nhiều đại biểu đã tham gia thảo luận một cách thẳng thắn, không ngại bày tỏ chính kiến, góp ý tâm huyết liên quan đến chủ trương, đường lối, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội; đổi mới công tác cán bộ, cải cách thể chế, thủ tục hành chính với trọng tâm là cải cách con người…
Liệu có mâu thuẫn khi khẳng định công hữu về tư liệu sản xuất?
Thảo luận tại đoàn đại biểu Đà Nẵng. Ảnh: HAnh
Chia sẻ với trăn trở này, đại biểu Nguyễn Văn Thuận (Quốc hội) cho rằng, việc đặt vấn đề “công hữu tư liệu sản xuất” thể hiện sự mâu thuẫn với định hướng phát triển kinh tế nhiều thành phần trong quá trình quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Từng tham gia tổ soạn thảo văn kiện Đảng tại Đại hội X, Chủ nhiệm UB Pháp luật Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cho rằng, từ Đại hội VI đến Đại hội X, mỗi Đại hội là một sự đổi mới về tư duy, một bước phát triển của chủ nghĩa Mác. Đại hội VI đã quyết định thay chế độ công hữu bằng chế độ đa sở hữu.
“Chúng ta không thể xây dựng một đất nước rải thảm đỏ mời các nhà đầu tư, có hẳn một ngày doanh nhân Việt Nam để tôn vinh các doanh nhân , xem các nhà chiếm hữu tư liệu sản xuất là doanh nhân, rồi một lúc nào đó lại dùng cày, dùng cuốc xóa bỏ nó”, ông Thuận nói.
Do đó, ông tha thiết kiến nghị nên sửa thành “chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng là chế độ xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn mình, do nhân dân làm chủ, có chế độ đa sở hữu, trong đó chế độ công hữu về tư liệu sản xuất là chủ yếu”.
Nên cho phép thí điểm kết nạp Đảng chủ doanh nghiệp tư nhân
Đối với các ý kiến liên quan đến sửa đổi điều lệ Đảng, ông Nguyễn Văn Thuận đồng tình nên cho phép kết nạp vào Đảng các chủ doanh nghiệp tư nhân nếu họ hội đủ các tiêu chí. Ông Thuận lập luận, Đảng đã tuyên bố Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiền phong của giai cấp công nhân đồng thời của nhân dân Việt Nam thì Đảng phải kết nạp những người tiền phong nhất của mọi giai tầng xã hội, của cả dân tộc này.
Bịt mắt cũng thấy việc bức xúc
Chủ trì phiên thảo luận của Đoàn đại biểu Đà
Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh, ủy viên Trung ương, Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng cho
biết, hiện còn tồn tại nhiều vấn đề gây bức xúc, thậm chí “bịt mắt cũng nhìn
thấy”. Đó là tình trạng sự yếu kém trong quản lý giáo dục tai nạn giao thông
tăng cao, vấn nạn “chạy chọt”, thậm chí thương mại hóa những vấn đề thiêng liêng
như “chạy” huân chương.
Trong phần dẫn dắt thảo luận hơn 10 phút, sau khi kể chuyện về trường hợp “chạy
bằng giả tại chức rồi leo lên vị trí cao quản lý những người giỏi”, hay nêu ví
dụ chuyện đọc báo: bây giờ mở báo ra đọc những thông tin về tệ nạn xã hội thì
nhiều còn chuyện người tốt việc tốt không ai đọc…, ông Thanh nói tới nguy cơ xã
hội mất niềm tin.
“Những việc như vậy không bàn thì hô hào đổi mới làm sao?”, ông Thanh đặt
câu hỏi.
Đi thẳng vào những nội dung trong văn kiện, đại biểu Huỳnh Nghĩa, Phó Chủ tịch
HĐND TP Đà Nẵng đề nghị xem xét bổ sung thêm cụm từ “tham nhũng, lãng phí” sau
từ “bệnh quan liêu” ở phần bài học.
Đại biểu tại phiên khai mạc Đại hội, sáng 12/1. Ảnh: HLong
“Cứ nói Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền, nhưng còn chưa làm rõ chức năng
quản lý Nhà nước bằng pháp luật. Người dân đề nghị Đại hội XI phải nói rõ giải
pháp xử lý những vấn nạn này”.
Tiếp câu chuyện “chạy chọt” mà ông Thanh nêu ra, đại tá Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc
Công an Đà Nẵng cho rằng, văn kiện đưa giải pháp “có chế tài xử lý nghiêm những
trường hợp chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân
chương” là chưa đầy đủ. Bởi bất cứ hành động nào cũng có mối quan hệ hữu cơ,
phải giải quyết tận gốc bằng cách xử lý nghiêm từ hai phía: ai chạy và chạy ai.
Phát huy dân chủ trong Đảng
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê - Bí thư quận 9, TP.HCM tán đồng việc Đảng đặt ra đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Theo bà, “hai vấn đề kinh tế và chính trị đúng là không thể tách rời”.
Đại biểu Phạm Phương Thảo, đoàn đại biểu Đảng bộ TP.HCM nêu ý kiến: nội dung đầu tiên cần quan tâm là phải đổi mới công tác tổ chức bộ máy.
Theo bà Thảo, "vừa qua chúng ta đã rà soát lại thủ tục hành chính từ cấp trung ương đến địa phương; tuy nhiên, cần quan tâm đến việc đổi mới về mặt thể chế, về tổ chức bộ máy cán bộ, trong đó bao gồm việc rà soát chức năng nhiệm vụ theo hướng cái gì dân làm được thì giao cho dân làm, cái gì cấp dưới làm được thì giao cho cấp dưới làm. Cấp trung ương, cấp bộ thì cần quan tâm đến vấn đề về chính sách, tiêu chí, tiêu chuẩn…".
Chủ tịch HĐND TP.HCM cũng đề nghị “cần phát huy dân chủ trong Đảng nhiều hơn bằng việc tạo điều kiện triển khai chất vấn trong Đảng”.
“Quy định về chất vấn trong Đảng đã có nhưng vừa qua chúng ta chưa làm. Người đứng đầu cần tạo điều kiện và làm sao để chất vấn trong Đảng, trong sinh hoạt chi bộ trở thành điều bình thường. Sau đại hội này cần tạo điều kiện triển khai cụ thể, tôi không nghĩ người ta không có dũng khí để dám nói”, bà Thảo khẳng định.
Hạ Anh - Thảo Lam