- Việt Nam sắp cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà
6 năm nữa, lương công chức tối thiểu chỉ 3 triệu đồng thì quá thấp.
Diễn đàn: Công chức muốn sống bằng lương
Gần một trăm độc giả đã gửi phản hồi sau khi đọc thông tin cố gắng đến năm 2018 điều chỉnh lương tối thiểu của công chức vào khoảng 3 triệu đồng/tháng do Vụ phó Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Bích Thu đưa ra.
Khi nào công chức thôi 'sợ' tăng lương? Ảnh minh họa: Bình Minh
|
Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020 được Thủ tướng phê duyệt có đưa ra mục tiêu: Đến năm 2020, lương cán bộ, công chức bảo đảm cho cuộc sống gia đình ở mức trung bình khá.
Vậy mà bây giờ các nhà hoạch định cải cách tiền lương lại đưa ra con số 3 triệu đồng lương tối thiểu vào năm 2018!
Một bạn đọc gửi phản hồi bức xúc: "Bản thân tôi cũng là công chức nhà nước. Với mức lương hiện nay đã là quá thấp so với mặt bằng xã hội. Nếu điều chỉnh đến năm 2018 mà mức lương là 3 triệu thì lại càng thấp hơn bởi đến tại thời điểm đó lương trung bình ngoài xã hội cũng tầm 6-7 triệu một tháng. Sống làm sao đây?".
Bạn đọc Phúc Nguyên khẳng định, lương tối thiểu 3 triệu vào năm 2018 là quá thấp: Ở vào thời điểm còn chưa đầy 2 năm là Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà lương của công chức khởi điểm như thế là quá thấp. Không hiểu các nhà hoạch định chính sách nghĩ gì, tính toán như thế nào? Với tư duy kiểu này, điệp khúc tiền lương đuổi theo giá cả vẫn lặp đi lặp lại".
Theo độc giả Hoàng Văn Hùng, "lương tối thiểu 3 triệu/tháng phải được thực hiện từ năm 2013 mới đủ sống và
tạm chống được tham nhũng".
Tội nghiệp cho công chức
Còn nhớ trong hội thảo tổng kết chương trình cải cách hành chính 2001-2010, Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Văn Vui đã bày tỏ mong muốn làm rõ chính sách tiền lương và có chuyển biến, để công chức "đàng hoàng hơn, đỡ kém, đỡ yếu thế, đỡ tủi thân".
Thế nhưng trong khá nhiều phản hồi gửi về, độc giả bày tỏ cuộc sống thật "phũ phàng" khi lương chưa tăng mà giá đã đi trước đó.
Bạn đọc Thu Hương viết: "Tội nghiệp cho công chức Việt Nam. Không biết đến năm 2018 thì tỷ lệ lạm phát của Việt Nam là bao nhiêu. Đến lúc đó 3 triệu đồng liệu giúp trang trải được bao nhiêu phần trăm chi phí cho cuộc sống đạm bạc của gia đình?".
Độc giả Nguyễn Văn cũng chia sẻ: "Tôi ăn lương nhà nước mà mỗi lần tăng lương tôi không mừng, bởi lương tăng một mà giá tăng nhiều lại càng chết". Bạn Thanh Sơn nói: "Chúng tôi xin các nhà hoạch định chính sách đổi lại lời cam kết. Đến năm 2018 không cần tăng lương công chức, và không còn lạm phát, có biện pháp hạ giá các mặt hàng thiết yếu. Còn cứ như tình hình hiện nay thì chỉ nghe tăng lương thôi đã thấy sợ".
Một độc giả khác chia sẻ: "Gia đình tôi hiện tại 4 người gồm 2 vợ chồng và 2 con nhỏ, sống tằn tiện một tháng cũng hết 14-15 triệu đồng. Đến năm 2018, tức 6 năm nữa, chẳng biết trượt giá bao nhiêu mà lương tối thiểu chỉ 3 triệu, giả sử cứ 1 người làm nuôi thêm 1 người thì với mức lương này họ sẽ sống ra sao?".
Rất nhiều bạn đọc bức xúc đặt ra câu hỏi: Xuất phát nào cho con số 3 triệu, con số ấy khi đưa ra đã tính tới lạm phát, tăng giá hay chưa, đã khẳng định được chuyện đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho công chức hay chưa? 3 triệu đồng năm 2018 mua được bao nhiêu rau, bao nhiêu thịt, bao nhiêu kg gạo?.
Lối đi nào?
Phần lớn độc giả gửi phản hồi cho rằng, cải cách lương cần làm ngay chứ không đơn thuần là đưa ra mục tiêu. Bạn đọc ở địa chỉ email congdung@... cho rằng: "Cần lo trước mắt chuyện điều chỉnh lương hàng năm theo giá, đề nghị lo cho công chức lương năm 2013 có đủ sống theo giá hay không trước đã".
Bạn Ngọc Sơn khẳng định: "Với sự điều chỉnh trên, không biết bao giờ mới yên tâm lương đảm bảo nhu cầu sống cơ bản và chăm sóc gia đình; toàn tâm, toàn ý phục vụ cộng đồng. Hiện nay mức sống trung bình 6 triệu đồng/tháng đã rất khó khăn cho công chức; trong khi đó còn bao nhiêu nhu cầu khác như: lo ăn học cho con, nhà cửa, sức khoẻ... Tôi thiết nghĩ để đảm bảo lương không tụt hậu với với điều kiện sống hiện tại, nên nâng mức lương tối thiểu là 3,2 triệu đồng và hàng năm sẽ điều chỉnh theo mức tăng GDP, tăng chỉ số CPI nhằm đảm bảo lương là thu nhập thực chất, chứ không phải là lương danh nghĩa".
Bạn đọc tên Năng thì cho rằng: "Khi nào công chức được tuyển dụng bằng năng lực thực sự, loại bỏ những người kém cỏi thì số lượng công chức có thể chỉ cần đến 1/4 mức hiện nay, nghĩa là lương có thể tăng gấp 4 lần, sẽ thừa sức sống bằng lương".
Thái An