- Mục tiêu của công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) năm nay là cắt giảm ít nhất 30% chi phí tuân thủ đối với 24 nhóm TTHC trọng tâm.
24 nhóm này gồm trên 300 TTHC, quy định liên quan đến một số vấn đề như đăng ký kinh doanh; thương mại và vận tải; thuế; bảo hiểm; xuất khẩu; bảo vệ người tiêu dùng; y tế, thuốc; quản lý cư trú...
"Đây là những quy định còn gây nhiều bức xúc, là rào cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, cần rà soát, tháo gỡ 'nút thắt' để tiếp tục cắt giảm gánh nặng hành chính, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế", ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC cho biết tại buổi khai mạc chương trình tập huấn nghiệp vụ hôm nay (19/3).
Theo ông Phan, các nhóm TTHC này được lựa chọn trên cơ sở tham vấn ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về những khó khăn trong quá trình thực hiện TTHC, cũng như trên cơ sở khảo sát, đánh giá thực tiễn, trao đổi với các bộ, ngành, địa phương.
"Nhưng không chỉ dừng lại ở 24 nhóm này, mỗi bộ, ngành, địa phương cũng sẽ có những nhóm quy định TTHC trọng tâm của mình để tiến hành rà soát, cắt giảm", ông Phan nói.
Ông Ngô Hải Phan: Thủ tướng yêu cầu tiến hành việc rà soát nghiêm túc. Ảnh: Chung Hoàng |
Rà soát là chuyện bình thường
Theo ông Ngô Hải Phan, điểm mới của lần rà soát, cắt giảm này là xem xét các TTHC một cách hệ thống, tổng thể: "Trước đây, theo Đề án 30, ta lựa chọn từng TTHC theo các tiêu chí cần thiết, hợp lý, hợp pháp, hiệu quả. Với 24 nhóm này, ta sắp xếp những thủ tục liên quan trên cơ sở sơ đồ hoá theo một chuỗi tổng thể, xem xét tính logic của chúng, đi sâu vào từng thủ tục nhỏ để xem xét tiếp theo các tiêu chí trên, rồi đưa ra phương án cải cách mạnh mẽ, tổng thể hơn".
Một điểm mới nữa là đề cao trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan hành chính. Các bộ, ngành, địa phương sẽ đứng ra chủ trì việc rà soát các TTHC để đề xuất cắt giảm, các cơ quan phối hợp sẽ tham gia cùng. "30% chi phí tuân thủ cắt giảm được là tính theo các nhóm quy định TTHC, không tính đơn lẻ từng thủ tục, vì vậy trách nhiệm của cơ quan chủ trì và các cơ quan phối hợp được đề cao ngang nhau", ông Phan cho biết.
Theo quyết định mới của Thủ tướng, các bộ, cơ quan ngang bộ và 6 địa phương gồm Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Long An, Cần Thơ sẽ phải triển khai và hoàn thành việc rà soát, cắt giảm này đạt mục tiêu 30% trước ngày 31/8. "Thủ tướng yêu cầu tiến hành rà soát nghiêm túc, các bộ, ngành, địa phương làm hình thức, chất lượng kém và không đạt chỉ tiêu 30% sẽ phải giải trình", ông Phan nói.
Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, do khoa học quản lý và trình độ cán bộ thay đổi, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu của cuộc sống cũng thay đổi, thêm việc ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng phổ biến, TTHC ngày hôm nay có thể còn phù hợp nhưng vài năm sau sẽ không còn phù hợp nữa, nên "việc thường xuyên xem xét các TTHC để rà soát, cắt giảm, loại bỏ những quy định không còn cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, ngăn chặn nhũng nhiễu, tiêu cực phát sinh, là hết sức bình thường".
Sau khi kết thúc giai đoạn 2 của Đề án 30, trên 3.000 TTHC đã được đơn giản hoá. Để đề phòng các TTHC vừa được cắt giảm lại 'mọc ra', Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các ban soạn thảo, tiến hành đánh giá tác động đối với các TTHC dự kiến ban hành để kịp thời loại bỏ từ khâu dự thảo những quy định, TTHC không phù hợp.
Thủ tướng cũng yêu cầu trong năm 2012, các bộ, ngành, địa phương công khai, minh bạch đầy đủ các quy định về TTHC tại 4 cấp chính quyền để người dân tiếp cận, thực hiện và giám sát việc thực hiện. Các địa phương cũng phải định kỳ báo cáo Thủ tướng việc giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức, nêu rõ tổng số hồ sơ đã tiếp nhận, bao nhiêu TTHC được giải quyết, số lượng tồn động, nguyên nhân tồn động và hướng khắc phục..., ông Phan cho biết.
Chung Hoàng