- Từ lãnh đạo, thủ lĩnh Đoàn, các vị lão thành đến công chức trẻ Hà Nội đều đồng ý rằng hiệu quả cải cách hành chính nằm ở cán bộ, nhưng không chỉ là trình độ, năng lực của họ.

Còn nhiều lời kêu ca

Chủ trì hội nghị nâng cao vai trò của Đoàn thanh niên tham gia cải cách hành chính (CCHC) sáng nay (15/3), phó Bí thư thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Công Soái lấy chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) làm căn cứ đánh giá hiệu quả CCHC của Thủ đô. 

"Hà Nội năm 2010 bị tụt 10 bậc, sau đó nhờ đẩy mạnh CCHC đến năm 2011 đã lên được 6 bậc, đứng thứ 36/63 tỉnh thành", ông Soái nói. "Nhưng so với mặt bằng chung cả nước, và so với mong muốn của người dân và doanh nghiệp thì vẫn chưa đáp ứng yêu cầu".

"Qua một thời gian thực hiện CCHC, người dân ghi nhận sự quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền của chính quyền đã giảm, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến phàn nàn, không chỉ từ nhân dân và doanh nghiệp mà còn từ chính cán bộ các cấp với nhau", ông Soái chỉ ra.

Nụ cười thường trực của công chức phường Nguyễn Du, quận Bà Trưng, Hà Nội khiến người dân đến làm thủ tục hài lòng. Ảnh: Vân Anh
Chia sẻ nhận định này, nhiều ý kiến tại hội thảo nêu các ví dụ cho thấy ở nhiều cơ quan hành chính, đặc biệt là bộ phận một cửa, nơi trực tiếp thể hiện hiệu quả CCHC, vẫn còn vướng mắc khiến người dân và doanh nghiệp chưa hài lòng.

Bản thân ông Soái đã chứng kiến "mới 4h kém 15 người dân đến công chứng giấy tờ đã bị cán bộ một cửa từ chối nhận hồ sơ vì sắp hết giờ làm việc, người dân phải quay lại hôm sau".

Hay có doanh nghiệp nói với ông Soái rằng họ không dám đầu tư vào Hà Nội vì mất thời gian làm thủ tục hành chính, "có khi 5 năm vẫn chưa đi vào sản xuất được". Cấp lãnh đạo rất tạo điều kiện, nhưng xuống đến cán bộ làm thủ tục thì vướng và bị hành từ việc nhỏ như câu chữ, dấu chấm phẩy.

"Dù đây chỉ là cá biệt nhưng cũng khiến Hà Nội mất đi nhiều cơ hội đầu tư", ông Soái nói.

Ông Mạc Quốc Anh, một chủ doanh nghiệp cũng cho biết đôi lúc gặp khó khăn khi nộp thuế do không được cán bộ cập nhật những thay đổi trong phần mềm khai thuế, không giải thích rõ ràng, thậm chí có thái độ khó chịu khi doanh nghiệp hỏi.

Bà Bùi Thị Giang, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Kiêu Kỵ (Gia Lâm), cũng thấy "một số cán bộ trẻ nói năng trống không, cộc lốc với người lớn tuổi, khiến dân khó chịu. Họ chưa có nhiều kinh nghiệm tiếp dân, nhiều khi thiếu bình tĩnh, dẫn đến to tiếng, hiểu nhầm".

Nở một nụ cười với dân khó thế sao?

Bí thư Thành đoàn Hà Nội Ngọ Duy Hiểu dẫn lại câu chuyện PCI 2011 để phân tích: Hà Nội ở vị trí thấp trong khi Lào Cai vươn lên đứng đầu, không thể nói trình độ cán bộ Hà Nội thua kém Lào Cai, vậy vấn đề có nằm ở trình độ?

Bí thư chi đoàn Sở Tư pháp Hà Nội thẳng thẳn chỉ ra: "Trình độ, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho công chức hành chính đều có đủ, điều vẫn bị dân, doanh nghiệp kêu ca chính là ý thức, cung cách phục vụ và tinh thần trách nhiệm".

Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Công Soái nói: "Những người hay đi nước ngoài đều nói về đến Việt Nam, ngay từ sân bay đã thấy thái độ của cán bộ khác hẳn các nước. Có tờ báo thậm chí kêu gọi 'giải phẫu nụ cười' cho công chức Việt Nam".

Ông Ngọ Duy Hiểu đặt câu hỏi cho các công chức trẻ: Nở một nụ cười với dân khó thế sao?

Phó Vụ trưởng Vụ CCHC Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng nêu yêu cầu cán bộ thường xuyên cập nhật TTHC, nhất là những thủ tục phức tạp về đất đai, xây dựng, kinh doanh, môi trường, việc làm... để hướng dẫn nhân dân và doanh nghiệp một cách hiệu quả.

Ông Hùng cho biết Vụ đang nghiên cứu đưa ra bộ chỉ số đo mức độ hài lòng của người dân đối với cơ chế một cửa nói riêng và công tác CCHC nói chung.

Trong khi ông Hùng đánh giá cao việc Hà Nội sớm ban hành nghị quyết của Thành uỷ về CCHC thì Phó Bí thư Nguyễn Công Soái một lần nữa nhấn mạnh: "Quyết tâm CCHC của thành phố có làm được hay không chính là từ từng cán bộ làm việc trực tiếp với dân và doanh nghiệp".

"Hà Nội cố gắng trở lại vị trí ban đầu trên bảng xếp hạng PCI, nhưng quan trọng hơn là bớt đi được những lời kêu ca phàn nàn của người dân và doanh nghiệp", ông Soái nói.

Chung Hoàng