Trong phê bình và tự phê bình, không chờ phải mở hội nghị, không chờ cơ chế chính sách, mà ngay lúc này, mỗi cán bộ tự kiểm điểm mình luôn, soi mình xem như thế nào - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu.

Sáng 29/2, hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” tiếp tục làm việc phiên cuối và bế mạc.

Trong các ngày làm việc, đã có gần 700 lượt ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm cao tại 40 tổ thảo luận. Các đại biểu thống nhất cao với Trung ương về sự cần thiết, mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); khẳng định, Nghị quyết đã chọn đúng và trúng các vấn đề cấp bách, quan trọng, đánh giá đúng thực trạng, đề ra các giải pháp có tính khả thi để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Tổng bí thư: Quy trình thực hiện tự phê bình và phê bình tiến hành từ trên xuống dưới, không cắt khúc, cần phải làm thường xuyên. Ảnh: VOV

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giải đáp, phân tích, nhấn mạnh một số vấn đề cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc để triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Nhấn mạnh việc thực hiện "phải hết sức bình tĩnh, khách quan, không nóng vội, làm từng bước vững chắc", ông cho hay, căn cứ ý kiến thảo luận, Bộ Chính trị sẽ xem xét, điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch, xác định phương pháp và tiến độ triển khai phù hợp. Tổng bí thư nêu rõ: Kiểm điểm, tự phê bình và phê bình là khâu mở đầu, mấu chốt, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. 

Về nội dung phê bình, cần nắm chắc các kế hoạch, tập trung vào 3 nội dung trong Chỉ thị của Bộ Chính trị, luôn xác định đây là công việc hàng năm. Việc đánh giá cán bộ trước hết là phải xem có hoàn thành nhiệm vụ hay không? Làm với động cơ gì? Quá trình làm gì? Kiểm điểm về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống? Khi kiểm điểm cần phải bám vào 19 điều đảng viên không được làm, công khai 19 điều đó để quần chúng nhân dân giám sát.

Tổng bí thư cũng đặt vấn đề sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ nào? Vai trò của người đứng đầu đối với cấp ủy và cá nhân. Đối tượng triển khai là mọi cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến cơ sở, trên cương vị của mình.

Trong phê bình và tự phê bình, không chờ phải mở hội nghị, không chờ cơ chế chính sách, mà ngay lúc này mỗi đồng chí, mỗi cán bộ tự kiểm điểm mình luôn, soi mình xem như thế nào? Điều này sẽ tạo ra niềm tin sâu sắc và bền vững. Tuy nhiên, cũng không chỉ dựa vào sự tự giác của cá nhân, mà cần có sự giám sát chặt chẽ của tập thể, dư luận, báo chí.

Tổng bí thư nhấn mạnh tính gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, quản lý trong tự phê bình và phê bình, khẳng định quy trình thực hiện tự phê bình và phê bình tiến hành từ trên xuống dưới, không cắt khúc, cần phải làm thường xuyên.

Trong công tác cán bộ, Tổng bí thư cho hay, phải có cơ chế lựa chọn thật khách quan, khoa học để chọn được đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, cần có chính sách hợp lý để cán bộ yên tâm công tác, tận tụy cống hiến, phụng sự đất nước.

Trong thời gian tới, đồng thời với quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, các cơ quan Đảng, Nhà nước cần tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng chính trị; thực hiện chế độ cung cấp thông tin để cán bộ nhận thức đúng tình hình, giữ vững lập trường chính trị, trung thành với lý tưởng của Đảng và con đường đi lên của dân tộc. Đảng cần quan tâm hơn nữa đến công tác xây dựng tổ chức đảng cơ sở.

Tổng bí thư cũng nêu thêm một số băn khoăn của đại biểu về cách làm. Theo đó, sau đợt kiểm điểm này thì làm thành nền nếp hàng năm, cuối năm có kiểm tra, gắn với giải quyết nhiệm vụ ở địa phương đồng thời lấy phiếu tín nhiệm. Nếu vi phạm thì phải kỷ luật, nhưng cần xác định kỷ luật là biện pháp cuối, mà cần phát huy tinh thần giúp cho đồng chí mình thấy lỗi. Cần có cơ chế để bảo vệ được người góp ý kiến, tránh tâm trạng biết mà không dám nói vì sợ bị trù dập. Cần tiếp tục quan tâm đến công tác cán bộ, cần có cơ chế để lựa chọn chính xác cán bộ, tạo điều kiện cho cán bộ cơ sở.

Ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo và gương mẫu thực hiện Nghị quyết. Bộ Chính trị sẽ phân công nhân sự chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Nghị quyết. Các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, căn cứ sự chỉ đạo của Trung ương, bám sát tình hình, nhiệm vụ của đơn vị mình để triển khai thực hiện Nghị quyết.

Ông khẳng định quyết tâm cao độ trong tổ chức thực hiện Nghị quyết, đồng thời nhấn mạnh phải thực hiện từng bước vững chắc, làm quyết liệt có hiệu quả. Tổng bí thư kêu gọi các cấp bộ đảng, toàn thể cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Chỉ thị của Bộ Chính trị, tạo chuyển biến mạnh mẽ, vững chắc trong công tác xây dựng Đảng.

Theo TTXVN, VOV