Hôm nay, Philippines đã triển khai con tàu thứ hai tới vùng đảo nhỏ ở Biển Đông với nỗ lực khẳng định chủ quyền của mình trong một vụ đụng độ với tàu Trung Quốc.
Nhà chức trách cho hay, một tàu phòng vệ bờ biển sẽ tham gia hỗ trợ cho tàu chiến lớn nhất của Phillippines hiện đang ở bãi đá ngầm Scarborough vào sáng nay - nơi hai tàu hải giám Trung Quốc đang cố gắng bảo vệ và ngăn chặn việc bắt giữ các ngư dân trên tàu cá.
2 tàu hải giám Trung Quốc đã đi vào giữa tàu chiến Philippines và 8 tàu cá Trung Quốc. Ảnh: Philippine Army photo |
"Con tàu sẽ hỗ trợ chúng tôi trong khu vực", chỉ huy hải quân - phó đô đốc Alexander Pama nói về con tàu phòng vệ bờ biển dài 56m.
Tuy nhiên, quan chức ngoại giao Philippines Raul Hernandez đã nhấn mạnh rằng, nước này mong muốn chấm dứt đụng độ một cách hoà bình và các cuộc hội đàm với phía ngoại giao Trung Quốc vẫn tiếp tục. "Những gì quan trọng là chúng tôi đang trao đổi với họ để đạt được giải pháp ngoại giao. Giải pháp ấy cần công bằng và khả thi", Hernandez nói với báo chí.
Tranh cãi bắt đầu xảy ra vào chủ nhật khi nhà chức trách Philippines phát hiện ra 8 tàu cá Trung Quốc ở bãi đá ngầm cách đảo Luzon ở phía tây 124 hải lý. Philippines đã cáo buộc các ngư dân Trung Quốc hoạt động trái phép, khẳng định đây là khu vực thuộc phạm vi lãnh thổ của Philippines vì nằm trong phạm vi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế được công nhận bởi luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, Trung Quốc luôn khẳng định chủ quyền với hầu hết Biển Đông, thậm chí là với cả những vùng biển ngay cạnh bờ biển của các nước khác và giới chức Trung Quốc nhấn mạnh rằng, các ngư dân được phép ở bãi đá ngầm.
Cạnh tranh trong tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông từ lâu được xem là một trong những điểm nóng của châu Á có nguy cơ châm ngòi cho xung đột quân sự. Vùng biển này có ý nghĩa kinh tế và chính trị to lớn và được tin là rất giàu trữ lượng dầu khí, dồi dào nguồn cá và sở hữu các tuyến đường biển sống còn với thương mại toàn cầu.
Biển Đông là nơi diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và bốn quốc gia Đông Nam Á. Trong đó, Trung Quốc khẳng định chủ quyền với hầu hết vùng biển. Ở vụ việc đụng độ mới nhất xảy ra, Philippines đã lập tức điều tàu hải quân tới bãi đá ngầm Scarborough sau khi phát hiện ra các tàu cá Trung Quốc ở đây để bắt các ngư dân. Tuy nhiên, hai tàu hải giám Trung Quốc đã tới hiện trường hôm thứ ba và ngăn chặn tàu Philippines không cho tiếp cận với tàu cá.
Năm ngoái, Philippines và Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng các hành động ngày một gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Manila cáo buộc các tàu Trung Quốc bắn cảnh báo ngư dân Philippines, quấy nhiễu tàu thăm dò dầu khí...
Tuy nhiên, vụ việc mới xảy ra là vụ đụng độ cao nhất vài năm gần đây.
Trong cuộc họp báo đầu tiên tại Philippines vào giữa tháng 3, Đại sứ mới của Trung Quốc Mã Khắc Thanh bày tỏ hy vọng, Philippines và Trung Quốc có thể "cuối cùng tìm ra con đường để khởi động các cuộc hội đàm" về các khu vực cùng phát triển ở Biển Đông. “Với sự kiên nhẫn, khôn ngoan và thiện chí, chúng ta cuối cùng có thể tìm ra một con đường", bà nói. “Suy nghĩ của chúng tôi là, trong khi tìm kiếm giải pháp cuối cùng (tranh chấp Trường Sa), chúng ta nên gác lại và đặt sang bên những khác biệt để cùng tham gia thoả thuận hợp tác".
Bà Mã nhấn mạnh: Các tài nguyên ở đó để khai thác, phát triển kinh tế là 'ưu tiên của chúng ta' với Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei, những nước đều tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. “Nhưng kể từ khi có tranh chấp, không ai có thể hành động đơn phương. Vì vậy, cách thích hợp để làm điều này hoặc bắt đầu điểm khởi đầu là gác lại bất đồng và cùng tham gia hợp tác", bà nói.
Thái An (theo AP, asiaone)