Trung Quốc đã học được ví dụ và khí tài của những quốc gia khác. Hải quân đã bắt đầu sử dụng các phương tiện bay không người lái (UAV).

 

Hình ảnh máy bay tuần tra của Nhật chụp được cho thấy một UAV nhỏ của Trung Quốc bay phía trên tàu của PLAN trong cuộc tập trận hải quân. Ảnh: SIGNAL Magazine

Ít nhất có một loại đã được máy bay do thám nước ngoài chụp ảnh được, và có những loại khác đã được đưa tin. Trung Quốc không chỉ trưng bày các phương tiện này ở những buổi triển lãm hàng không, họ còn phối hợp công nghệ hiện đại của phương tiện không người lái Mỹ vào các hệ thống hiện tại và tương lai.

 

Quân đội Trung Quốc (PLA) đã sử dụng UAV kể từ khi xây dựng được những phiên bản của máy bay không người lái Firebee (không quân Mỹ) bị bắn hạ trong những năm 1960. Có nguyên mẫu WuZhen-5 (WZ-5), cũng được gọi là Chang Hong (CH-1) UAV vào năm 1972. Các UAV của Trung Quốc ban đầu do Viện Hàng không Tên lửa Trung Quốc thiết kế với PLA là khách hàng chính trong nhiều thập niên.

 

Hiện nay, hàng chục doanh nghiệp Trung Quốc tham gia thiết kế UAV tương tự như tình hình thiết kế UAV ở Mỹ và các công ty cũng như phòng thí nghiệm phương Tây. Một số UAV là kiểu điều khiển từ xa kiểu như đồ chơi trẻ em bán trong cửa hàng. Hình ảnh chụp được một UAV mà quân đội Trung Quốc sử dụng thậm chí giống một buồng lái trên máy bay.

 

Ngày 29/11/2011, Tân hoa xã đưa tin rằng, Liêu Ninh là tỉnh đầu tiên sử dụng máy bay không người lái điều khiển từ xa thuê từ một công ty bản đồ để giám sát hàng hải với không gian biển khoảng 150.000km vuông. Động thái này bổ sung cho sứ mệnh giám sát ven biển của Hải quân Trung Quốc (PLAN).

 

Người ta không quan sát thấy hoặc có báo cáo về sự hoạt động như là một phần trong hạm đội của PLAN cho tới tháng 7/2011. Có hai hoặc ba hoạt động riêng rẽ được thực hiện từ phía bắc biển Hoa Đông tới Biển Đông trong tháng 6 và 7/2011, có lẽ là để thể hiện sự phối hợp trong nội bộ hạm đội với các UAV mới.

 

Một số báo cáo tin tức cho rằng, UAV của hải quân cũng là một phần diễn tập, nhưng chi tiết về hoạt động hay hình ảnh của nó không hề xuất hiện.

 

Cũng trong tháng 6 có một cuộc tập trận lớn của PLAN ở gần quần đảo của Nhật tại phía đông Biển Philippines. Đội tàu của Trung Quốc gồm ba tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Sovremenny, một tàu khu trục hiện đại Jiangkai II, một tàu khu trục Jiangwei I và một Jiangwei II, tàu chở dầu hỗ trợ Fuqing… và thậm chí cả một tàu ngầm. Sau khi hoạt động ở biển Hoa Đông trong vòng một tuần, đội tàu dường như đang hướng về căn cứ và đi qua các đảo Okinawa và Myokojima của Nhật. Vào 24/6, máy bay tuần tra hàng hải P-3 của lực lượng Phòng vệ hàng hải Nhật Bản đã tham gia tiến hành điều tra các hoạt động của đội tàu. Thật bất ngờ, một UAV nhỏ đã được nhìn thấy phía trên tàu khu trục Jiangwei II và phi hành đoàn của P-3 đã chụp lại hình ảnh này.

 

Mặc dù phi hành đoàn P-3 của Nhật đã vui mừng vì có được tấm hình đầu tiên về một UAV của PLAN trên biển, nhưng có thể, các rađa trong đội tàu của PLAN đã phát hiện ra P-3 từ khoảng cách xa hơn và cố tình “tung ra” UAV khi máy bay của Nhật bay tới. Dường như Trung Quốc có kế hoạch từ trước để công nghệ mới của họ được ghi lại bằng hình ảnh cho mục đích tuyên truyền.

 

Ngày 10/7, các máy bay không người lái của hải quân Trung Quốc đã được sử dụng để hỗ trợ cuộc diễn tập quân sự kéo dài bốn ngày ở gần Hải Nam. Theo một trang web quân sự của Trung Quốc, các UAV đã hoàn thành 10 mục tiêu “trong đó có tiếp âm thông tin, cung cấp thông tin và xử lý tình huống đặc biệt”.

 

Tháng 7/2011, báo chí Đài Bắc đưa tin, chiếc UAV mang tên Silver Hawk - một kiểu thiết kế ASN-209 - đã bay thử lần đầu tiên ở Binhai thuộc đông bắc Trung Quốc.

 

Ngoài các phiên bản kỳ cựu WZ-5 và ASN-206 - mô phỏng của Firebee và Pioneer, sao chép các UAV của Mỹ là xu thế khá quen thuộc ở Trung Quốc. Công ty ASN Technology Group ở Tây An là công ty nghiên cứu và sản xuất UAV lớn nhất nước này. Hơn 90% UAV quân sự của Trung Quốc là các sản phẩm ASN. Một số UAV của Mỹ được mô phỏng nhiều còn là Predator và Global Hawk.

 

Tại triển lãm hàng không Chu Hải 2010, Trung Quốc trưng bày mười mấy loại máy bay không người lái. Trong một tờ rơi quảng cáo tại triển lãm này ghi “máy bay không người lái WJ-600 thay mặt cho đơn vị tên lửa ven biển Trung Quốc gửi lời chào tới tàu sân bay của Mỹ”. Loại UAV lớn nhất của Trung Quốc được trưng bày là ASN-229A mang được hai tên lửa đối đất. Thiết kế phần mũi phồng lớn, dưới mũi là bộ phận cảm biến và bộ càng đáp cánh “kỳ lạ” nhưng theo các nhân viên của ASN Technology thì ASN-229 sẽ phóng bằng động cơ rocket. Trọng lượng cất cánh tối đa của máy bay khoảng 800 kg, hoạt động trên không 20 tiếng.

 

Mặc dù triển lãm Chu Hải có rất nhiều video và vật trưng bày, nhưng chỉ số ít kiểu UAV đi vào hoạt động và công nghệ của chúng ước tính còn tụt hậu 20 năm so với các quốc gia phương Tây. Tuy nhiên, trong tương lai, các UAV của PLAN sẽ lớn hơn và có nhiều tính năng hơn, thậm chí có khả năng hỗ trợ hoạt động cho tên lửa đạn đạo chống hạm trong việc tìm dấu vết nhóm tàu sân bay chiến đấu. Dĩ nhiên, khả năng này không chắc xảy ra trong tương lai gần.

 

Thái An (theo SIGNAL Magazine)