- Phải hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, tránh xin - cho, tạo sơ hở cho tiêu cực, nhất là trong thu chi ngân sách, đầu tư công, khắc phục bằng được những cơ chế có thể tạo ra đặc quyền, đặc lợi - Thủ tướng nói.
Hôm nay (7/3) tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng triệu tập hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện nghị quyết TƯ 3 (khóa X) về phòng chống tham nhũng, lãng phí; tổng kết 5 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng và sơ kết giai đoạn thứ nhất Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020.
Nộp lại quà tặng trị giá gần 1,8 tỷ đồng
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, công tác chống tham nhũng 5 năm qua tuy có tiến bộ nhưng vẫn còn hạn chế yếu kém. Số vụ việc được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng tình hình tham nhũng đang diễn ra.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị. Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ
Trong 5 năm qua, nạn tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ vẫn còn nghiêm trọng. Nạn “chạy chức, chạy quyền” vẫn gây bức xúc. Chủ trương cán bộ lãnh đạo, quản lý “chủ động từ chức vì lý do trách nhiệm” chưa đi vào cuộc sống.
Trong khi đó, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa nghiêm, nhiều nơi né tránh. Nhiều nơi chưa có quy định cụ thể về quy tắc ứng xử trong việc cưới, tang, mừng nhà mới, tổ chức sinh nhật, nhận học hàm, bằng cấp. Việc kê khai tài sản chưa có tác dụng do chưa được công khai rộng rãi, Nhà nước chưa kiểm soát được tài sản trong xã hội, nhất là bất động sản và các tài sản có giá trị khác.
Nhiều cán bộ, đảng viên có biểu hiện bất minh về thu nhập và mức sống nhưng chưa có quy định để xem xét, xác minh, làm rõ.
Tính đến nay, cả nước có 652 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Trong đó, xử lý hình sự 97 trường hợp. Đã có 451 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng cho cơ quan, đơn vị, tổ chức với tổng giá trị gần 1,8 tỷ đồng.
Theo Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, 5 năm qua, công tác phòng chống tham nhũng vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, để thực hiện nghị quyết TƯ 4 không thể không đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng. “Các tổ chức đảng, cấp ủy, người đứng đầu, đảng viên cần tiên phong đi đầu, không nể nang, né tránh… Người đứng đầu phải gương mẫu để cấp dưới noi theo”, ông nói.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân chia sẻ, tình hình tham nhũng trên địa bàn còn nghiêm trọng, phức tạp. Trong khi đó, rất ít vụ việc được ngăn chặn, phát hiện.
Ông Quân đề xuất phải đưa phòng chống tham nhũng là tiêu chí hàng đầu để kiểm điểm, đánh giá tổ chức đảng, đảng viên. Kiên quyết không đề bạt cán bộ có hành vi sai phạm, suy thoái về đạo đức, lối sống, có dư luận không tốt, thu hồi tài sản sau thanh tra.
Nói như Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, nơi nào người đứng đầu có quyết tâm cao thì nơi đó công tác phòng chống tham nhũng mới đạt hiệu quả rõ rệt.
‘UB chống tham nhũng không thể đứng ngoài bộ máy nhà nước’
“Hoàn thiện các cơ chế chính sách để phòng ngừa tham nhũng. Chẳng hạn, cải cách tiền lương để cán bộ công chức yên tâm công tác, không bị cám dỗ bởi các yếu tố dẫn đến tham nhũng”. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai |
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, chống tham nhũng đã đạt một số kết quả chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.
Nạn tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn đẩy lùi, còn gây bức xúc lớn trong xã hội và đang là thách thức lớn đối với quản lý nhà nước.
Theo Thủ tướng, bên cạnh giải pháp chống tham nhũng, cần quan tâm đến phòng ngừa, đầu tiên là phải nâng cao quyết tâm, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, đặc biệt là vai trò trách nhiệm của người đứng đầu.
Bên cạnh đó, phải hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách trong quản lý Nhà nước, tránh xin - cho, tạo sơ hở cho tiêu cực, nhất là ở các lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản, thu chi ngân sách, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước.
Thứ ba, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về công tác cán bộ, trong đó phải công khai minh bạch trong khâu tuyển dụng cán bộ; công khai, dân chủ trong việc đánh giá, bố trí, sử dụng, đề bạt cán bộ, kể cả trong việc khen thưởng, kỷ luật để khắc phục, ngăn ngừa các tiêu cực trong việc chạy chức, chạy quyền.
Đảng và Nhà nước phải hoàn thiện chính sách rõ ràng và minh bạch về tiền lương, đất đai, nhà ở cho cán bộ, khắc phục bằng được những cơ chế có thể tạo ra đặc quyền đặc lợi.
Ngoài ra, bộ máy các cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng và cơ quan bảo vệ pháp luật phải được xây dựng trong sạch, vững mạnh để xử lý đúng người, đúng tội. Việc xét xử án tham nhũng phải kịp thời, nghiêm minh. Đặc biệt, cần thể hiện tính dân chủ, công khai minh bạch đối với các lĩnh vực dễ tạo ra tham nhũng; phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử.
Về vấn đề kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, người đứng đầu Chính phủ chia sẻ, cách thức kiện toàn như thế nào cho hiệu quả vẫn đang còn nhiều ý kiến thảo luận.
“Nhưng dù lập Ủy ban phòng chống tham nhũng độc lập hay giữ nguyên bộ máy giống như hiện nay thì cũng không có quyền làm thay cấp ủy đảng trong công tác cán bộ, không thể làm thay chức năng của thanh tra kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố… Ủy ban phòng chống tham nhũng không thể độc lập, đứng ngoài bộ máy nhà nước, đứng ngoài sự lãnh đạo của Đảng. Vấn đề này sẽ tiếp tục được thảo luận để xin ý kiến Bộ Chính trị, Trung ương”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Lê Nhung