- 10 ứng viên gồm 3 nữ, 7 nam đã chính thức bước vào cuộc vận động bầu cử tổng thống Pháp: 4 chính gia từng trải, 3 đại diện cánh tả, 1 "chiến sĩ" bảo
vệ
môi trường và 2 nhà chính trị (tự phong) nằm ngoài hệ thống. Có người là cựu nhà báo viết về chính trường, hay nguyên dự thẩm viên lẫy lừng chuyên điều tra những vụ tham nhũng lớn.
Paris, 17h30 ngày 19/3, hơn một trăm phóng viên, ê-kíp truyền hình tập trung trước cổng và trong sân của Hội đồng Hiến pháp. Chỉ trong vài phút nữa, ông
Jean-Louis Debré, chủ tịch hội đồng, sẽ chính thức tuyên bố danh sách các ứng cử
viên của cuộc bầu cử tổng thống Pháp nhiệm kỳ
2012-2017.
Đúng giờ, trên trang web của Hội đồng Hiến pháp công bố có 10 ứng cử
viên chính thức, thay vì 9 như các chuyên gia đã dự đoán. Điều bất ngờ
đến từ ông Jacques Cheminade, một quan chức cấp cao đã về hưu, ứng viên độc lập,
không thuộc về đảng lớn nào.
Và đây là danh sách của 10 ứng cử viên xếp theo thứ tự rút thăm:
1. Bà Nathalie Arthaud, giáo viên kinh tế, 42 tuổi, của đảng Lutte ouvrière
(LO), tạm dịch "Tranh đấu cho công nhân". Bà Nathalie Arthaud nổi tiếng về đấu
tranh cho sự bình đẳng nam - nữ và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ. Đánh giá qua số
lượng thành viên, đại biểu quốc hội... LO là một đảng nhỏ, khuynh hướng "cực
tả", nằm trong thiên hà của đảng Cộng sản Pháp (PCF). Chính xác là nằm "bên
trái" của PCF.
2. Ông François Bayrou, GS văn học cổ điển, 61 tuổi, của "Mouvement démocrate"
(MoDem - Phong trào dân chủ). Ông được đánh giá là "đàng hoàng" và "trong sạch".
Xuất phát từ đảng Union pour la France (UDF - Liên minh cho nước Pháp), đảng
MoDem nằm ở "khối trung lập", không "hữu" không "tả", cũng là một đảng phái quan
trọng có tiếng tăm và lâu đời ở Pháp. Vài cựu tổng thống, như ông Valéry Giscard
d'Estaing, cựu thủ tướng như ông Édouard Balladur và khá nhiều nguyên bộ trưởng
và đương thời là thành viên của MoDem. Ngày hôm nay, thời vàng son của MoDem đã
qua. Từ 34 đến 70 đại biểu quốc hội trong quá khứ, đảng của ông François Bayrou
hiện chỉ còn 3 đại biểu (tính luôn cả ông). Mặc dù vậy, đảng này vẫn giữ được
nhiều thiện cảm trong dư luận.
3. Ông Jacques Cheminade, 71 tuổi, chuyên gia về kinh doanh quốc tế và quan chức
cấp cao của Bộ Kinh tế đã về hưu. Đảng của ông tự lập lấy tên Solidarité et
progrès (S&P - Đoàn kết và tiến bộ). Cá nhân và chính sách của ông Cheminade
được các chuyên gia về chính trị học đánh giá là "mờ ảo", "mờ ám", "lơ lửng từ
bảo thủ, đến cực hữu". Trước đây, ông đã từng ứng cử 2 lần nhưng không thành
công vì không tập hợp được đầy đủ thủ tục và
quá ít phiếu (0,28%). S&P tuyên bố "tranh đấu chống lại chủ nghĩa độc tài của
tài chính quốc tế, của các ngân hàng toàn cầu..." và đề nghị "xây nhà máy công
nghiệp trên Mặt trăng"!
4. Ông Nicolas Dupont-Aignan, 51 tuổi, chuyên gia về chính trị, luật và quản lý
kinh tế, nguyên cố vấn chính phủ, hiện tại là thị trưởng quận Yerres (ngoại ô
Paris). Đảng Debout la République (DLR - tạm dịch là Cộng hòa phục hưng) thuộc
về bên hữu của cánh hữu trên bàn cờ chính trị Pháp. DLR tranh đấu cho "chủ quyền
tuyệt đối", cho "độc lập" chính trị, kinh tế, cho "bản sắc riêng" của Cộng hòa
Pháp trước ảnh hưởng và thế lực lãnh đạo ngày càng mạnh của hội đồng Liên minh
châu Âu (EU).
5. Ông François Hollande, 58 tuổi, chuyên gia về chính trị, luật và quản lý kinh
tế, quan chức cao cấp của hành chính Pháp, nguyên bí thư và chính trị gia hàng
đầu của đảng cánh tả Xã hội (PS). Ứng cử viên này tuyên bố nếu đắc cử sẽ "xây
dựng một nước Pháp và EU trong tinh thần xã hội, chú ý đến tầng lớp nghèo...".
Chương trình chính trị của đảng Xã hội bị phe tả của cánh tả chỉ trích là "nói
chuyện về người nghèo trong lúc đang cầm li rượu sâm-panh...". Ông François
Hollande được đánh giá là đối thủ chính và đáng sợ của Tổng thống - ứng cử viên
Nicolas Sarkozy. Hiện các viện nghiên cứu và thăm dò dư luận cho ông François
Hollande thắng cuộc trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
6. Bà Eva Joly, 69 tuổi, người gốc Na Uy, nguyên dự thẩm viên lừng lẫy và được
khâm phục của tòa án Paris, chuyên điều tra những vụ tham nhũng lớn ở tầm quốc
gia và quốc tế. Bà là ứng cử viên của đảng liên hiệp Europe Écologie - Les Verts
(EELV), tạm dịch "Châu Âu: sinh thái và môi trường xanh". Bà Eva Joly đề nghị
"tăng trưởng vai trò chính trị và pháp lý của EU và từ bỏ các công nghệ hạt
nhân".
7. Bà Marine Le Pen, 44 tuổi, luật sư thuộc đảng cực hữu Front national (FN). Bà
là con gái của nguyên lãnh đạo đảng FN Jean-Marie Le Pen, chính trị gia cực hữu
đầu tiên đã vào được chung kết của cuộc bầu cử tống thống năm 2007, đối đầu với
ông Nicolas Sarkozy (đắc cử sau đó). Được xem là "kỳ thị chủng tộc, chống Liên
minh châu Âu...", bà Marine Le Pen tranh đấu cho một "nước Pháp thuộc về người
Pháp... da trắng và công giáo". Bà cũng là một đối thủ đáng ngại của ông Nicolas
Sarkozy và François Hollande, 2 người được dự đoán sẽ vào chung kết.
8. Ông Jean-Luc Mélenchon, 61 tuổi, nguyên nhà báo viết về chính trường,
nguyên bộ trưởng, đại biểu quốc hội Liên minh châu Âu và chính trị gia của đảng
cánh tả Front de gauche (FG - Mặt trận cánh tả). FG nằm ở "bề trái" của đảng Xã
hội, đảng trước đây của ông Jean-Luc Mélenchon. "Mặt trận cánh tả" bao gồm đảng
Cộng sản Pháp, một số đảng nhỏ có khuynh hướng Cộng sản và cực tả. Ứng cử viên
của FG hứa sẽ "đem lại sự công bằng xã hội, giảm chênh lệch giàu nghèo, đặt kinh
tế tư bản dưới sự kiểm soát của người lao động". Ông Jean-Luc Mélenchon cho ông
Nicolas Sarkozy là "đối thủ phải hạ gục".
9. Ông Philippe Poutou, 45 tuổi, công nhân cơ khí công ty xe Ford và chiến sĩ
của CGT, một công đoàn của đảng Cộng sản Pháp. Ông đại diện cho đảng cực tả
Nouveau parti anticapitaliste (NPA - Tân đảng chống chủ nghĩa tư bản). Chương
trình của ông Philippe Poutou bao gồm: quốc hữu hóa lại nền kinh tế của Pháp
(tập đoàn, ngân hàng, trường học, lên lương, đánh thuế nặng vào người giàu, cấm
sa thải công nhân... Một sự kiện bất ngờ đã xảy ra ngày 21/03: các lãnh đạo của
đảng NPA kêu gọi ủng hộ và dồn phiếu cho... ông Jean-Luc Mélenchon. Ứng viên
chính thức của NPA tuyên bố "sẽ tiếp tục cuộc chiến" nhưng theo các chuyên gia,
ông Philippe Poutou sẽ bị cô lập và không đi đến đâu.
10. Ông Nicolas Sarkozy, 57 tuổi, nguyên luật sư, nguyên bộ trưởng, chính trị
gia cánh hữu và đương kim Tổng thống Pháp. Ông đại diện cho liên minh cánh hữu
Union pour un mouvement populaire (UMP - Liên hiệp cho phong trào nhân dân). UMP
tập hợp các đảng phái cánh hữu truyền thống và lâu đời của Pháp. Cá nhân ông
Nicolas Sarkozy gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận, ngay trong chính
cử tri của cánh hữu: cực ghét và cực ái mộ. Chương trình hành động của ông cho
nhiệm kỳ 2012-2017, nếu được tái cử, là phục hồi nền kinh tế. Ông tuyên bố "sẽ
tranh đấu cho tất cả công dân Pháp, cho nước Pháp, không phân biệt lý tưởng
chính trị".
Cuộc bầu cử tổng thống Pháp sẽ diễn ra
qua 2 vòng: vòng loại ngày 22/4 và "chung kết" ngày 6/5.
Võ Trung Dung (từ Paris)