Ông là một thành viên đã từng rất trung thành của một trong những chế độ quân sự cứng rắn nhất thế giới và giờ đây ông đang làm "sứt mẻ" một số trong những di sản tồi tệ nhất của chế độ ấy - khi ông quyết định thả tù chính trị, nới lỏng một phần quy định với báo chí và cho phép phe đối lập tham gia cuộc bầu cử quốc hội.

Câu chuyện tại sao U Thein Sein, Tổng thống của Myanmar, lại chuyển biến từ một người vốn cánh tay phải trong chế độ cũ trở thành một nhà vận động cho những thay đổi dân chủ vẫn còn rất nhiều bí ấn cũng như chuyện tại sao các nhà lãnh đạo của chế độ quân sự cũ lại cho phép ông làm những việc như vậy.
Nhưng trong nhiều cuộc phỏng vấn với những người từng chứng kiến sự thăng tiến của ông Thein Sein trong quân đội (gồm cả hai cố vấn) và một chuyến viếng thăm hiếm hoi tới quê hương ông, một bức tranh đã bắt đầu xuất hiện về người đàn ông đã luôn luôn có sự khác biệt so với những tướng tá đồng nhiệm.

Tổng thống Myanmar U Thein Sein và bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo phong trào dân chủ. Ảnh: Reuters
Ở tuổi 66, ông Thein Sein có dáng mảnh khảnh, trí thức và ôn hoà hơn so với các thành viên trong chế độ quân sự lên nắm quyền sau cuộc nổi dậy năm 1988. Ông được đánh giá là một nhân vật "sạch", không vướng vào tham nhũng - vấn nạn đã nhuộm đen rất nhiều tướng tá Myanmar. Thậm chí kể cả những người phê bình cũng phải thừa nhận rằng, vợ và các con gái ông đã tránh được sự phô trương hào nhoáng khác hẳn so với gia đình người tiền nhiệm của ông tại một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á.

Những cuộc phỏng vấn nối tiếp nhau, những người chỉ trích cũ hay kẻ trung thành đều nhất trí đánh giá về ông ở sự chân thật và khiêm nhường. Một cựu cố vấn và là người viết diễn văn cho tổng thống, U Nay Win Maung, đưa ra bình luận về ông: "Không tham vọng, không quả quyết, không có sức lôi cuốn nhưng rất chân thành".

Chân thành cải cách

Chính sự chân thành của ông Thein Sein về cải cách đã thuyết phục bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo phong trào dân chủ,  trở lại hoạt động chính trị trong năm ngoái. Quyết định ấy là một bước ngoặt với ông, không chỉ dành cho ông sự ủng hộ ở trong nước mà còn giúp ông xích lại gần Mỹ - nhà "quán quân" trong việc áp dụng các lệnh trừng phạt quốc tế.

Trong những ngày Aung San Suu Kyi quyết định tranh cử, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tới thăm Myanmar, trở thành quan chức cấp cao nhất nước Mỹ tới thăm quốc gia này trong nửa thế kỷ. Ông Thein Sein đang trở thành một người mà chính quyền sẽ nhìn vào khi họ nỗ lực khẳng định vị trí quyền lực của mình ở châu Á và là "phép thử" với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Hôm qua, ông tiếp tục công khai lên tiếng ủng hộ quá trình cải cách cho dù phe đối lập đã giành thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử quốc hội hôm chủ nhật. Ông khẳng định, cuộc bầu cử "được tiến hành theo một cách rất thành công". Trong khi đó, thắng lợi của phe đối lập cộng với thắng lợi của chính bản thân bà Aung San Suu Kyi đã giành được chiếc ghế cho chính mình có thể đặt ra mối đe dọa với đảng cầm quyền - đảng sẽ đối mặt với cuộc tổng tuyển cử vào năm 2015.

Nhưng những người chỉ trích vẫn không hoàn toàn hài lòng với thay đổi mà Thein Sein đang tiến hành. Dù rất nhiều tù chính trị đã tự do nhưng vẫn còn nhiều người trong trại giam. Và họ cũng không quên quá khứ của ông. Nhưng Irrawaddy, một ấn phẩm của người lưu vong ở Thái Lan, gần đây đã nêu sự khác biệt khi thông tin rằng, đơn vị của ông năm 1988 hoặc đã thả những nhà hoạt động dân chủ, hoặc giao họ cho chính quyền địa phương có lẽ là để cứu sống họ.

Khuensai Jaiyen, biên tập viên tổ chức cung cấp tin tức về một trong những nhóm dân tộc thiểu số lớn nhất Myanmar tổng kết những cảm nhận tương đối tốt về vị Tổng thống. “Nếu bạn hỏi mọi người ở đây, vị chỉ huy nào họ thích nhất, thì sẽ là ông ấy". Khuensai nói qua điện thoại. “Hoặc chính xác hơn, ông ấy là chỉ huy mà họ ít ghét nhất”.

Một cố vấn cho vị Tổng thống đã từ chối trả lời câu hỏi về nền tảng của ông Thein Sein hay động cơ dẫn ông đến cải cách. Chỉ biết rằng, ít nhất cho đến bây giờ, ông đang cố gắng đưa nước mình hướng tới một xã hội cởi mở hơn.

Một chất xúc tác xuất hiện, đó là bão Nargis. Cơn bão xảy ra cách đây 4 năm là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất của Myanmar, khiến hơn 130.000 người thiệt mạng và biến miền quê trù phú thời thơ ấu của ông Thein Sein thành nơi của những ngôi làng bị san phẳng, những dòng sông trôi nổi xác người.

Khi ấy, Thein Sein là lãnh đạo đơn vị phản ứng khẩn cấp của chính quyền quân sự. Nhưng khi đi khắp châu thổ Irrawaddy trên một chiếc trực thăng, ông đã thấy quốc gia nghèo khổ của mình bị động thế nào trước thảm họa. Cơn bão trở thành "thứ kích hoạt tinh thần", U Tin Maung Thann, người đứng đầu tổ chức nghiên cứu ở Yangon chuyên cố vấn chính sách cho Tổng thống nói. “Nó khiến ông hiểu ra những hạn chế của chế độ cũ".

Ở cương vị lãnh đạo ủy ban ứng phó của chế độ cũ, ông Thein Sein đã bị đổ lỗi một phần cho những hạn chế của chính phủ. Những người chỉ trích phê bình gay gắt quyết định từ chối viện trợ nước ngoài trong việc cấp phát lương thực và những hàng hoá khác. Nhưng theo giới phân tích, ít nhất ông Thein Sein đã tự mình tiếp cận với dân, khác các tướng tá đồng nhiệm.

Hình mẫu 'sạch'

Ông chào đời tại ngôi làng hẻo lánh Kyonku và lớn lên trong nghèo khó. Là con út trong ba người con, ông sinh ra ở căn nhà gỗ nhỏ bé trên con đường chạy qua trung tâm thị trấn, nơi cách tây nam Yangon khoảng 8h đi xe. Cha mẹ ông không có đất đai, và cha ông, U Maung Phyo, kiếm sống bằng nghề đan chiếu - U Kyaw Soe, người cùng làng nói. Nhưng cha của ông nguyên là một tăng ni Phật giáo, người mà dân làng mô tả là có học thức khác thường. “Lý do chính cho sự thành công của ông là cha ông", Kyaw Soe nói. “Ông là người thầy vĩ đại và có những giá trị đạo đức đáng tôn trọng".

Kyaw Soe cho biết, vị tổng thống đã không hề thiên vị Kyonku kể từ khi lên nắm quyền một năm trước đây. Và sự thiếu thốn của làng là minh chứng cho tính chân thực của Thein Sein. Ngôi làng vẫn không có con đường trải đá, thiếu nước sạch. Du khách được cảnh báo không ra ngoài khi tối trời trên con đường bụi bặm nối Kyonku với thế giới bên ngoài vì có thể họ sẽ cham mặt những con voi sinh sống trên các quả đồi.

Đánh giá của Kyaw Soe cũng giống nhiều người khác. “Chắc chắn những người thân cận với quân đội, người nghĩ rằng ông là một trong số những người tốt hơn cả, đều chung ý nghĩ ông không hề tư lợi cá nhân", Larry M.Dinger, đại biện lâm thời của Mỹ tại Myanmar nói.

Sự khiêm nhường, không phô trương của ông đã tạo ra ấn tượng tốt đẹp với những người dân Myanmar, những người đã chứng kiến sự phô trương ngày một xa hoa không hề nao núng của các cựu tướng lĩnh quân sự sau khi chế độ cũ bán nhiều tài sản giá trị của đất nước trong năm dẫn tới chuyển giao quyền lực 2011. Một số nhà phân tích dự đoán rằng, sự giàu có có thể là một phần giải thích vì sao những nhà lãnh đạo cũ ưng thuận với các cải cách của Tổng thống.

Khi bước sang năm thứ hai làm Tổng thống, ông Thein Sein lại đang nhằm tới những mục tiêu táo bạo.

Trong bản Thông điệp liên bang hồi tháng 3, ông cam kết sẽ áp dụng hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân, và tăng gấp đôi chi tiêu cho giáo dục. Ông cũng nhắc lại "quyền lực thứ tư" của truyền thông đại chúng và khẳng định báo chí "có thể đảm bảo tự do và trách nhiệm".

Ít nhất cho tới nay, ông Thein Sein đã thể hiện một mức độ hiểu biết về chính trị, địa chính trị. Bằng việc ngừng dự án xây con đập thủy điện do Trung Quốc tiến hành gây nhiều tranh cãi, ông đã giảm bớt nỗi lo lắng khá phổ biến ở Myanmar - quốc gia 55 triệu dân - sẽ bị láng giềng rộng lớn hơn nhiều "khai khẩn".

Vẫn còn nhiều người lo lắng rằng, cải cách có thể bị dừng lại hoặc bị phụ thuộc quá nhiều vào Tổng thống. Người viết diễn văn cho Tổng thống, ông Nay Win Maung, trả lời trong một cuộc phỏng vấn năm ngoái rằng, có lý do cho những lo lắng ấy. “Những thay đổi không được dự tính trước", ông nói. "Nó không phải là chiến lược, nó dựa trên cá nhân".

Thái An (theo New York Times)