- Biếu tiền, mời tiệc chiêu đãi, mời đi du lịch, "lại quả" giá trị hợp đồng... là nhiều hình thức khác nhau mà doanh nghiệp phải sử dụng khi làm việc với cán bộ/cơ quan quản lý nhà nước. Với tổn phí đầu tư không chính thức này, nhiều doanh nghiệp gọi mình là "nạn nhân" của tham nhũng.
Đó là ghi nhận từ báo cáo nghiên cứu về thực trạng tham nhũng trong khu vực doanh nghiệp tại Việt Nam công bố sáng nay (4/4). Nghiên cứu này nằm trong dự án Sáng kiến xây dựng tính nhất quán và minh bạch trong quan hệ kinh doanh tại Việt Nam do văn phòng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thuộc VCCI chủ trì thực hiện. Khảo sát được tiến hành trên 270 doanh nghiệp ở Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM, Đồng Nai, Cần Thơ.
"Phí bôi trơn"
Khảo sát quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ quan/cán bộ nhà nước cho thấy, có tới 63% doanh nghiệp đồng ý với nhận định là “hệ thống giấy phép chuyên ngành phức tạp, không minh bạch là một trong những nguyên nhân gây ra tham nhũng" ở Việt Nam hiện nay. Theo khảo sát, hầu như doanh nghiệp nào cũng chi khoản không chính thức, với mức độ bôi trơn tùy vào từng doanh nghiệp và hoàn cảnh. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp sẵn sàng trả khoản chi phí bôi trơn hoặc không chính thức để giải quyết các thủ tục.
Tương tự các hoạt động liên quan tới việc giao cấp đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều phát sinh tham nhũng do thủ tục phức tạp. Chỉ có 31% đồng ý là thủ tục hiện thuận tiện hơn cho doanh nghiệp. Với việc cấp và phân bổ đất, hơn một nửa số được hỏi cho rằng thủ tục để được nhà nước cho thuê, giao đất, cấp đất rất phức tạp và gần 40% tin là phải có "mối quan hệ quen biết" thì mới được giao đất, cấp đất.
Ảnh: LX |
Mặc dù chính phủ đã triển khai một số chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh nhưng hơn một nửa doanh nghiệp cho biết phải có chi phí bồi dưỡng cán bộ tín dụng thì mới tiếp cận được nguồn vốn này, hơn 60% nói phải có quan hệ với ngân hàng hoặc cán bộ tín dụng. Trong hoạt động cung cấp hàng hóa/dịch vụ cho DNNN/cơ quan nhà nước thì gần 50% cho hay việc gửi quà biếu cho cán bộ phụ trách đấu thầu là phổ biến... Kết quả khảo sát cho thấy khoản “lại quả” mà doanh nghiệp trích lại cho đối tác phần lớn là dưới 5% giá trị hợp đồng, một số trường hợp cao hơn 10%. Đặc biệt, mức lại quả trong ngành dịch vụ cao hơn sản xuất và thương mại.
Báo cáo nhận định chung rằng hình thức tham nhũng phổ biến nhất trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và khu vực nhà nước mà doanh nghiệp ghi nhận là hối lộ dưới dạng đưa phong bì cho các cán bộ nhà nước. Điều này được xem như thông lệ chấp nhận được trong kinh doanh ở Việt Nam. Ngoài ra, còn có hiện tượng cán bộ nhà nước có cổ phần trong doanh nghiệp nhưng thực chất không đóng tiền mua cổ phần mà vẫn được chia lợi tức đầy đủ. Đổi lại doanh nghiệp sẽ có được các lợi ích nhất định.
Ngoài hình thức hối lộ, các doanh nghiệp ghi nhận sự phổ biến của các hình thức khác như mời cơm, chiêu đãi hay mời đi du lịch trong quan hệ với cán bộ nhà nước. Mặc dù ít phổ biến hơn nhưng các hình thức như mời đi du lịch, nhận người quen, thân của cán bộ nhà nước vào làm việc tại doanh nghiệp cũng không phải là hiếm gặp... Với tổn phí đầu tư không chính thức, nhiều doanh nghiệp gọi mình là "nạn nhân" của tham nhũng.
Hỏng tư duy kinh doanh
Nhận định về thực trạng này, Phó Chủ tịch VCCI Đoàn Duy Khương cho hay doanh nghiệp chấp nhận các khoản bôi trơn để lợi trước mắt nhưng về lâu dài sẽ "hỏng" tư duy kinh doanh và không có khả năng cạnh tranh. Ông nói các doanh nghiệp không nên đầu tư nhiều vào chuyện "biếu xén".
Tham nhũng làm tăng chi phí kinh doanh, lại quả để nhận hợp đồng đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện" khiến ông Richard Homer, đại diện ĐSQ Anh tại Hà Nội cảnh báo khả năng cạnh tranh, kinh doanh minh bạch giảm nếu doanh nghiệp Việt Nam muốn vươn ra thị trường quốc tế.
Về nguyên nhân, chuyên gia kinh tế trưởng Nguyễn Ngọc Anh, trưởng nhóm nghiên cứu báo cáo cho hay đánh giá hệ thống pháp luật nói chung, có tới 45% doanh nghiệp không đồng ý rằng hệ thống pháp luật hiện nay đã đủ nghiêm minh để chống tham nhũng, trong khi chỉ có khoảng 32% doanh nghiệp đồng ý. Có tới 87% doanh nghiệp được khảo sát đồng ý với nhận định "pháp luật vẫn tồn tại những kẻ hở cho nạn tham nhũng phát triển".
Ông cũng cho hay việc thực thi chưa nghiêm, ngay cả đối với một số quy định đã tốt, là một thách thức lớn. Hơn nữa, lương công chức cũng được doanh nghiệp nhắc đến như một trong những nguyên nhân của tham nhũng.
Ngoài chế tài xử phạt như nhóm thực hiện báo cáo kiến nghị, ông Đoàn Duy Khương nhấn mạnh trong trường hợp điều tra, nhiều vụ việc đã phát hiện vi phạm nhưng việc đảm bảo thực hiện tuyên án của tòa là vấn đề cần qua tâm.
Linh Thư