- Giống những người tiền nhiệm từng phải trả lời ở QH các khóa trước, ngay ở phút đầu tiên phiên chất vấn của Thường vụ QH chiều nay, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã được hỏi về chạy chức.


Người chất vấn Bộ trưởng là Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Lê Như Tiến. Ông dẫn vụ việc phát hiện đường dây sinh viên học hộ, thi hộ cán bộ công chức gần đây ở Đồng Nai để chỉ ra “bằng thật, chất lượng giả đã được bổ sung vào hồ sơ tuyển dụng và bổ nhiệm công chức”.

Theo ông Tiến, thực trạng này là do việc tuyển dụng còn dựa nhiều vào hồ sơ, bằng cấp mà chưa coi trọng chất lượng và năng lực làm việc thực sự của ứng viên, từ đó dẫn đến tâm lý chạy điểm, chạy bằng ở những người muốn vào khu vực công.

Ông Tiến thấy đây chính là nguyên nhân khiến “công chức chỉ 1/3 làm được việc, 1/3 phải cầm tay chỉ việc, còn 1/3 cầm tay chỉ việc mà vẫn không biết làm” như một ĐB đã nói tại QH khóa trước. Ông muốn biết Bộ Nội vụ sẽ làm gì để cải thiện tình trạng này, đảm bảo chất lượng công chức.

Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình: Sẽ hạn chế tình trạng “học giả, bằng thật”

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình trả lời rằng theo luật Công chức, việc tuyển dụng hiện nay đã có đổi mới: “Không phải thi tập trung tất cả thí sinh, mà có phần thi kiến thức chung, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học…, trong đó, thi chuyên môn nghiệp vụ chiếm phần lớn điểm, mang tính quyết định kết quả”.

Ông Bình hứa sẽ có sự phối kết hợp giữa Bộ Nội vụ và các bộ, ngành, địa phương để hạn chế tình trạng “học giả, bằng thật” trong thực tiễn.


Ông cũng chỉ hứa Bộ Nội vụ sẽ tiếp thu để nghiên cứu cơ chế khắc phục khi ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) nêu dư luận về việc
“vào được một số vị trí trong cơ quan nhà nước có thể tốn hàng chục triệu đồng”, dù ông Bình thừa nhận đây là vấn đề bức xúc từ lâu trong thực tế.

ĐB Trương Minh Hoàng, Phó đoàn ĐBQH Cà Mau lại băn khoăn về việc gần đây một số địa phương trong tuyển dụng công chức đã từ chối người học tại chức, dân lập.


Bộ trưởng cho biết Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo chấn chỉnh việc này. Ông khẳng định trước mắt không có chủ trương phân biệt loại hình đào tạo trong tuyển dụng công chức.


“Tuyển dụng theo chuyên ngành, theo vị trí việc làm như hiện nay sẽ có nội dung thi phù hợp”,
ông Bình nói. “Nếu công khai, dân chủ, minh bạch, trật tự, kỷ cương trong tuyển dụng, các bạn trẻ sẽ tham gia ứng tuyển mà không phải lo về loại hình đào tạo”.

Cơ chế tiến cử người tài


Trước phản ánh của ĐB Bùi Thị An rằng “
công chức đang bị dân chê nhiều”, Bộ trưởng Bình tranh thủ thông báo về đề án cải cách công chức, công vụ mà Bộ được giao soạn thảo, cũng là một trong những trọng tâm hoạt động của Chính phủ nhiệm kỳ này.

Ông cho biết trong đề án sẽ có các biện pháp giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của công chức, chế độ từ chức, cách chức đối với những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ cũng như chính sách tiến cử người tài …


Cụ thể, Bộ Nội vụ đang xây dựng và sẽ sớm trình Nghị định về phát hiện, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài và Nghị định về tiến cử người tài vào khu vực công.


Bộ trưởng Nội vụ tin tưởng đề án sẽ giải quyết được toàn diện vấn đề trong tương lai. Còn trước mắt, ông Bình nhấn mạnh lại
“việc tuyển dụng phải đúng người, đúng việc theo luật Công chức, viên chức, theo nguyên tắc minh bạch, công khai, dân chủ, công tâm, khách quan, công bằng…”.

Ông Bình cũng cho biết đã bước đầu triển khai tuyển dụng theo vị trí việc làm và đề cao năng lực trình độ, xét tuyển thông qua kết quả học tập và phỏng vấn trực tiếp. Các bộ, ngành, địa phương cũng được chủ động hơn trong đào tạo, bồi dưỡng công chức phù hợp với nhu cầu.


Sau lương sẽ cải cách ngạch, bậc


Câu chuyện lương, phụ cấp cho công chức quá thấp, không đủ sống và không động viên họ cống hiến cũng được nhiều ĐB nêu ra.


Trưởng đoàn ĐBQH Quảng Nam Trần Xuân Vinh, nhận định:
“Ngạch, bậc lương hiện nay còn nhiều bất cập, chưa có cơ chế lương linh hoạt đối với những người học nước ngoài về, có trình độ cao…, không thể khuyến khích người tài vào cơ quan nhà nước”.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết việc cải cách lương, phụ cấp đối với công chức sẽ có trong đề án Bộ Nội vụ soạn thảo để Chính phủ trình Hội nghị TƯ vào tháng 4 tới.
“Hướng chung của lộ trình cải cách tiền lương là xây dựng lương tối thiểu cho các khu vực xong mới điều chỉnh ngạch, bậc cho phù hợp”, ông Bình nói.

Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng hỏi Bộ trưởng sắp tới sẽ tính toán, xác định mức lương tối thiểu thế nào để đảm bảo “lương là giá cả sức lao động”.

Ông Bình cho biết Ban chỉ đạo tổng thể cải cách tiền lương giai đoạn 2013 - 2020 đã có 9 cuộc họp, cơ bản đã có lộ trình, bước đi để tính toán, nhưng còn phải xin ý kiến các cơ quan trung ương.

Được biết, tại kỳ họp QH cuối năm ngoái, đã có 10 chất vấn gửi đến Bộ trưởng Nội vụ. Sau kỳ họp, có thêm 21 chất vấn mới. Ông Nguyễn Thái Bình đã trả lời hầu hết các chất vấn này bằng văn bản.


Nhưng do là người đứng đầu một “siêu bộ” nắm rất nhiều vấn đề căn cốt của hệ thống chính quyền, ông Bình tiếp tục nhận được nhiều câu hỏi tại buổi chất vấn của Thường vụ QH chiều nay.


Phần lớn câu hỏi của ĐB nêu cụ thể vấn đề và đòi hỏi giải pháp từ Bộ Nội vụ, song theo nhận xét của người điều hành phiên chất vấn - Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu,
“Bộ trưởng Bình trả lời còn quá khái quát, chung chung”. Nhiều ĐB đã phải đứng lên hỏi lại vì chưa thỏa mãn với câu trả lời của Bộ trưởng.

Đối với hai vị Bộ trưởng được chất vấn hôm nay, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lưu ý trách nhiệm của mỗi người. “Chúng ta hoan nghênh những đề án, dự kiến mà các Bộ trưởng nêu ra, mong các Bộ trưởng chứng minh một cách tích cực và có kết quả bằng những chuyển biến thực sự trong chất lượng”.

“QH đã phê chuẩn các vị với số phiếu cao, các vị phải cố gắng đáp ứng lòng tin đó", ông Hùng nói.


Chung Hoàng