- Huy động toàn bộ hệ thống chính trị cho công tác an toàn giao thông trên cả nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay Chính phủ đặt mục tiêu sẽ vượt gấp đôi chỉ tiêu Quốc hội giao về giảm tai nạn giao thông và ùn tắc. Riêng với 2 thành phố lớn : Hà Nội và TPHCM, chỉ tiêu phấn đấu giảm đến 70% số người chết cũng như số vụ tai nạn giao thông.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về công tác đảm bảo an toàn giao thông quý I/2012 diễn ra sáng nay 21/3. Điểm đầu các tỉnh chủ trì tham gia cuộc họp là Chủ tịch tỉnh, Phó Chủ tịch tỉnh cùng lãnh đạo cấp cao nhất các sở, ban, ngành.
Hoán cải xe, phá hủy đường sá
Báo cáo nhanh về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông quý I, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho hay, tình hình tai nạn đã giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm. 2 tháng đầu năm toàn quốc xảy ra 1.940 vụ tai nạn, làm chết 1.665 người, bị thương 1.481 người. So với cùng kỳ năm 2011 đã giảm 1,808 vụ (tương đương 48,24%). Tuy nhiên, với tổng số 1.665 người chết trong 2 tháng, xấp xỉ 10% số người chết, Bộ trưởng Thăng đánh giá đây vẫn là tỷ lệ "rất lớn".
Ông cũng đặc biệt lưu ý tình trạng hoán cải xe, nâng tải trọng lên gấp đôi, gấp rưỡi, "góp phần" phá hủy đường sá. Bộ trưởng chỉ đạo các Sở GTVT các tỉnh thành tuyệt đối không tiếp tục cấp giấy phép hoán cải xe như xe 20 tấn chở 40, thậm chí 60 tấn) và sẽ kiểm soát lại, nếu việc cấp giấy phép hoán cải này sai sẽ thu hồi.
Theo thống kê, có 4 tỉnh thành có số lượng người chết vì tai nạn giảm trên 50%, 9 tỉnh giảm 40-50% (trong đó có TPHCM), 7 tỉnh giảm 30-40%, 11 tỉnh giảm 20-30% (trong đó có Hà Nội), 14 tỉnh giảm 10-20%, 6 tỉnh giảm từ 1-10%, 5 tỉnh không tăng giảm. Tuy nhiên, ở nhiều tỉnh thành khác lại có số người chết vì tai nạn tăng cao bất thường như Kon Tum, Quảng Ngãi, Long An, Hậu Giang, Thái Bình, Bình Phước, Bình Định.
Ảnh: XLinh |
Nằm trong nhóm tỉnh "điểm đen" về giao thông, Kon Tum bị đánh giá là tỉnh điển hình về số tai nạn chết người tăng. Tại địa phương này, số vụ tai nạn được ghi nhận giảm khá song số người chết do tai nạn lại cao. Với tinh thần báo cáo thực, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Phạm Thanh Hà nói : “Chúng tôi tự thấy cần nghiêm túc chỉ đạo hơn nữa”.
Quảng Ngãi ngay từ đầu năm đặt nhiệm vụ giảm tai nạn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm nên toàn tỉnh đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp ủy ban an toàn giao thông quốc gia ban hành. Song Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa cho hay tình hình chuyển biến tương đối phức tạp, tai nạn tăng cao trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương). "Thực tế, lực lượng công an đã triển khai quyết liệt nhưng kết quả vẫn không đạt mục tiêu"- ông nói.
Long An trong hai tháng đầu năm ghi nhận số vụ tai nạn giao thông giảm 44 nhưng số người chết lại tăng 8 người. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, ông Nguyễn Thanh Nguyên, nguyên nhân số vụ tăng lên ở các tuyến đường huyện, tỉnh, đặc biệt những tuyến đường đang nâng cấp. Đáng chú ý, trên 80% tai nạn do xe chạy quá tốc độ, nhất là lượng xe máy đi từ các tỉnh miền Tây về TPHCM tăng rất nhanh, rất lớn.
"Thực trạng đa phần do đi lấn làn đường. Tiến hành khảo sát các điểm đen, có nơi thiếu cọc tiêu biển báo, thiếu gờ giảm tốc, chưa có vạch kẻ đường nên có hiện tượng đi lấn làn, sai làn… Có khi chỉ một ổ gà trên đường mà 2 - 3 tháng vẫn như vậy, chưa sửa, lấp được. Đó là do trách nhiệm người đứng đầu" - ông nói.
Nhiều địa phương ghi nhận những bước cải thiện được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương như TP HCM mạnh tay giam giữ xe đua vi phạm với mức 500 nghìn đồng/ngày, An Giang năng xử phạt mạnh thu hơn 70 tỷ đồng/năm, Thái Bình kiên quyết buộc kinh doanh, bán hàng trong nhà, không chiếm dụng vỉa hè, Đà Nẵng triệt các điểm đen tai nạn, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 650 trường hợp, mở nhà máy sản xuất mũ bảo hiểm....
Phạt mạnh để răn đe
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Phạm Quý Ngọ lưu ý thực trạng bất ổn an toàn giao thông ở khía cạnh hành vi chống người thi hành công vụ tăng đột biến, đến 220% trong năm 2011. Mặc dù thực trạng này đã có dấu hiệu giảm dần nhưng ông cũng cho rằng, đó là hệ quả của việc không xử phạt nghiêm, mà điển hình những trường hợp xử lý hình sự những vụ tai nạn nghiêm trọng chưa nhiều, nhất là ở các tỉnh miền Bắc. Thứ trưởng Công an thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân đó là nạn "chung chi".
Trên cơ sở đó, ông kiến nghị Chính phủ tăng mức bồi dưỡng cho cảnh sát giao thông từ mức 15% hiện nay lên 30% từ khoản tiền phạt thu được để tránh tình trạng “chung chi”. Để mạnh tay trấn áp nạn đua xe trái phép, ông cũng đề xuất tịch thu xe đua trái phép dù chính chủ hay không, tiêu hủy xe hỏng, nâng thẩm quyền xử phạt của công an lên mức 2 triệu đồng để tránh phiền hà, tâm lý ngại khi xử lý vi phạm.
Ông Vũ Minh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, giám đốc Kênh phát thanh giao thông (VOV giao thông) cho hay, với mỗi ngày nhận 10.000 cuộc điện thoại từ thính giả, VOV giao thông ghi nhận thực trạng vi phạm giao thông phần lớn từ người sử dụng xe gắn máy. Nhiều thính giả đã mạnh dạn hiến kế các cơ quan quản lý để chấn chỉnh, cần xử phạt nặng và nghiêm đối với vi phạm, đặc biệt, tiến hành thu giữ vĩnh viễn xe gắn máy vi phạm đã hỏng hóc, cũ hàng chục năm.
Xử phạt nặng, nghiêm, lần hai vi phạm xử nặng hơn lần một cũng là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông đồng tình, phải xử phạt mạnh và nghiêm đủ để mức răn đe như TP HCM vừa qua đã làm.
"Như TP HCM, với mức phí giam xe 500 nghìn/ngày, tạm giữ từ 1-3 tháng là đủ "tiêu" giá trị phương tiện. Phạt nhiều hơn, mạnh hơn, kiên quyết hơn, vi phạm lần sau phải phạt nặng hơn lần trước” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Ông cũng đề nghị Viện kiểm sát, Tòa án truy tố, xử lý nghiêm trường hợp những người chống đối người thi hành công vụ về giao thông. Ngoài ra, đẩy mạnh xử lý điểm đen tai nạn giao thông đường bộ, đưa ra lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân. Phó Thủ tướng giao Bộ Công an và Bộ Tài chính xây xựng phương án xử phạt vi phạm qua tài khoản ngân hàng.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng cho hay Chính phủ đặt mục tiêu sẽ vượt gấp đôi chỉ tiêu Quốc hội giao về giảm tai nạn giao thông và ùn tắc. Theo đó, mỗi năm giảm từ 20 đến 30% số vụ tai nạn, thay cho 5-10% như chỉ tiêu được giao và giảm nhiều hơn 20% số vụ ùn tắc trên 30 phút. Riêng với 2 thành phố lớn : Hà Nội và TPHCM, chỉ tiêu phấn đấu giảm đến 70% số người chết cũng như số vụ tai nạn giao thông.
Linh Thư