- Không đọc lại phần tham luận báo cáo "Nhìn lại 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010, những bài học rút ra để thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020" đã gửi tới các đại biểu, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc dành 20 phút để trình bày những bài học mà ông cho là tâm đắc.

Dưới đây, VietNamNet giới thiệu ý kiến của đại biểu Võ Hồng Phúc, phát biểu trong phiên thảo luận chiều 13/1 tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Tôi cho rằng gốc của CNXH là công bằng xã hội... Ảnh: Hoàng Long

Thực tiễn 10 năm qua khẳng định con đường phát triển của đất nước ta là đúng đắn và có thể rút ra các bài học để làm tốt hơn cho giai đoạn tới.

Đó là khơi dậy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Nhờ đó, ta có thành tựu như thu hút đầu tư nước ngoài, cả dân tộc cùng đồng hành phát triển. Ngoài ra, còn khơi dậy được nguồn lực của các thành phần kinh tế, bao gồm cả kinh tế tư nhân, đưa đất nước phát triển.

Về đặc trưng của chủ nghĩa xã hội (CNXH) nêu trong Cương lĩnh, tôi xin có một số ý kiến.

Trong Cương lĩnh năm 1991 có yếu tố “công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu”. Đến Đại hội X, tổng kết 20 năm đổi mới, thay đổi thành “quan hệ sản xuất phù hợp”. Nay, thể hiện vào Cương lĩnh 2011 về đặc trưng nói trên, đã có nhiều ý kiến khác nhau.

Hội nghị Trung ương 14 đã phải biểu quyết hai phương án: 1) Giữ nguyên như dự thảo Cương lĩnh: Có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất; 2) Kế thừa quan điểm của văn kiện Đại hội X: Có nền kinh tế phát triển cao, (…) và quan hệ sản xuất tiên tiến, phù hợp. Cuối cùng thì chọn phương án 1 đưa vào dự thảo.

Như dự thảo hiện nay là kế thừa nguyên văn Cương lĩnh năm 1991. Còn theo ý kiến 2 là chắt lọc được từ ĐH X.

Tại buổi họp báo ngày 10/1, trước khi diễn ra Đại hội, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Viết Thông cho biết khi biểu quyết, phương án 1 được quá bán, tỉ lệ 55,06%.

Khi thảo luận tổ Thanh Hóa, có đồng chí nói, dự thảo đưa vào câu "công hữu tư liệu sản xuất" là dựa trên lý luận Mac - Lenin. Nhưng Mac - Lênin dạy ta một điều, lý luận phải được thực tiễn kiểm chứng. Vậy, lý luận được kiểm chứng chưa, biện chứng từ đâu? Đông Âu, Liên Xô áp dụng mô hình đó, đã thất bại. 

Còn việc nói "dựa trên quan hệ sản xuất tiên tiến" là tổng kết từ 20 năm đổi mới, một bài học rất Việt Nam, một thực tiễn rất Việt Nam và đã thành công.

Đại hội VI đã quyết định thay chế độ công hữu bằng chế độ đa sở hữu. Vậy sao bây giờ cứ đòi bỏ đi. Bỏ đi, tác hại đến đâu?

Đảng vẫn xác định quan hệ đa sở hữu, có công, có tư. Vậy bây giờ chỉ nói "công hữu tư liệu sản xuất" thì ai yên tâm đầu tư cho chúng ta?

Nếu chúng ta vẫn công hữu, ai dám đầu tư cơ sở hạ tầng? Chúng ta động viên họ đầu tư để làm gì? 

Để rồi, sau khi thời kỳ qua độ, chúng ta quan niệm “nuôi vỗ béo rồi thịt” thì ai dám làm, ai dám đầu tư. Tôi rất mong các đồng chí thảo luận, làm rõ.

Nhiều người nói cái gốc của CNXH là sở hữu. Nhưng tôi cho rằng, gốc của CNXH là công bằng xã hội, điều tiết thu nhập. Nếu chúng ta vẫn giữ quan niệm là gốc của CNXH là sở hữu thì sẽ vấp vào sai lầm những năm trước đây.

Vấn đề thứ hai, tôi muốn nói rằng, sự đồng thuận xã hội, thống nhất trong Đảng là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công mà không dễ gì các nước khác có được.

Chẳng hạn, năm 2008, khi xảy ra tình trạng lạm phát, Chính phủ kịp thời báo cáo Bộ Chính trị, Trung ương và kịp thời đưa chính sách mới ổn định tình hình, kiềm chế lạm phát.

Muốn thực hiện chiến lược, nghị quyết Đại hội Đảng thì nội bộ Đảng phải là một thể thống nhất. Thống nhất trong tư tưởng, trong chỉ đạo điều hành, trong hành động.

Bác Hồ dạy "Giữ đoàn kết như giữ con ngươi mắt mình". Tôi rất tâm đắc với điều này.

Muốn có đoàn kết, phải có đấu tranh phê bình và dân chủ, nhưng dân chủ tập trung, không phải dân chủ tự do. Phải thấm nhuần tư tưởng này để còn ứng dụng.

Các đồng chí trong nội bộ thực sự đoàn kết chưa? Bác dạy vừa đấu tranh nhưng lại có thương yêu, giúp đỡ đồng chí mình. Vậy, ta có thực sự thương yêu, giúp đỡ không?

Một vấn đề nữa, khi kết thúc Đại hội, sẽ thực hiện nghị quyết ĐH XI thế nào? 

Thời điểm thực hiện khó hơn nhiều so với thời điểm sau ĐH X. Bây giờ, thách thức lớn hơn nhiều: Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô không bằng năm 2006; Lạm phát cao, bội chi, cơ sở hạ tầng, nguồn lực bây giờ khó khăn hơn... Điều này đòi hỏi phải có sự chỉ đạo tập trung và thống nhất.

Nếu sau Đại hội, không có chương trình hành động cụ thể và thống nhất ý chí thì khó mà thực hiện được nhiệm vụ đặt ra.

Bởi vậy, tôi mong Đại hội bầu ra Ban chấp hành đoàn kết, thống nhất, giữ vững vị trí lãnh đạo với dân tộc. Hy vọng, các vị còn thời gian chừng nào phục vụ cho TƯ, cho Đảng thì phải phục vụ hết sức, hết mình.

Trao đổi với báo giới bên hành lang Đại hội, ông Võ Hồng Phúc khẳng định: Chúng ta xây dựng một quan hệ sản xuất tiên tiến phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất.Đó là quan hệ sản xuất đan xen đa sở hữu, có công hữu, có tư hữu, có tư nhân, có tất cả các thành phần kinh tế. Tôi mong muốn cương lĩnh xác định lại điều đó.

Ông nói điều này rút ra từ thực tiễn 20 năm đổi mới. Vậy ông lý giải sao khi nói đó chỉ là ý kiến là thiểu số?

Đó là những cách hiểu khác nhau. Chính vì thế, cần đưa ra Đại hội thảo luận một cách nghiêm túc. Từ đó, cùng biểu quyết và thống nhất hành động. 

Có ý kiến cho rằng năm vừa rồi được đánh giá thành công vì có điều tiết vĩ mô, nhờ sở hữu nhà nước?

Tôi vẫn khẳng định, trong nền kinh tế đó, nền kinh tế nhà nước, bao gồm đất đai, ngân sách, tài sản nhà nước... giữ vai trò chủ đạo, chứ không phải doanh nghiệp nhà nước, không phải vấn đề “công hữu là chủ đạo".

 

 

Hạ Anh - Thảo Lam ghi