- Ngay sau phiên bế mạc Đại hội Đảng XI, sáng 17/1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành 30 phút gặp gỡ, trả lời câu hỏi của các nhà báo trong nước và quốc tế.


VietNamNet giới thiệu toàn văn nội dung phiên họp báo này.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tôi tin, sắp tới theo sự phát triển chung, cần có hình thức chất vấn trong Đảng. Ảnh: Hoàng Long

Xây dựng quy chế chất vấn trong Đảng

VietNamNet: Thưa Tổng Bí thư, nhiều đại biểu đã kiến nghị từ ĐH 11, cần triển khai rộng rãi chất vấn trong Đảng, một quy định đã có từ ĐH 10 nhưng chưa được triển khai thực chất.  Từng làm Chủ tịch Quốc hội, điều hành những phiên chất vấn rất sôi động và hiệu quả, khi làm Tổng Bí thư, ông sẽ mang kinh nghiệm đó ra triển khai chất vấn trong Đảng như thế nào? Và với tư cách là Tổng bí thư, ông có sẵn sàng để các đảng viên chất vấn mình không?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Hoạt động chất vấn là một trong những hình thức đảm bảo dân chủ.

Cho đến nhiệm kỳ ĐH 10 vừa rồi, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã có chủ trương chất vấn trong các kỳ họp Trung ương. Cụ thể là nêu vấn đề: Mỗi kỳ họp của Trung ương, ai có vấn đề gì chất vấn thì cứ nêu.

Thế nhưng, vừa rồi, chất vấn trong Đảng hơi ít. Tôi đoán có lẽ vì khác với chất vấn bên Quốc hội. Bên Quốc hội thảo luận những vấn đề sôi động hàng ngày, nóng bỏng, thiết thân, liên quan đến đời sống của nhân dân, đến an sinh xã hội, nhiều nội dung bức xúc.

Còn ở trung ương là bàn quyết sách lớn, những chủ trương chiến lược, hỏi cũng khó chứ không phải dễ.

Hiện nay, chưa có chất vấn nhiều. Nhưng tôi tin, sắp tới, theo sự phát triển chung, cần có hình thức chất vấn trong Đảng. Vấn đề là xây dựng quy chế như thế nào tạo điều kiện cho mọi người cùng sinh hoạt một cách dân chủ.

Tôi đã nói ở Quốc hội, chất vấn có tác dụng rất tốt, chí ít là để đôi bên hiểu lẫn nhau, gợi cho nhau những suy nghĩ, cùng thấy trách nhiệm và đưa ra giải pháp.

“Làm từng bước, tổng kết, rút kinh nghiệm rồi phát triển”

Tuổi Trẻ TP.HCM: Văn kiện ĐH Trung ương vừa thông qua có nhiều vấn đề lớn. Tổng Bí thư sẽ quan tâm tạo dấu ấn của mình trong lĩnh vực nào?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tôi làm cái gì không nghĩ mục đích tạo dấu ấn, không phải để đánh bóng, không phải cốt tỏ ra mình thế nào.

Trách  nhiệm của người Đảng viên, người cán bộ là phải thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Đảng. Làm cho tốt nghị quyết Đảng là tốt rồt. Đương nhiên, trong khi phát triển toàn diện, triển khai thực hiện toàn diện các văn kiện, cũng phải có trọng tâm, trọng điểm.

Trong văn kiện cũng đã nói, chủ đề đại hội là “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”. Đó là việc mà trước hết Tổng Bí thư, Ban chấp hành Trung ương và toàn Đảng phải lo.

Một nội dung nữa là phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, một trong những bài học quan trọng rút ra từ ngày có Đảng, đến bây giờ.

Bác Hồ đã nói: ‘Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”. Rồi:  “Hòn đá to, hòn đá nặng, một người nhấc, nhấc không đặng…”. Việt Nam còn có câu ca dao “Một cây làm chẳng nên non…”. Tôi nghĩ, chăm lo xây dựng khối đoàn kết là vấn đề chiến lược.

"Tôi tin, sắp tới, theo sự phát triển chung, cần có hình thức chất vấn trong Đảng. Vấn đề là xây dựng quy chế như thế nào tạo điều kiện cho mọi người cùng sinh hoạt dân chủ".


        Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Một nội dung khác là đẩy mạnh toàn diện  phát triển nền kinh tế. Bây giờ, đang đổi  mới phương thức lãnh đạo, hệ thống chính trị, chủ động và hội nhập quốc tế

Trong 5 năm tới, từ nay đến năm 2015 phấn đấu để có một số nền tảng, đến năm 2020, trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Chiến lược đã nêu, tới năm 2020, có 3 mũi đột phá là hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực và thể chế.

Đến giữa thế kỷ, Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Còn xa hơn nữa thì tính sau, vì thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội còn rất dài, nói sớm quá dễ trở thành đoán mò.

Cứ từng bước, chúng ta tổng kết, rồi rút kinh nghiệm và phát triển.

Pháp luật TP.HCM: Ông là nhà lý luận, từng tham gia soạn thảo Cương lĩnh năm 1991. Khi biểu quyết vấn đề công hữu tư liệu sản xuất ở đại hội này, ông có hồi hộp không? Ông nghĩ, điều này sẽ tác động thế nào tới những chính sách tới đây?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Về vấn đề “công hữu tư liệu sản xuất”, hôm qua, khi thảo luận ở hội trường, tôi đã trình bày ý kiến của mình.

Quyền của đại hội, biểu quyết thế nào thì phải chấp hành, đó là ý chí của toàn Đảng, chúng tôi nghiêm túc chấp hành.

Nhưng dù thế nào nữa cũng không ảnh hưởng tới chính sách nhất quán của Việt Nam là xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, từng bước đi lên, trước hết là phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước,  mà nói gọn lại là kinh tế thị trường  định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chưa khóa nào giới thiệu nhiều như lần này

Pháp luật TP.HCM: Một số đại biểu phản ánh, tại đại hội, công tác nhân sự thảo luận khá dân chủ, nhưng kết quả hầu hết đại biểu trúng cử do trung ương chuẩn bị. Những người được bầu cử bổ sung vẫn hơi suy nghĩ vì cơ hội của họ ít quá. Ông nói thế nào để giải tỏa tâm tư này?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Thảo luận về nhân sự ở đại hội có dân chủ, nhưng phần lớn trúng là do Trung ương chuẩn bị. Theo tôi nghĩ, trong câu hỏi trên đã mang ý nghĩa trả lời rồi.

Nói “Trung ương chuẩn bị” tức là cả là quá trình công phu từ dưới lên; các cơ quan, tổ chức, bộ máy phải nghiên cứu, đề xuất thẩm tra đánh giá toàn diện, cung cấp thông tin về nhân sự.

Lâu nay có nói vui, ta giới thiệu ra đại hội để cho có “quân xanh, quân đỏ”.

Nhưng thực ra, không phải thế. Có trường hợp ở đại hội mới giới thiệu vào vẫn trúng. Nhưng ngược lại, có trường hợp, trung ương giới thiệu, ra đại hội lại không bầu.

 Có 7 trường hợp trung ương giới thiệu nhưng ra đại hội vẫn không trúng cử, dù số phiếu quá bán.

Tôi nói thế để thấy có sự dân chủ và khách quan. Ở đây, không hề có ý là dân chủ hình thức.

Theo quan sát của tôi, người đã có 5 khóa dự các ĐH Đảng, chưa khóa nào, việc giới thiệu nhiều như lần này. Mà tất cả đều vào danh sách, sau đó ai xin rút, ai không xin rút rồi mới chốt lại danh sách đại biểu.

Bloomberg: Trong thời gian vừa qua, nhiều nhà phân tích cho rằng Việt Nam cần có những hành động kịp thời để ứng phó với một số thách thức như lạm phát cao hay sức ép về tiền tệ. Theo ý kiến của Tổng bí thư, Chính phủ sắp tới phải có quyết sách gì để ứng phó với những thách thức đó?

Ông Nguyễn Văn Thạo, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng: 

Lạm phát cao và sức ép tiền tệ là những vấn đề trong văn kiện và quá trình  chuẩn bị đại hội đã thảo luận nhiều lần

Hiện nay, những vấn đề này vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Việt Nam, mặc dù chúng tôi không chủ qua và lơ là.

Sắp tới, đây là một trong những trọng tâm mà chúng tôi quan tâm.

Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi sắp tới là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô để tiếp tục duy trì tăng trưởng. Biện pháp lớn là đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, tái cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Thứ hai là tiếp tục hoàn thiện thể chế. Thứ ba là ba khâu đột phá mà Tổng Bí thư vừa đề cập tới.

AP: Trong thời gian tới, Việt Nam có quyết định gì để nâng cao vấn đề nhân quyền?

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh: Quyền con người là mục tiêu và động lực của mọi chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Nhà nước Việt Nam luôn đưa ra các chính sách để đảm bảo người dân được hưởng thụ quyền tốt nhất. Mọi chính sách đó được đảm bảo để thực hiện đầy đủ trên thực tế. Đồng thời, chính sách của Việt Nam cũng là đối thoại với các nước liên quan tới quyền con người. Bởi vì, đối với quyền con người, cách tiếp cận của các quốc gia có sự khác biệt nhau. Để giải quyết sự khác biệt nhau đó, Chính phủ Việt Nam luôn luôn, sẵn sàng đối thoại với các nước.

  • Hạ Anh- Thảo Lam (ghi)