Thỏa thuận khởi động đàm phán FTA song phương được Bộ trưởng Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và Cao ủy Thương mại EU Karel De Gucht nhất trí tại cuộc gặp bên lề hội nghị ASEAN ở Phnompenh cuối tuần qua.
Theo đó, hai bên đã xác định phạm vi các chủ đề sẽ bàn trong các cuộc đàm phán FTA, bao gồm dỡ bỏ thuế nhập khẩu và hàng rào phi thuế quan, cũng như các vấn đề về sở hữu trí tuệ và cạnh tranh.
Cao ủy Thương mại châu Âu Karel De Gucht cho hay với quyết định này, EU mong muốn làm sâu sắc quan hệ thương mại và cải thiện môi trường kinh doanh giữa EU và Việt Nam.
“Hai nền kinh tế đều được hưởng lợi từ việc hợp tác gắn bó hơn. Từng bước cải thiện quan hệ thương mại, chúng ta sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho các nhà xuất nhập khẩu và khách hàng, cũng như đóng góp vào tăng trưởng của cả hai nền kinh tế”.
Ông Võ Trí Thành: FTA sâu sắc hơn và có những khía cạnh vượt ra ngoài một hiệp định về hợp tác hỗ trợ kinh tế. Ảnh: Chung Hoàng |
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, dự Hội nghị Thương mại ASEAN – EU diễn ra ngày 1/4 tại Phnompenh, cho hay, FTA giữa EU và Việt Nam đã được bàn bạc, trao đổi từ vài năm trở lại đây, với một nền tảng quan trọng là thỏa thuận hợp tác khung hai bên đã ký.
Ông Thành nhận định có hai khó khăn thường được nêu ra đối với quá trình đàm phán FTA này. Thứ nhất là sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa Việt Nam và EU. Đứng về khía cạnh hoạch định chính sách, cần một quá trình điều chỉnh để giảm thiểu chi phí điều chỉnh cũng như các tác động bất lợi vào từng nhóm ngành và nhóm xã hội.
Thứ hai, từ góc độ doanh nghiệp, câu chuyện rất thường tình là những doanh nghiệp có sức cạnh tranh kém sẽ thấy khó khăn với mức độ mở cửa trong tương lai.
Ông Thành cho biết Thủ tướng đã quyết định chính thức về việc trong các giai đoạn chuẩn bị, đàm phán và thực thi các hiệp định đều phải có sự tham gia tích cực và tiếng nói của doanh nghiệp.
Nhưng theo chuyên gia này, “vấn đề nan giải nhất nằm ở chỗ FTA sâu sắc hơn và có những khía cạnh vượt ra ngoài một hiệp định về hợp tác hỗ trợ kinh tế, ví dụ cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, môi trường, lao động…”
“Những kinh nghiệm, bài học từ các cuộc đàm phán khác, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ là cơ sở tốt để Việt Nam đàm phán với EU”, ông Thành nhận định.
Năm 2011, kim ngạch thương mại song phương đạt 18 tỷ euro, trong đó giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào EU đạt đến 13 tỷ euro, chủ yếu là hàng da giày, may mặc, cà phê, thủy hải sản, đồ nội thất. EU xuất khẩu vào Việt Nam các mặt hàng công nghệ cao như máy móc, thiết bị điện, máy bay, ôtô, dược phẩm, sắt thép.
Trong ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 5 của EU, trong khi EU là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Trung Quốc và Mỹ. Đầu tư của EU vào Việt Nam năm 2011 đạt 1.767 USD, chiếm 12% tổng vốn FDI Việt Nam nhận được trong năm.
Việt Nam và EU đã ký tắt Hiệp định hợp tác đối tác năm 2010 như một bước khởi đầu tiến tới thiết lập các quan hệ thương mại và chính trị chặt chẽ hơn.
Một cuộc điều tra về năng lực cạnh tranh của ASEAN cho thấy Việt Nam chỉ đứng sau Indonesia, nước đông dân nhất khu vực, được các doanh nghiệp ngoài khu vực chọn tiếp tục đầu tư trong 3 năm tới.
Trong cuộc điều tra do Hội đồng tư vấn thương mại ASEAN tiến hành, 88% trong số 405 doanh nghiệp được hỏi cho biết sẽ đầu tư hoặc tăng đầu tư vào ít nhất một trong các nước ASEAN trong thời gian từ nay đến 2014. 46% doanh nghiệp chọn Việt Nam.
Các doanh nghiệp này thấy ASEAN là khu vực có triển vọng đầu tư hấp dẫn nhất thế giới hiện nay, hơn cả Trung Quốc, cả về thị trường và sản xuất.
Chung Hoàng (từ Phnompenh)