Nhà lãnh đạo trẻ tuổi ít kinh nghiệm của Triều Tiên có bước đi lớn đầu tiên trên vũ đài quốc tế khi thực hiện một thỏa thuận với Mỹ chưa đầy hai tháng sau cái chết của cha.

 

Ảnh: Ông Kim Jong-un đi thăm một đơn vị quân đội phía tây nam Triều Tiên. Ảnh: Reuters/KCNA

Động thái này theo giới phân tích là sẽ góp phần thiết lập uy tín cho Kim Jong-un.

 

Quốc gia bí mật nhất thế giới đã nhất trí ngừng các vụ thử hạt nhân, ngừng phóng tên lửa tầm xa và làm giàu uranium ở một cơ sở hạt nhân, đồng thời cho phép các thanh sát viên hạt nhân trở lại làm việc. Với thỏa thuận này, lãnh đạo mới của Triều Tiên Kim Jong-un đã hoàn tất mảng quan trọng trong vụ thương thảo dở dang bởi cái chết hồi tháng 12 của ông Kim Jong-il - người đã lãnh đạo Bình Nhưỡng suốt 17 năm.

 

Tuyên bố giữa Washington và Bình Nhưỡng hôm thứ tư sẽ giúp nối lại đàm phán giải trừ hạt nhân.

 

Nhưng ít người tin rằng, Kim Jong-un, được cho là ở cuối độ tuổi 20, có bất kỳ ý định nào từ bỏ các tham vọng hạt nhân từng định nghĩa quyền lực của người cha và là một đòn bẩy để “mặc cả” với thế giới bên ngoài, nhất là Mỹ.

 

"Về lâu dài, họ hy vọng sẽ có được thỏa thuận về hạn chế vũ khí, chứ không phải là giải trừ”, Andrei Lankov từ đại học Kookmin, Seoul cho biết. "Họ sẵn sàng ngừng chương trình hạt nhân, nếu được trả phí xứng đáng, và được phép hoặc rõ ràng hoặc ngầm ẩn giữ lại một số trong kho dự trữ plutonium hay thiết bị hạt nhân”.

 

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton mô tả quyết định của Triều Tiên là “bước khởi đầu khiêm tốn”.

 

Thỏa thuận với Washington - có sự tham vấn với Trung Quốc, đồng minh chính của Triều Tiên, và Nga tiếp tục là một mẫu hình của Bình Nhưỡng trong cuộc chơi của các cường quốc khu vực, đồng thời nhằm cô lập Hàn Quốc khỏi đồng minh ở Washington.

 

Động thái trên xuất hiện giữa đỉnh cao các cuộc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc nhằm ngăn chặn bất kỳ hành động gây hấn nào từ Triều Tiên. Hôm thứ bảy, Bình Nhưỡng đã gọi Mỹ là “kẻ thù đáng nguyền rủa” và thề sẽ đáp trả bằng cuộc “chiến tranh thần thánh”.

 

"Bất chấp mọi chỉ trích hướng vào họ, một mối quan hệ tích cực với Mỹ đã phục vụ mục tiêu vật chất vô cùng quan trọng với Triều Tiên cho sự tồn tại của chế độ và trong những thời khắc bất ổn”, Yoo Ho-yeol, đại học Hàn Quốc nói.

 

Theo truyền thông Hàn Quốc, vấn đề đặt ra giờ đây với Seoul là quan hệ giữa hai miền Triều Tiên - về mặt lý thuyết vẫn trong tình trạng chiến tranh - có thể cải thiện trước khi đàm phán cấp khu vực được nối lại. "Phía thất bại về ngoại giao là Tổng thống Lee Myung-bak của Hàn Quốc", John Delury, đại học Yonsei ở Seoul nói. "Vấn đề liên Triều đã được tách biệt khỏi hội đàm hạt nhân”.

 

Mặc dù thỏa thuận giữa Bình Nhưỡng và Washington bao gồm cả viện trợ lương thực, nhưng nhân tố dẫn đắt chính là mục tiêu lâu dài của Triều Tiên để “bình thường hóa” quan hệ với Mỹ và thiết lập uy tín của Kim Jong-un ở vai trò lãnh đạo đất nước.

 

"Tôi không nghĩ là nhu cầu viện trợ lương thực mới quan trọng. Trên thực tế, tôi cho rằng viện trợ chỉ là mồi nhử”, Delury nói. Triều Tiên đã chịu đựng tình trạng thiếu lương thực trong hai thập niên qua.

 

Tránh xa sự bất ổn hay tê liệt chính sách mà một số nhà quan sát Triều Tiên dự đoán sau cái chết bất ngờ của Chủ tịch Kim Jong-il, vị lãnh đạo trẻ Kim Jong-un với sự trợ giúp của các cố vấn kỳ cựu bao gồm cả trưởng đoàn đàm phán hạt nhân từ thời cha mình, xem ra đã được củng cố vị trí. "Việc kế nhiệm diễn ra nhanh chóng và trôi chảy, mọi sự giờ đây đang trở lại bình thường”, Daniel Pinkston thuộc nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế ở Seoul nhấn mạnh. "Trong thực tế, chính sách ngoại giao đang diễn biến trôi chảy hơn so với lần kế nhiệm đầu tiên năm 1994”.

 

Thái An (theo Reuters)