- Bộ trưởng TN&MT cho hay Bộ sẽ có ý kiến chính thức tiếp tục cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn thuê đất theo quy định của pháp luật. Thời hạn và phí thuê đất thực hiện theo quy định của pháp luật…
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nguyễn Minh Quang trao đổi vấn đề trên khi đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sáng nay 6/4.
Trả lời câu hỏi của một số bạn đọc ở Hải Phòng liên quan vụ việc cưỡng chế đầm tôm của ông Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng vụ việc xảy ra có nguyên nhân khách quan, lĩnh vực đất đai có nhiều văn bản, luật, nghị định, thông tư với gần 300 văn bản…phức tạp, đòi hỏi người thực thi công vụ phải nắm vững. Bản thân các văn bản cũng có nhiều vấn đề cần sửa...
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nguyễn Minh Quang. Ảnh: Chinhphu.vn |
Ông cũng cho rằng mỗi người dân phải có trách nhiệm sử dụng đất theo đúng pháp luật. Thông tin vừa qua mới chủ yếu nói đến vai trò của người thực thi công vụ, nhưng việc sử dụng đất của người dân cũng không phải không có vấn đề.
"19,3ha mà ông Đoàn Văn Vươn lấn chiếm là như vậy. Nếu lấn chiếm thì phải thu hồi, nhưng huyện lại hợp thức hóa… Rồi vấn đề phá rừng phòng hộ như thế nào, hoặc chậm nộp thuế sử dụng đất, cho người khác thuê lại…; việc xây dựng nhà kiên cố dù huyện đã cho phép sử dụng nhà 1 tầng… Qua đó, phải thấy rằng bên cạnh cái sai của chính quyền, thì người sử dụng đất cũng phải tuân thủ pháp luật".
Về hướng giải pháp cho gia đình ông Vươn, Bộ trưởng cho hay Bộ sẽ có ý kiến chính thức tiếp tục cho gia đình ông Vươn thuê đất theo quy định của pháp luật. Thời hạn bao nhiêu, tiền thuê như thế nào thực hiện theo quy định của pháp luật…
Tiếp tục cấp sổ đỏ
Tại cuộc đối thoại, nhiều độc giả bày tỏ quan tâm tới năm 2013 sẽ hết thời hạn giao đất nông nghiệp 20 năm theo NĐ 64, đất nông nghiệp trong thời gian tới sẽ được xử lý như thế nào, cũng như làm thế nào để việc gia hạn đất nông nghiệp cho người dân tiếp tục sử dụng được thuận tiện.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho hay Bộ đã bàn, báo cáo Chính phủ và sẽ trình lên Quốc hội. Quy định thời hạn sử dụng đất tiếp theo thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Trong khi chưa sửa Luật năm 2003 thì vẫn áp dụng luật hiện hành. Theo đó, theo luật đất đai 2003, Nghị định hướng dẫn 181, đối với hộ gia đình được giao đất lấy mốc thời điểm là năm 1993, thì tới đây vẫn được tiếp tục sử dụng đất đó.
"Thẩm quyền là thuộc Quốc hội, nhưng chúng tôi sẽ tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội theo hướng như vậy. Việc sử dụng đất vẫn giữ ổn định, không xáo trộn"- ông khẳng định.
Tuy nhiên, có một số loại đất không thuộc đối tượng trên, như đất bãi bồi ven sông, ven biển, thì sau khi hết thời hạn, nếu hộ gia đình có nhu cầu sử dụng tiếp, họ cần tiến hành các thủ tục để gia hạn sử dụng. Về thủ tục gia hạn, Chính phủ đã giao Bộ TNMT nghiên cứu, xây dựng thông tư hướng dẫn.
Một vấn đề nữa, khi thời hạn sắp hết, đối với loại đất nêu trên, có tiếp tục cấp sổ đỏ hay không? Bộ trưởng trả lời, theo luật hiện hành, tiếp tục cấp sổ đỏ. Đây là nhu cầu thường xuyên, chính đáng. Còn thời hạn thì theo quy định tại khoản 1 điều 67 của Luật đất đai 2003, tức là 20 năm tính từ năm cấp quyền sử dụng đất. Như vậy, các Ngân hàng yên tâm cho người nông dân vay vốn sản xuất, không gây đứt đoạn.
Xử nghiêm cán bộ tham nhũng đất
Bạn đọc Văn Thu Hương (Hàng Bạc - Hoàn Kiếm Hà Nội) đặt câu hỏi: "Ông nghĩ sao về một số nơi vẫn còn tình trạng cán bộ nhà đất đi lùng mua đất nông nghiệp, đất rau xanh của dân rồi sau đó hợp thức hóa số đỏ, bán lại với giá cao gấp hàng chục lần. Hà Nội là nơi điển hình cho việc này. Đã có điều tra cũng như đã có ai giám sát vụ việc này chưa thưa Bộ trưởng?"
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng cho hay việc ở một số cán bộ nơi này nơi khác, làm công tác địa chính liên quan đến việc mua đất của dân để sau đó lợi dụng công việc, trách nhiệm của mình có thể làm chuyển sổ đỏ, từ đó kiếm lời là việc làm trái pháp luật.
Nhân câu hỏi, Bộ trưởng đề nghị các tỉnh thành đặc biệt là cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ thực thi nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực đất đai này cần có cơ chế, quy chế kiểm tra, giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ mình. Việc này có thể thông qua các sở, phòng địa chính, như rà lại các sổ đỏ liên quan đến 1 văn phòng cấp giấy, để kiểm tra, gắn với đó là kiểm tra đội ngũ.
Ông cũng cho hay hiện nay trong dư luận cho rằng, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai còn phổ biến. Bộ trưởng đề nghị các địa phương và đặc biệt đối với những cán bộ làm công tác liên quan đến vấn đề đất đai , các cơ quan quản lý liên quan có trách nhiệm kiểm tra và giám sát chặt chẽ để xử lý thích đáng các trường hợp vi phạm theo đúng pháp luật..
PV