Tờ báo dẫn lời Trương Vân Lĩnh, giám đốc Viện Nghiên cứu quốc tế thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc nói: "Đa số các vùng biển tranh chấp đã vượt quá tầm tay của chúng tôi vì chúng tôi hiếm khi đặt tuyên bố chủ quyền của mình vào hành động”.
"Bằng việc vẽ một bản đồ, đất nước có thể củng cố tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và có những hành động xa hơn như khai thác nguồn tài nguyên gần quần đảo Nam Sa”, ông Trương nói. (Trung Quốc gọi Biển Đông là Biển Nam Trung Hoa, gọi hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là Tây Sa, Nam Sa - ND).
Ảnh: Diplomat |
Báo cáo còn nhấn mạnh, công việc lập bản đồ tương tự cũng sẽ được thực hiện với quần đảo Điếu Ngư và các khu vực quan trọng khác tại biển Hoa Đông khi thời gian cho phép. Quần đảo này không có người ở nhưng lại có vị trí chiến lược, cũng là trung tâm của cuộc tranh cãi ngoại giao kéo dài giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Nhật Bản gọi đó là quần đảo Senkaku. Senkaku/Điếu Ngư hiện nằm dưới sự kiểm soát của Tokyo nhưng Bắc Kinh lại tuyên bố có chủ quyền.
Báo cáo của NASMG nhấn mạnh, 13 cơ quan chính phủ tham gia tổ công tác nói trên gồm bộ Ngoại giao, Công an và Thương mại. "Chúng tôi đang tiến hành các công việc có liên quan và chi tiết sẽ được thông báo ở thời gian thích hợp”, một quan chức thuộc văn phòng quản lý bản đồ của NASMG nói với Thời báo Hoàn cầu.
Tờ báo còn dẫn lời một nhà nghiên cứu họ Trịnh tại Viện quốc gia nghiên cứu Biển Đông nói, thông qua việc lập bản đồ, nhà chức trách có thể làm rõ các điểm cụ thể của cái mà họ gọi là “đường chín đoạn” hoặc “hình chữ U” bằng cách thiết lập các kinh độ, vĩ độ của chúng.
Gần đây, căng thẳng Biển Đông đã gia tăng. Năm ngoái, cả Việt Nam và Philippines đều mạnh mẽ lên tiếng phản đối cách hành xử gây hấn của Trung Quốc ở vùng biển này. Nhiều tàu thuyền Trung Quốc đã xâm nhập, quấy nhiễu hoặc làm hư hại các tàu cá, tàu thăm dò dầu khí của hai nước tại vùng biển mà hai nước tuyên bố chủ quyền.
Khi căng thẳng leo thang, Trung Quốc đã cảnh báo các láng giềng châu Á ngừng tìm kiếm dầu ở gần quần đảo Trường Sa (thuộc Biển Đông) đang tranh chấp, thậm chí còn thề sẽ khẳng định chủ quyền của mình với khu vực giàu tiềm năng dầu khí ở Biển Đông bất chấp chồng lấn chủ quyền với nhiều nước khác.
Biển Đông trải dài từ bờ biển phía tây của Singapore ở Đông Nam Á tới eo biển Đài Loan với diện tích khoảng 3.500.000 km vuông, bao gồm hơn 200 hòn đảo. Biển Đông chứa đựng khối lượng đáng kinh ngạc về đa dạng sinh học và tài nguyên biển, bao gồm trữ lượng dầu khí rất lớn, thủy sản và ước tính chiếm 30% các rạn san hô của thế giới. Đây là nơi diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và 4 quốc gia Đông Nam Á, trong đó Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền lớn nhất bằng cách công bố bản đồ 9 đoạn bao trùm hầu hết toàn bộ vùng biển.
Ngoài Biển Đông, Trung Quốc có tranh chấp với một số nước khác như Nhật Bản và Hàn Quốc về chủ quyền lãnh thổ tại biển Hoa Đông, Hoàng Hải.
Thái An (tổng hợp)