Lần đầu tiên sau nhiều thế kỷ, chi tiêu quân sự của châu Á sẽ vượt châu Âu trong năm 2012, một cuộc khảo sát quốc phòng toàn cầu cho biết.

 

Ảnh: warisboring

Theo giới phân tích, kết quả này xuất phát từ sự tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực và những tham vọng ngày một lớn của Trung Quốc.

 

Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) tại London cho hay, chi tiêu quân sự Mỹ cũng giảm xuống cùng với việc rút quân khỏi Iraq và Afghanistan - mặc dù con số ngân sách quốc phòng 739 tỉ USD của Washington vẫn vượt xa các quốc gia khác.

 

Với việc Lầu Năm Góc rõ ràng đang tập trung trở lại sự chú ý chiến lược ở châu Á, thì báo cáo Cán cân Quân sự hàng năm nhấn mạnh rằng, một sự thay đổi lớn của lịch sử đã diễn ra.

 

Theo báo cáo, với ngân sách quốc phòng của Trung Quốc - ước tính 89 tỉ USD năm 2011 - gần gấp đôi trong năm năm qua, thì những quốc gia đang trỗi dậy khác ở châu Á cũng không tiếc tiền của đổ vào các chương trình quân sự. Và điều này có nguy cơ khiến xung đột gia tăng.

 

"Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi lớn", John Chipman, Tổng giám đốc IISS nói bên lề buổi công bố báo cáo. "Những gì chúng ta thấy ở châu Á là loại thách thức chiến lược - từ kiểu tranh chấp lãnh thổ thế kỷ 19 tới cạnh tranh kinh tế và các quốc gia mới có tiềm năng vũ khí hạt nhân…Chúng ta cần kiểm soát điều này”.

 

Các nỗ lực ngoại giao và những biện pháp xây dựng lòng tin là cần thiết để chấp dứt tranh cãi giữa các cường quốc châu Á tại Biển Đông cũng như những khu vực khác - cùng với sự cạnh tranh khu vực và kinh tế - không bị leo thang, ông nói.

 

Mỹ tuyên bố sẽ tăng thêm các tài nguyên quân sự tới châu Á, bao gồm kế hoạch triển khai lính thủy đánh bộ đến Australia và tàu chiến đến Singapore.

 

Bắc Kinh đã chỉ trích các kế hoạch của Mỹ, cáo buộc Washington can dự không cần thiết. Trong khi đó, hàng loạt nước như Australia, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ và những quốc gia khác trong khu vực cũng đều đang tăng cường lực lượng của mình, đặc biệt là hải quân.

 

Tâm điểm Trung Đông sụt giảm?

 

Về ngắn hạn, Chipman nói rằng, điều quan trọng là không phóng đại khả năng và các tham vọng của Bắc Kinh. Mặc dù có sự đầu tư đáng kể, ông nhấn mạnh, nhưng Trung Quốc vẫn thiếu tàu sân bay hoạt động toàn diện cho dù họ vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc thử nghiệm trên biển với con tàu của Liên Xô đã được nâng cấp. Trong khi đó, Mỹ có 11 siêu tàu sân bay hùng mạnh, dù một số trong đó thường xuyên cần nâng cấp.

 

Trung Quốc tiếp tục duy trì lực lượng quân sự lớn, khoảng 2,3 triệu người so với 1,6 triệu người của Mỹ. Nhưng theo IISS, kể cả khi các xu thế hiện tại tiếp tục, thì sẽ phải mất khoảng 20 năm nữa để Bắc Kinh bắt kịp chi tiêu quân sự như mức hiện tại của Mỹ.

 

Bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế và không phải đối mặt với những đe dọa an ninh trực tiếp, chi tiêu quân sự châu Âu đang sụt giảm.

 

Chi tiêu quốc phòng cho các thành viên châu Âu của NATO đã giảm xuống dưới các thành viên châu Á kể cả khi Australia và New Zealand không được tính vào phần châu Á.

 

IISS cho hay, cuộc xung đột ở Lybia năm ngoái cho thấy những gì có thể thực hiện được với một số lượng nhỏ các tài sản quân sự hiện đại. Nhưng tổ chức này cũng nêu bật những thiếu sót nghiêm trọng trong các khả năng quốc phòng của châu Âu - như do thám, tiếp dầu trên không và dự trữ đạn dược.

 

"Rõ ràng là, châu Âu giờ đây đang tập trung kiểu quản lý xung đột thiên về thế kỷ 21 hơn là 19 - tổ chức hơn, ngoại giao hơn, đa phương hơn và không chỉ thuần về sức mạnh quân sự”, Chipman nói.

 

Mặc dù trọng tâm hiện nay là Iran và những lo lắng về chương trình hạt nhân của họ, nhưng Chipman cho rằng, mối quan tâm quân sự phương Tây trong khu vực này dường như sụt giảm dần.

 

"Các quốc gia thân cận với Mỹ - Israel, Ảrập Xêút, các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất - đang lo lắng rằng, Mỹ đang mất dần sự chú ý với khu vực", ông chỉ ra thực tế các ngân sách quốc phòng địa phương đang gia tăng. "Tuy nhiên hiện tại, tập trung của Mỹ không thể chỉ là châu Á vì tầm quan trọng của Trung Đông”.

 

Thái An (theo Reuters)