Cho ý kiến về dự thảo luật Giá chiều 11/4, Thường vụ QH băn khoăn việc đưa điện và xăng, dầu vào danh mục bình ổn giá và định giá trong khi các mặt hàng này đang trong lộ trình “thả giá” theo thị trường.
Do ngành điện còn độc quyền nên Nhà nước vẫn phải định giá điện? Ảnh minh họa
Dự kiến danh sách gồm xăng dầu, điện, khí, phân đạm, thuốc thú ý và vắc xin, muối, sữa bột trẻ em, đường, thóc gạo, thuốc chữa bệnh, thức ăn gia súc và giá vé tàu hỏa ghế cứng.
Tuy nhiên, không phải mọi thời điểm đều áp dụng bình ổn đối với mọi mặt hàng có trong danh mục. Cơ quan thẩm quyền chỉ lựa chọn hàng hóa, dịch vụ cần thiết phải bình ổn tại những thời điểm có biến động bất thường về giá.
Trong khi đó, danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá gồm hàng dự trữ quốc gia; nhà thuộc sở hữu nhà nước, nhà công vụ, nhà ở xã hội; điện và dịch vụ điện; nước sạch; thuốc lá; viễn thông; xăng dầu; hàng không nội địa, đường sắt; giá dịch vụ y tế, giáo dục; đất đai, mặt nước, rừng; và các sản phẩm, dịch vụ công ích.
Một số mặt hàng trong hai bản danh mục trên khiến các ủy viên Thường vụ QH băn khoăn.
Đặc biệt, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chỉ ra giá điện và xăng dầu hiện nay đang cải tiến theo hướng xác định theo cơ chế thị trường. Theo ông Hùng, đưa các mặt hàng này vào danh vào bình ổn giá “còn có lý” do những lúc nhất thiết Nhà nước phải can thiệp để tránh tăng giá không kiểm soát.
Nhưng đưa vào danh mục định giá thì “chưa thuyết phục”. “Mà có định giá được không? Ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, ví dụ định giá thấp khiến doanh nghiệp lỗ liệu có bù lỗ không?”, ông Hùng hỏi.
Nhấn mạnh yêu cầu “hoàn thiện các yếu tố của kinh tế thị trường” với nguyên tắc “thuận mua vừa bán”, ông Hùng còn lưu ý rà soát cẩn thận các cam kết quốc tế, đặc biệt là các điều khoản gia nhập WTO.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thị Kim Thoa chỉ ra: Luật Điện lực có quy định về giá bán lẻ nhưng không quy định về giá dịch vụ chuyển tải, phân phối điện. Giá bán xăng, dầu thì đã được xác định là thực hiện theo cơ chế thị trường tại Nghị định 84 năm 2009.
Bà Thoa đồng tình không nên đưa hai mặt hàng này vào danh mục định giá mà chỉ để ở danh mục bình ổn giá.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển chỉ ra căn cứ lập danh mục Nhà nước định giá gồm sử dụng ngân sách nhà nước, tính độc quyền và tính thiết yếu của hàng hóa, dịch vụ.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, đại diện cơ quan soạn thảo, thì làm rõ lại khái niệm định giá gồm định giá chính thức, định giá sàn - trần, và định giá khung.
Theo ông Hiển và ông Hiếu thì điện và xăng dầu, tuy có lộ trình giá theo cơ chế thị trường, nhưng trong bối cảnh hiện tại, tính độc quyền trong sản xuất và phân phối các mặt hàng này vẫn còn cao nên Nhà nước vẫn cần “cầm cương” về giá.
Ông Hiển cho biết “kể cả định giá cũng phải căn cứ trên các yếu tố thị trường như chất lượng hàng hóa, dịch vụ, nhu cầu của thị trường, khả năng chi trả của người tiêu dùng, khả năng cạnh tranh với hàng hóa, dịch vụ tương tự của nước ngoài…”.
Dù ông Hiển nhấn mạnh quan điểm thu hẹp các danh mục này “càng gọn càng tốt”, nhiều ý kiến trong Thường vụ vẫn lo ngại sự can thiệp của Nhà nước vào giá của một số mặt hàng sẽ làm khó cho việc vận động quốc tế công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu cơ quan soạn thảo làm rõ hơn về mục đích định giá đối với mỗi mặt hàng cụ thể (để lưu văn bản, để mua bán, cho thuê, đầu thầu, đấu giá…) để công khai mức độ can thiệp của Nhà nước vào giá của từng mặt hàng.
Luật giá sẽ được tiếp tục cho ý kiến tại kỳ họp QH tới đây. Cũng trong chiều 11/4, Thường vụ QH cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Trong quá trình soạn thảo luật Giá, các phòng thương mại của EU và Mỹ có ý kiến phản ứng với quy định “đăng ký giá” như một biện pháp bình ổn giá, cho rằng đây là “sự can thiệp quá sâu vào thị trường”. Thứ trưởng Trần Văn Hiếu cho rằng nên giữ lại quy định này, giải thích đây chỉ là “một trong những biện pháp bình ổn giá, không áp dụng mọi thời điểm với mọi mặt hàng”. Lấy ví dụ về quản lý giá sữa, ông Hiếu cho biết nếu chỉ yêu cầu “thông báo giá” thì không đủ sức ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp. |