Vượt qua Trung Quốc, Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050, một báo cáo cho biết.

Thành phố Surat của Ấn Độ. Ảnh surattrave

"Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2020, sau đó vị trí này sẽ bị Ấn Độ thay thế vào 2050", theo Báo cáo Thịnh vượng 2012 do Knight Frank & Citi Private Bank đưa ra.

Theo đó, kinh tế Ấn Độ sẽ đạt 85,97 nghìn tỉ USD tính về ngang bằng sức mua vào năm 2050, trong khi GDP của Trung Quốc sẽ đạt 80.020 tỉ vào thời điểm đó.

Mỹ - hiện là nền kinh tế lớn nhất thế giới - được dự báo tới 2050 có GDP là 39,07 nghìn tỉ USD.

Các quốc gia khác đứng trong top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ gồm Indonesia (thứ 4), Brazil (thứ 5), Nigeria (thứ 6), Nga (thứ 7), Mexico (thứ 8), Nhật Bản (thứ 9) và Ai Cập thứ 10.

Nếu tính về mức độ tăng trưởng từ 2010-2050, Ấn Độ sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ hai thế giới với tỉ lệ 8% trong giai đoạn này. Ở mức 8,5%, Nigeria sẽ là nền kinh tế gia tăng nhanh nhất, báo cáo nhấn mạnh.

Trong năm 2010, Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới với trị giá 3,92 nghìn tỉ USD so với mức 9,98 nghìn tỉ USD của Trung Quốc và Mỹ là 14,12 nghìn tỉ USD.

Báo cáo cho biết, Surat và Nagpur của Ấn Độ nằm trong số các thành phố tăng trưởng nhanh chóng trong năm 2050. "Nhóm năng động này gồm các thành phố chưa nổi hiện nay như Lâm Nghi, Kelamayi và Quý Dương ở Trung Quốc; Surat và Nagpur của Ấn Độ; Concepcion và Belem ở Mỹ Latin", báo cáo nhấn mạnh.

Thái An (theo India Times)