- "Chính phủ cần báo cáo Quốc hội về thu phí giao thông đường bộ vì đây là
vấn đề đang được cử tri cả nước quan tâm", Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An
ninh nói.
Kiến nghị được Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa nêu tại phiên họp sáng nay (27/3) của Ủy ban Thường vụ về chuẩn bị kỳ họp thứ 3 của Quốc hội diễn ra tháng 5 sắp tới.
Cùng với vấn đề thu phí, ông cũng kiến nghị Chính phủ báo cáo việc thực hiện lệch giờ học giờ làm thí điểm thực hiện vừa qua nhằm đánh giá tổng thể về tác động của chính sách này.
Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha cũng cho hay “hiện người dân đang rất quan tâm đến việc Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất thu phí lưu thông phương tiện”. MTTQ đã đề nghị Bộ gửi đề án đó cho Mặt trận để phản biện.
Dân trông chờ rất nhiều vào quyết định của Quốc hội đối với đề xuất thu phí giao thông đường bộ. Ảnh: Minh Thăng |
“Người dân trông chờ rất nhiều vào quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội đối với đề xuất này bởi quyết như thế nào dân sẽ phải chịu thế”, ông Pha nói.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng tán thành vì “đề xuất thu phí giao thông đang là vấn đề nóng bỏng, nhiều ý kiến khác nhau”.
Xem xét thông qua luật Biển
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về nhiều nội dung của kỳ họp sắp tới của Quốc hội, trong đó có đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Theo chương trình dự kiến, ngay trong ngày làm việc đầu tiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trình bày tờ trình về đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và nghe báo cáo thẩm tra đề án này.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay đây là nội dung đặc biệt quan trọng, có ý định hướng cho việc thảo luận các nội dung kinh tế, xã hội và ngân sách nhà nước. Để đảm bảo quyết sách của Quốc hội là đúng đắn, góp phần giải quyết triệt để những khó khăn, hạn chế của nền kinh tế, cần dành thời gian thỏa đáng để thảo luận.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng của đề án, đề nghị Chính phủ ngoài chuẩn bị báo cáo đề án riêng, báo cáo chung về tình hình kinh tế - xã hội cũng có mục đề cập đến đề án tái cơ cấu nền kinh tế. Phó chủ tịch Uông Chu Lưu thì đề nghị truyền hình trực tiếp khi Thủ tướng trình đề án và phiên thảo luận của Quốc hội để cử tri theo dõi.
Kỳ họp thứ ba Quốc hội sẽ diễn ra từ 21/5 đến 22/6, Quốc hội sẽ thông qua 13 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 7 dự luật khác. Luật Biển Việt Nam sau nhiều kỳ họp thảo luận cũng dự kiến được đưa ra xem xét, thảo luận và thông qua. Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho hay, đến nay, dự án luật Biển Việt Nam "cơ bản không còn vấn đề gì".
Điểm rất mới của kỳ họp tới là một số phiên thảo luận về các dự án luật Bộ luật Lao động (sửa đổi), luật Xử lý vi phạm hành chính dự kiến sẽ được truyền hình trực tiếp.
Linh Thư