- Chuyên gia quốc tế dự hội thảo chia sẻ kinh nghiệm sửa đổi Hiến pháp sáng 28/2 tại Hà Nội cho rằng dù tổ chức theo mô hình chính quyền nào, Việt Nam cũng cần có một hệ thống tổ chức và giám sát quyền lực.

Hội thảo quốc tế “Tổ chức quyền lực nhà nước - Kinh nghiệm từ Hiến pháp một số nước” do Văn phòng Quốc hội và Viện Konrad Adenauer tổ chức nhằm tham khảo kinh nghiệm cho sửa đổi Hiến pháp 1992 đang tiến hành.

Tránh lạm dụng quyền lực

Liên quan sửa đổi Hiến pháp 1992 của Việt Nam, tại nhiều phiên thảo luận, các chuyên gia pháp lý đã đề cập đến vấn đề kiểm soát giữa các cơ quan quyền lực nhà nước bên cạnh yêu cầu "phân công, phối hợp". Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng từng lưu ý khi tiến hành sửa đổi Hiến pháp việc cần thể hiện rõ nét hơn nữa mô hình Nhà nước Việt Nam là Nhà nước xã hội chủ nghĩa có sự thống nhất và phân công, phân nhiệm song song với cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ giữa các cơ quan lập pháp, tư pháp và hành pháp.

Tại hội thảo, một nguy cơ được nhiều người chỉ ra: Những người nắm giữ quyền lực nhà nước thường có xu hướng lạm dụng quyền lực. Vì thế, cần phải thiết lập một cơ chế kiểm soát để chống lại sự lạm dụng này.

Các đại biểu quốc tế trao đổi bên hành lang hội thảo. Ảnh: XĐ

Không ít chuyên gia trong nước đã đặt câu hỏi về vấn đề tìm mô hình phân chia và kiểm soát quyền lực cho Việt Nam. Làm thế nào để tránh nguy cơ lạm dụng quyền lực?

Phó giáo sư Joerg Menzel (Đại học Bonn) cho hay: "Chúng tôi hiểu rõ mối nguy của sự lạm dụng quyền lực. Do đó rất cần tìm ra một giải pháp tốt để đảm bảo cho sự phát triển phồn thịnh của đất nước".

Ông Joerg Menzel phân tích, khi một nhà lãnh đạo đứng ở trên đỉnh cao quyền lực và tập trung trong tay nhiều quyền, đó sẽ là một mối nguy rất lớn. Bởi quyền lực phải được sử dụng hợp lý để phục vụ người dân.

Phân công, phân quyền

Theo ông Nguyễn Đăng Dung - Đại học Quốc gia Hà Nội, để tránh tùy tiện sử dụng quyền lực nhà nước, không cách nào khác phải kiểm soát quyền lực như thông qua các biện pháp tác động từ bên ngoài: các điều ước quốc tế, quan hệ quốc tế... Hay kiểm soát bên trong như: bằng đạo đức, tâm lý, bằng bầu cử và kiểm soát lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực... Trong tất cả các loại hình kiểm soát quyền lực nhà nước thì kiểm soát từ bên trong quan trọng nhất, hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất.

Ông Dung phân tích, nội dung căn bản của việc kiểm soát bên trong là tổ chức phân công, phân quyền giữa các cơ quan nắm giữ quyền lực nhà nước. "Trọng tâm của sửa đổi Hiến pháp lần này là tập trung vào việc phân quyền, để khắc phục tình trạng như hiện nay", ông Dung nói. Chuyện xung đột đất đai ở Tiên Lãng vừa xảy ra được ông Dung dẫn lại như ví dụ tiêu biểu của việc phân quyền "đang có vấn đề": "Nhìn lại vụ việc vừa xảy ra ở Tiên Lãng, nguyên nhân có phần ở vấn đề phân quyền".

Giáo sư Kevin Tan đến từ Singapore cũng chia sẻ những phân tích, so sánh về sự giống và khác nhau trong cơ chế kiểm soát, phân chia quyền lực từ các nước châu Á. Ông cho rằng, một cá nhân có thể sẽ làm được rất nhiều việc nhưng chưa hẳn đã mang lại lợi ích cho số đông. Do đó, phải có một cơ chế bảo đảm để không trao quá nhiều quyền cho một cá nhân.

Trả lời câu hỏi "lựa chọn mô hình nào cho Việt Nam", ông Kevin Tan nói: "Dù có tổ chức theo mô hình chính quyền nào thì Việt Nam cũng cần phải có một hệ thống tổ chức và giám sát quyền lực".

Hội thảo sẽ còn tiếp tục diễn ra vào ngày mai, với các cuộc trao đổi giữa các học giả trong và ngoài nước về cơ chế tài phán hiến pháp, các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

L.Nhung