- Trong ít phút tổng kết sau phiên chất vấn Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng giải thích lý do vì sao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định không thành lập Uỷ ban điều tra trách nhiệm trong sai phạm ở Vinashin.

>> Thủ tướng báo cáo giải trình trước Quốc hội
>> Toàn văn giải trình của Thủ tướng trước Quốc hội
>> Chất vấn đâu chỉ cho xong vai diễn
>> Thủ tướng nhận trách nhiệm cá nhân về Vinashin

Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 1/11, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đề nghị Quốc hội biểu quyết thành lập UB lâm thời điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ. Trên cơ sở đó, cuối kỳ họp Quốc hội sẽ bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên Chính phủ liên quan.

 
 Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng. Ảnh LAD
Ngày 11/11, Uỷ ban Thường vụ QH đã có văn bản trả lời ĐB Thuyết về việc chưa cần thiết thành lập.

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng trình bày thêm, ngay khi nhận được đề xuất ĐB Thuyết gửi lên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã hội ý sớm để trả lời ĐB nhanh nhất.

Theo Chủ tịch Quốc hội, tình hình hiện nay vẫn đang được xem xét với mục tiêu phải vực dậy Vinashin, không để tập đoàn bị phá sản.

Về việc xem xét trách nhiệm, các cơ quan điều tra, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của Đảng đều đang làm. Đây là bài học đau xót để củng cố các tập đoàn và DNNN nói chung. Vấn đề bây giờ là trách nhiệm đến đâu, xử lý thế nào.

"Để phân định được trách nhiệm đến đâu thì Uỷ ban kiểm tra TƯ của Đảng đang được giao làm rõ. Vậy QH có nên có thêm uỷ ban để vào cuộc nữa không, hay lại làm rối tình hình, chồng chéo", Chủ tịch Quốc hội nói.

Cũng theo Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, nếu để lập Uỷ ban phải tính chuyện ai tham gia và làm thế nào.

"Quốc hội đang họp, bàn bao nhiêu dự án luật, rồi Đại hội Đảng các cấp, rồi lũ lụt miền Trung, rồi các sự kiện đối ngoại, bao nhiêu là việc. Chính vì vậy chúng tôi trả lời ĐB Thuyết là chưa lập uỷ ban lâm thời. Vì để QH lập uỷ ban, đi điều tra, rồi đến lúc đưa ra báo cáo với QH và ra được Nghị quyết thì cũng mất thời gian lắm", ông Trọng cho hay.

Kết luận sau phiên chất vấn, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nói, hậu chất vấn phải là vấn đề nối tiếp, để thực tiễn phải chuyển động chứ không thể nói xong ở đây là thôi.

Kỳ này có ra nghị quyết hay không thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp, xem xét.

  • Lê Nhung