- Cho hay Hà Nội sẽ thí điểm lấy phiếu tín nhiệm cán bộ được bầu trong Đảng, chính quyền ở tất cả các cấp, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nói ông sẵn sàng để mọi người bỏ phiếu tín nhiệm về năng lực và uy tín công tác của mình.
Ông Nghị khẳng định trong cuộc trao đổi với báo chí bên lề hội nghị cán bộ chủ chốt thành phố học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4, Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị và 9 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội, sáng nay tại Hà Nội.
Ông Phạm Quang Nghị: Khi chưa có cơ chế lấy phiếu tín nhiệm, việc đánh giá cán bộ rất khó, người bảo tốt, người bảo không... Ảnh: XLinh |
Ủng hộ tính ưu việt của cơ chế lấy phiếu tín nhiệm, ông Nghị cũng cho hay: "Trước kia đánh giá cán bộ sau nhiệm kỳ 5 năm mới đánh giá một lần, nên có chuyện có cán bộ 3 năm đầu thờ ơ chủ quan với công việc, năm cuối cùng lại cố gắng phấn đấu hoặc không lại tranh thủ đi vận động lá phiếu. Mỗi năm lấy tín nhiệm một lần sẽ có tác dụng tích cực trong việc đánh giá và bố trí cán bộ".
Bỏ phiếu tín nhiệm về uy tín, năng lực cán bộ là một trong những nội dung mới của công tác chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 mà Bí thư Hà Nội đặc biệt nhấn mạnh tại hội nghị.
Ông Nghị cho hay, những đánh giá,
nhận xét chung về cán bộ thường chỉ "định tính", còn việc bỏ phiếu tín nhiệm
theo một quy trình, thủ tục sẽ "định lượng" rõ ràng hơn về chất lượng năng lực,
uy tín của các cán bộ được bầu. Thời gian giới hạn không quá 2 năm sẽ là sức
ép và cơ hội cho cả người có năng lực và người không có năng lực. Người không đủ
năng lực, uy tín, sau 1 năm lấy phiếu tín nhiệm không thể khắc phục, cải thiện
sẽ bị thay thế, mà không cần chờ đợi hết nhiệm kỳ hay độ tuổi công tác như quy
định.
Hà Nội sẽ lấy phiếu tín nhiệm cán bộ |
Ông cũng bác bỏ cách "suy nghĩ một chiều" từng có trước đây khi tư duy về áp dụng cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm, đó là việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm làm ảnh hưởng đến quá trình công tác của cán bộ, lãnh đạo. Theo ông, phải tư duy rõ ràng rằng ai làm tốt, kết quả bỏ phiếu tín nhiệm sẽ củng cố uy tín, năng lực, ai làm không tốt, kết quả bỏ phiếu tín nhiệm sẽ cho thấy rõ giới hạn khả năng để mỗi cán bộ phải tự điều chỉnh hoặc rút lui nếu không đủ năng lực.
Đối với Hà Nội, Bí thư khẳng định sẽ làm tốt quy trình, thủ tục này và làm ở tất cả các cấp, mở rộng đối tượng tham gia đánh giá tín nhiệm.
Để làm tốt quy trình này, ông Nghị cũng nhấn mạnh một trong những giải pháp cần làm tốt là việc mỗi cán bộ, đảng viên phải trung thực, thẳng thắn trong kiểm điểm, tự phê bình và phê bình về quá trình công tác theo cương vị công tác.
Tại hội nghị, ông cũng nhắc nhở các cán bộ, đảng viên cần khắc phục hai khuynh hướng suy nghĩ: thiếu tin tưởng ở những giải pháp mà chưa làm đã nghĩ không thể làm được, hoặc đây là việc chỉ làm một lần là xong.
"Tôi không nghĩ trong mọi trường hợp kết quả bầu 99% tốt hơn 80%" - ông nói, đồng thời nhấn mạnh việc bỏ phiếu tín nhiệm phải hướng đến kết quả thực chất.
Một trong những giải pháp mà Thành ủy Hà Nội cũng nhấn mạnh thúc đẩy triển khai là ban hành cơ chế kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên. Kê khai tài sản từng được triển khai trước đây song chưa hiệu quả mà theo ông Nghị là do chưa có cơ chế kiểm tra, giám sát hữu hiệu.
"Kê khai tài sản mới chỉ là một nửa vấn đề, càng không phải nửa vấn đề quan trọng. Việc kiểm soát tiêu dùng cá nhân, làm thế nào kiểm tra được nguồn tài sản mua từ tiền ở đâu thì chưa làm được" - ông nói. Điều này liên quan mật thiết công tác chống tham nhũng hiệu quả mà Hà Nội thời gian tới sẽ đẩy mạnh, cùng với cải cách thủ tục hành chính, cải cách tiền lương.
Linh Thư